Dự án Luật Dầu khí (sửa đổi): Cần “gỡ vướng” về thẩm quyền, trình tự thủ tục đầu tư
Trước những vướng mắc từ thực tiễn triển khai, góp ý, kiến nghị xây dựng Dự thảo Luật Dầu khí (sửa đổi), PVEP cho rằng, cần bổ sung quy định về trình tự, thủ tục đầu tư…
>> Dự án Luật Dầu khí (sửa đổi): Gỡ chồng chéo pháp luật
Theo Tổng công ty Thăm dò khai thác dầu khí (PVEP), trong khoảng 10 năm gần đây, Quốc hội và Chính phủ đã ban hành nhiều văn bản quy phạm pháp luật quan trọng về quản lý vốn đầu tư vào các doanh nghiệp Nhà nước như Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) và các đơn vị thành viên như PVEP. Vì thế, việc triển khai đầu tư dự án dầu khí của PVN/PVEP chịu sự điều chỉnh của rất nhiều nguồn luật khác nhau nhưng giữa các văn bản này lại tồn tại các khoảng trống pháp lý và không ít sự chồng chéo, mâu thuẫn.
Điều này gây ra nhiều khó khăn và là rào cản lớn đối với PVEP trong triển khai các hoạt động đầu tư dự án dầu khí, không tạo đà cho tối ưu hóa việc phát triển, khai thác tài nguyên dầu khí, gây ảnh hưởng không nhỏ đến nguồn thu ổn định và bền vững cho ngân sách quốc gia.
PVEP cho rằng, nút thắt lớn cần được tháo gỡ ngay đối với các doanh nghiệp đóng vai trò chủ đạo trong lĩnh vực thăm dò khai thác dầu khí như PVN và PVEP là vấn đề thẩm quyền, trình tự thủ tục đầu tư. Vướng mắc này nảy sinh từ các quy định hiện hành của Luật Dầu khí, Luật Đầu tư và Luật Quản lý sử dụng vốn Nhà nước.
Bên cạnh đó, các quy định của pháp luật dầu khí hiện hành chưa đủ linh hoạt và không kịp thích ứng với hiện trạng về điều kiện địa chất và tiềm năng dầu khí ngày càng suy giảm, bối cảnh quốc tế và trong nước có nhiều thay đổi, tác động bất lợi đến môi trường đầu tư của Việt Nam nói chung và trong lĩnh vực dầu khí nói riêng. Mức độ hấp dẫn của môi trường đầu tư trong lĩnh vực dầu khí của Việt Nam được đánh giá kém cạnh tranh so với một số quốc gia trong khu vực Đông Nam Á, như Malaysia và Indonesia.
Từ thực tế đã nêu, PVEP mong muốn Luật Dầu khí (sửa đổi) tới đây sẽ tháo gỡ được những khó khăn vướng mắc. Cụ thể:
Về thẩm quyền, trình tự thủ tục đầu tư dự án dầu khí, so với Luật Đầu tư năm 2014, Luật Đầu tư năm 2020 đã tháo gỡ hai vấn đề quan trọng đối với dự án dầu khí: Bỏ quy định về thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư dự án dầu khí của Thủ tướng Chính phủ; nêu rõ Luật Đầu tư không điều chỉnh về thẩm quyền, trình tự, thủ tục, điều kiện đầu tư kinh doanh đối với dự án dầu khí mà thực hiện theo quy định của Luật Dầu khí. Tuy nhiên, Luật Dầu khí hiện hành lại không quy định các vấn đề này, vì vậy, Luật Dầu khí (sửa đổi) cần bổ sung quy định về trình tự, thủ tục đầu tư để tránh việc tiếp tục duy trì “lỗ hổng” pháp lý trong nhiều năm qua.
