Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi): Lo ngại khó vay vốn ngoại

KHÔI NGUYÊN 28/03/2023 03:00

Việt Nam có thể cho tổ chức nước ngoài nhận thế chấp, nếu bên đi vay không trả được nợ thì cho phép bán lại cho cá nhân, tổ chức trong nước, cấm họ chuyển nhượng cho phía nước ngoài…

Đó là phân tích của Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) trong bản góp ý mới nhất cho dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi). Theo đó, VCCI lo ngại doanh nghiệp sẽ khó tiếp cận vốn ngoại khi thế chấp quyền sử dụng đất để vay vốn từ các tổ chức tài chính nước ngoài.

>>Dự thảo Luật Đất đai sửa đổi: Làm rõ cơ chế hoạt động cho “Ngân hàng đất nông nghiệp”

hkhkhk

Các tổ chức, cá nhân Việt Nam chưa có quyền thế chấp quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất tại tổ chức tài chính quốc tế. Ảnh minh họa

Theo VCCI, quy định về thế chấp quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất thế chấp tại các tổ chức tín dụng là nội dung quan trọng và có liên quan mật thiết với vấn đề tài chính đất đai (giá đất, tín dụng, lãi suất…), ảnh hưởng trực tiếp tới năng lực tài chính và khả năng vượt qua khó khăn, phát triển bền vững của thị trường đất đai, bất động sản Việt Nam.

Chương III dự thảo quy định “Quyền và nghĩa vụ của người sử dụng đất”, dự thảo đã mở rộng đối tượng nhận thế chấp bằng quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất là “các tổ chức tín dụng được phép hoạt động tại Việt Nam, tại các tổ chức kinh tế khác hoặc cá nhân theo quy định của pháp luật”.

Tuy nhiên, các tổ chức, cá nhân Việt Nam chưa có quyền thế chấp quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất tại tổ chức tài chính quốc tế. Quy định này ngăn cản các doanh nghiệp trong nước tiếp cận được các dòng vốn nước ngoài, đặc biệt là các khoản vay dài hạn để phát triển các dự án đầu tư.

Theo VCCI, vay nước ngoài có ưu điểm là lãi suất trung bình thường thấp hơn nhiều so với các khoản vay trong nước và giải quyết được nhiều giới hạn về hệ số an toàn khi các dự án lớn vay ngân hàng trong nước.

Quy định cấm thế chấp cho tổ chức, cá nhân nước ngoài có thể được hiểu là nhằm mục đích cấm việc cá nhân, tổ chức nước ngoài có được quyền sử dụng đất nếu bên đi vay không thể trả nợ. Tuy nhiên, cần lưu ý rằng nếu bên đi vay không trả được nợ trong quan hệ thế chấp, thì có hai khả năng xảy ra: một là nhận thế chấp nhận tài sản; hai là bên nhận thế chấp bán lại tài sản cho một bên khác.

>>Tiếp tục lấy ý kiến góp ý dự thảo Luật đất đai sửa đổi

Việt Nam vẫn có thể cho tổ chức nước ngoài nhận thế chấp, nhưng khi bên đi vay không trả được nợ thì cấm việc chuyển nhượng tài sản cho phía nước ngoài mà chỉ cho phép họ bán lại cho một cá nhân, tổ chức khác tại Việt Nam.

Quy định này tương tự như quy định về thừa kế quyền sử dụng đất khi người nhận thừa kế là người nước ngoài. Theo quy định hiện nay, người nhận thừa kế sẽ không được phép nhận quyền sử dụng đất mà buộc phải bán cho một bên Việt Nam khác và chỉ được nhận tiền.

VCCI cũng cho biết, có ý kiến lo ngại việc này có thể khiến việc vay nợ nước ngoài của doanh nghiệp Việt Nam tăng lên, tiềm ẩn nguy cơ rủi ro tài chính. Tuy nhiên, vấn đề này đã được giải quyết bằng các quy định về vay nợ nước ngoài của doanh nghiệp (tự vay tự trả, Chính phủ không bảo lãnh).

“Hơn nữa, các khoản vay mà có thế chấp quyền sử dụng đất thường là các khoản vay dài hạn để đầu tư dự án, chứ không phải là vay ngắn hạn. Mà vay dài hạn thì nguy cơ rủi ro tài chính thấp hơn vay ngắn hạn. Hơn nữa, việc nhập khẩu vốn cho các dự án đầu tư cũng vẫn là điều Việt Nam tiếp tục khuyến khích trong thời gian tới”, VCCI phân tích.

Có thể bạn quan tâm

  • Dự thảo Luật Đất đai sửa đổi: Làm rõ cơ chế hoạt động cho “Ngân hàng đất nông nghiệp”

    Dự thảo Luật Đất đai sửa đổi: Làm rõ cơ chế hoạt động cho “Ngân hàng đất nông nghiệp”

    03:50, 09/10/2022

  • Rà soát Dự thảo Luật Đất đai sửa đổi: Minh bạch trong thu hồi đất

    Rà soát Dự thảo Luật Đất đai sửa đổi: Minh bạch trong thu hồi đất

    01:00, 30/10/2022

  • Tiếp tục lấy ý kiến góp ý dự thảo Luật đất đai sửa đổi

    Tiếp tục lấy ý kiến góp ý dự thảo Luật đất đai sửa đổi

    12:03, 19/03/2023

KHÔI NGUYÊN