Năng lượng tái tạo: Cơ chế giá mua điện với dự án chuyển tiếp còn nhiều bất cập

PHƯƠNG THANH 21/03/2023 07:50

Các nhà đầu tư điện gió, điện mặt trời đề xuất cần xem xét lại giá cho các dự án điện gió điện mặt trời chuyển tiếp, sở dĩ nhiều nhà đầu tư chưa nộp hồ sơ đàm phán là do cơ chế chưa được rõ ràng.

>>Giải pháp về giá điện đối với các doanh nghiệp năng lượng tái tạo

bàn về giải pháp tháo gỡ các vướng mắc về hợp đồng mua bán điện đối với các dự án năng lượng tái tạo chuyển tiếp

Toàn cảnh hội nghị bàn về giải pháp tháo gỡ các vướng mắc về hợp đồng mua bán điện đối với các dự án năng lượng tái tạo chuyển tiếp

Tại hội nghị bàn về giải pháp tháo gỡ các vướng mắc về hợp đồng mua bán điện đối với các dự án năng lượng tái tạo chuyển tiếp giữa Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) với các chủ đầu tư vào chiều 20/3 tại Hà Nội, ông Trần Đình Nhân -Tổng Giám đốc EVN cho biết, thời gian qua, nhiều doanh nghiệp đầu tư dự án năng lượng tái tạo đã có các văn bản gửi Chính phủ, các Bộ, ngành. Thực hiện các văn bản hướng dẫn của Bộ Công Thương và Cục Điều tiết điện lực về việc đàm phán giá điện, hợp đồng mua bán điện cho các dự án chuyển tiếp, Công ty Mua bán điện thuộc EVN (EPTC) đã có văn bản gửi 85 chủ đầu tư đề nghị rà soát các hồ sơ pháp lý của dự án, xây dựng phương án giá điện theo phương pháp chiết khấu dòng tiền. Tuy nhiên, đến ngày 20/3, chỉ có duy nhất một chủ đầu tư trong số 85 chủ đầu tư các dự án chuyển tiếp gửi hồ sơ theo đề nghị nêu trên. 

Ông Trần Đình Nhân -Tổng Giám đốc EVN

Ông Trần Đình Nhân -Tổng Giám đốc EVN

Đưa ra đề xuất tại hội nghị bà Nguyễn Thị Thanh Bình, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn T&T Group cho biết: Các nhà đầu tư rất ủng hộ chủ trương của Chính phủ trong việc phát triển năng lượng tái tạo. Thực hiện chủ trương theo Quyết định số 37, Quyết định số 39 về cơ chế hỗ trợ phát triển các dự án điện gió và Quyết định số 13/2020/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 06/04/2020 về cơ chế khuyến khích phát triển các dự án điện mặt trời, nhiều doanh nghiệp đã rất nỗ lực để hoàn thành kịp tiến độ trước ngày 31/10/2021. Tuy nhiên, vì nhiều lý do, điều này không thực hiện được nên đến nay rơi vào trường hợp các dự án năng lượng tái tạo chuyển tiếp. 

Bà Nguyễn Thị Thanh Bình, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn T&T Group

Bà Nguyễn Thị Thanh Bình, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn T&T Group

Theo đó, vẫn như nội dung kiến nghị của 36 nhà đầu tư cùng ký đơn gửi tới Thủ tướng Chính phủ, đại diện các doanh nghiệp, bà Bình đề xuất Bộ Công Thương cần báo cáo Thủ tướng và xem xét lại những nội dung chưa được rõ ràng trong cơ chế giá phát điện cho các dự án năng lượng tái tạo chuyển tiếp. Theo bà Bình các quy định trong Thông tư 15/2022/TT-BCT và Quyết định 21/QĐ-BCT của Bộ Công Thương mới đây đã cho thấy những khó khăn với việc phát triển năng lượng tái tạo. Trong đó khung giá điện được Bộ Công Thương ban hành theo Quyết định 21 chưa phù hợp thực tiễn và có phần vội vàng. 

>>Việt Nam cần sớm ban hành Luật Năng lượng tái tạo

>>Cần sớm có cơ chế mới cho thị trường năng lượng tái tạo

“Thực tế những nhà đầu tư trực tiếp là đối tượng bị ảnh hưởng nhưng không hề được hỏi ý kiến. Mặc dù được biết EVN là đơn vị có kinh nghiệm trong khâu tính toán, nhưng kết quả tính toán các dự án để có cơ sở trình Bộ Công Thương tính ra khung giá, được EVN nêu ra là chưa có thời gian để thuê đơn vị tư vấn độc lập thẩm định. Bên cạnh đó theo kết quả tính toán của EVN tôi thấy nhiều nội dung không phù hợp với các dự án đã đầu tư. Cho dù thời gian qua EVN đã đưa ra các văn bản hướng dẫn cho nhà đầu tư nhưng chưa có nhà đầu tư nào nộp hồ sơ cho công ty mua bán điện do các hướng dẫn không rõ ràng, chưa đảm bảo được dòng đời của dự án cũng như các cam kết cho nhà đầu tư”, bà Bình cho biết.