>> Dự án Luật Dầu khí (sửa đổi): Cần thêm nhiều yếu tố cải thiện môi trường đầu tư
Về cơ chế chính sách cải thiện môi trường đầu tư, PVEP cho rằng, hầu hết các mỏ dầu khí của Việt Nam nói chung và PVEP nói riêng đã và đang trong giai đoạn suy giảm sản lượng. Các lô thăm dò trữ lượng hạn chế, điều kiện địa chất phức tạp, trong khi, các quy định hiện hành về chính sách thuế tài nguyên, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế xuất khẩu cùng các điều kiện kinh tế, tài chính khác theo hình thức hợp đồng chia sản phẩm là rào cản lớn đối với việc triển khai các hoạt động đầu tư không chỉ riêng của PVEP mà còn tất cả các nhà đầu tư khác.
“Điều đó khiến cho việc gia tăng trữ lượng và sản lượng khai thác trong những năm gần đây ở Việt Nam gần như không có tiến triển, cần có các chính sách, điều kiện ưu đãi đầu tư để giải quyết thực trạng này”, PVEP góp ý.
Thực tế, Dự thảo Luật Dầu khí (sửa đổi) đang được Quốc hội xem xét đã bổ sung các quy định cải thiện chính sách khuyến khích đầu tư bao gồm: Tăng mức thu hồi chi phí, bổ sung các điều kiện miễn, giảm thuế đối với các dự án ưu đãi đầu tư và đặc biệt ưu đãi đầu tư, kéo dài thời hạn hợp đồng hơn so với pháp luật dầu khí hiện hành.
Tuy nhiên, để có thể tháo gỡ, xóa bỏ các lực cản về đầu tư và xử lý linh hoạt hơn hiện trạng khó khăn cho các nhà đầu tư, PVEP kiến nghị, Luật Dầu khí (sửa đổi) cần bổ sung thêm quy định, cơ chế xử lý các vấn đề như: Cho phép Thủ tướng Chính phủ quyết định mức miễn giảm thuế ưu đãi cao hơn so với Dự thảo hiện nay cho các lô, mỏ cần áp dụng cơ chế chính sách đặc biệt để có thể hiện thực hóa hoạt động khai thác tận thu nhằm tránh lãng phí tài nguyên cho đất nước. Đồng thời, cần đa dạng hóa hình thức hợp đồng dầu khí, không chỉ giới hạn ở hình thức PSC truyền thống mà cho phép áp dụng thêm các hình thức khác theo nguyên tắc đôi bên cùng có lợi cho cả Chính phủ và nhà đầu tư.
Bởi theo PVEP, việc áp dụng hình thức hợp đồng cấp phép này sẽ giúp cải thiện đáng kể hiệu quả đầu tư cho các dự án dầu khí có lô/mỏ có tiềm năng kém hấp dẫn. Đây là hình thức được áp dụng rất phổ biến ở khu vực Nam Mỹ và các quốc gia phát triển như Mỹ, châu Âu…
Ngoài những đề xuất, kiến nghị đã nêu, để bảo đảm hoạt động khai thác được diễn ra liên tục mà không bị gián đoạn do vừa phải thực hiện thủ tục kết thúc hợp đồng dầu khí cũ và ký hợp đồng mới,… PVEP kiến nghị bổ sung thêm hình thức gia hạn hợp đồng dầu khí cũ, bên cạnh việc ký hợp đồng dầu khí mới như Dự thảo tại Điều 32a. Đồng thời, bổ sung quy định cho phép sử dụng quỹ thu dọn mà chính nhà thầu đó đã trích lập theo hợp đồng dầu khí cũ để phục vụ cho việc thu dọn các công trình, thiết bị sau khi kết thúc hợp đồng dầu khí mới,...
Có thể bạn quan tâm
Dự án Luật Dầu khí (sửa đổi): Gỡ chồng chéo pháp luật
03:50, 19/08/2022
Dự án Luật Dầu khí (sửa đổi): Cần thêm nhiều yếu tố cải thiện môi trường đầu tư
03:50, 18/08/2022
Dự án Luật Dầu khí (sửa đổi): Phương án 1 chưa rành mạch thẩm quyền, trách nhiệm
14:25, 16/08/2022
Dự án Luật Dầu khí (sửa đổi): 7 nội dung cần tiếp tục nghiên cứu, sửa đổi
03:40, 07/08/2022
Dự án Luật Dầu khí (sửa đổi): Cần tăng trách nhiệm khi xảy ra rủi ro về môi trường
04:00, 03/08/2022