Bên cạnh đó bà Bình cũng kiến nghị do thời gian cho đàm phán giá cho các dự án chuyển kéo dài, trong thời gian này cần có hợp đồng tạm để huy động công suất điện các dự án đã đủ điều kiện đưa vào hoạt động với tổng công suất hơn 2.090 MW để tránh lãng phí. Bởi đây là nhu cầu rất cấp thiết vì doanh nghiệp đang đang phải thanh toán khoản tiền rất lớn cho đầu tư xây dựng và phía ngân hàng.

Đồng kiến nghị ông Phạm Lê Quang, Giám đốc Phát triển dự án Công ty cổ phần BCG Energy đề xuất, doanh nghiệp có 4 dự án trong danh sách chờ chuyển tiếp, nên ông Quang mong muốn Bộ Công Thương và EVN sớm xem xét cho ghi nhận sản lượng điện của các nhà máy, cho phép các dự án đã được kiểm tra, nghiệm thu thì được đóng điện, tránh lãng phí xã hội. Hiện nhiều dự án bị rơi vào tình trạng thỏa thuận đấu nối hết hạn…“Trong đó tôi cần làm rõ hai vấn đề tư vấn độc lập thẩm định của các cơ quan quản lý Nhà nước đưa ra, thứ nhất là về phạm vi tư vấn độc lập thẩm định đánh giá các dự án đầu tư, thứ hai đối với đơn vị tư vấn thẩm định này thì năng lực của cơ quan tư vấn độc lập được tính theo quy định nào?”- ông Quang bày tỏ.

Cũng tại hội nghị, một số chủ đầu tư mong muốn được sớm tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, nhất là về cơ chế, chính sách, cũng như các hướng dẫn cụ thể của EVN về thủ tục đàm phán hợp đồng mua bán điện, các hướng dẫn đấu nối, cũng như câu hỏi về tiêu chuẩn thiết kế xây dựng đối với các dự án được sớm triển khai. 

Phát biểu tại hội nghị, ông Phạm Nguyên Hùng, Phó Cục trưởng Cục Điện lực & Năng lượng tái tạo và đại diện Cục Điều tiết điện lực (Bộ Công Thương) đã giải thích, trả lời các câu hỏi cũng như một số đề xuất của các nhà đầu tư; đồng thời, yêu cầu các chủ đầu tư dự án cũng như EVN tiếp tục triển khai theo đúng các văn bản pháp luật, các quy định hiện hành trong quá trình đàm phán.

Trước những kiến nghị của các chủ đầu tư, ông Trần Đình Nhân cho biết, trên tinh thần cầu thị, lắng nghe, Tập đoàn điện lực Việt Nam (EVN) sẽ tiếp thu lại ý kiến của các nhà đầu tư kiến nghị, đồng thời đề nghị Bộ Công Thương trên cơ sở nghiên cứu lại Điều 26, Nghị định 137/2013/NĐ-CP ngày 21/10/2013 "Quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Điện lực và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Điện lực”.  EVN và đơn vị phát điện cùng đàm phán giá điện trên cơ sở nghiên cứu của Bộ Công Thương hướng dẫn. Bên cạnh đó EVN rất mong Cục Điều tiết tham mưu để EVN báo cáo lại các nội dung doanh nghiệp đề xuất tới Thủ tướng. Về khả năng giải tỏa công suất, EVN sẽ xem xét rà soát lại, nếu có khó khăn EVN sẽ xử lý trong quá trình đàm phán. Tất cả hồ sơ tham gia đàm phán của 85 dự án chuyển tiếp, EVN đề nghị doanh nghiệp sẽ nhanh chóng nộp lại cho Công ty mua bán điện. Riêng việc đấu nối, EVN đã xem xét và chỉ đạo các Tổng Công ty điện lực và Tổng Công ty truyền tải gia hạn đấu nối cho các dự án đã hết hạn.

Có thể bạn quan tâm

  • Khung giá mới cho các dự án chuyển tiếp cần đảm bảo tính cạnh tranh

    Khung giá mới cho các dự án chuyển tiếp cần đảm bảo tính cạnh tranh

    11:00, 10/01/2023

  • Khung giá mới cho điện gió, điện mặt trời chuyển tiếp: Doanh nghiệp vẫn “khóc ròng”

    Khung giá mới cho điện gió, điện mặt trời chuyển tiếp: Doanh nghiệp vẫn “khóc ròng”

    15:32, 09/01/2023

  • Trao chứng nhận các dự án năng lượng tái tạo tiêu biểu Việt Nam năm 2022

    Trao chứng nhận các dự án năng lượng tái tạo tiêu biểu Việt Nam năm 2022

    18:45, 06/01/2023

  • Khơi thông thị trường năng lượng tái tạo

    Khơi thông thị trường năng lượng tái tạo

    03:00, 01/02/2023

  • Bất cập trong môi trường đầu tư năng lượng tái tạo tại Việt Nam

    Bất cập trong môi trường đầu tư năng lượng tái tạo tại Việt Nam

    00:53, 09/01/2023

  • Xã hội hoá đường truyền để “khơi thông” điểm nghẽn cho năng lượng tái tạo

    Xã hội hoá đường truyền để “khơi thông” điểm nghẽn cho năng lượng tái tạo

    02:13, 07/01/2023

PHƯƠNG THANH