Có cơ hội xuất khẩu ô tô, doanh nghiệp lại gặp khó vì chính sách
Nhập khẩu khung gầm và cabin xe tải, có tay lái bên phải, về nội địa hóa để xuất khẩu gặp vướng mắc chính sách, doanh nghiệp khốn đốn.
>>Tạo sức mạnh nội sinh cho ngành công nghiệp ô tô
Công ty TNHH Vĩnh Phát Motors (Tp.HCM) cho biết tháng 3/2023 đã ký hợp đồng xuất khẩu các sản phẩm xe tải, thùng xe tải sang thị trường Ma Cao và Hồng Kông với doanh số 6,5 triệu USD. Đây là sản phẩm do Vĩnh Phát Motors sản xuất lắp ráp, sau nhiều năm nghiên cứu, phát triển và hợp tác với các nhà cung cấp linh kiện trong, ngoài nước. Trong đó có nhiều chi tiết, linh kiện được nội địa hóa, chẳng hạn như thùng xe tải, thùng xe tải chuyên dùng…
Tuy nhiên, khi nhập khẩu 3 xe tải có khung gầm gắn liền với cabin (chưa có thùng), có tay lái bên phải, về lắp ráp thùng chuyên dùng, cùng các chi tiết nội địa hóa khác, để hoàn thiện sản phẩm, xuất khẩu theo hợp đồng đã ký thì gặp vướng mắc. Xe về cảng Cát Lái (Tp HCM) ngày 14/4/2023 đã không được thông quan. Lý do cơ quan Hải quan đưa ra là xe này thuộc Danh mục cấm nhập khẩu theo quy định tại Nghị định 69/2018/NĐ-CP ban hành ngày 15/5/2018 của Chính phủ.
Theo quy định tại Nghị định 69/2018/NĐ-CP thì các phương tiện vận tải tay lái bên phải (tay lái nghịch) là mặt hàng bị cấm nhập khẩu, xuất khẩu, tạm nhập-tái xuất, tạm xuất -tái nhập. Doanh nghiệp thì hiểu quy định này chỉ dùng để ngăn chặn việc nhập khẩu về tiêu thụ nội địa, chứ không cấm nhập khẩu để sản xuất hàng xuất khẩu. Doanh nghiệp cũng đã giải thích như vậy với cơ quan Hải quan, nhưng lô hàng vẫn không được cho thông quan để sản xuất lắp ráp và có nguy cơ bị tịch thu vì thuộc Danh mục cấm nhập khẩu.
Theo Vĩnh Phát Motors việc cấm không cho nhập khẩu để tiêu thụ nội địa đối với phương tiện giao thông tay lái bên phải là phù hợp, bởi luật giao thông Việt Nam chỉ áp dụng cho xe có tay lái bên trái. Tuy nhiên, việc đưa phương tiện vận tải tay lái bên phải vào Danh mục cấm tại Nghị định 69/2018 đã hạn chế khả năng sản xuất và xuất khẩu của các doanh nghiệp. Làm mất đi cơ hội xuất khẩu xe tay lái bên phải của các doanh nghiệp tại Việt Nam, nhất là bối cảnh cần thúc đẩy doanh nghiệp mở rộng thị trường và phát triển ngành công nghiệp ô tô.
>>Đề xuất giải pháp giải quyết 2 điểm nghẽn của ngành công nghiệp ô tô
Cũng theo Công ty TNHH Vĩnh Phát Motors, trước khi Nghị định 69/2018 ra đời, Bộ Giao thông Vận tải đã từng cho phép một doanh nghiệp nhập khẩu 6 chiếc ô tô cơ sở (khung gầm và cabin) tay lái bên phải nhằm mục đích gia công cho đối tác nước ngoài. Cả 6 chiếc xe này được lắp ráp thùng cứu hỏa và tái xuất… Khi đó, Bộ Giao thông Vận tải chỉ yêu cầu doanh nghiệp phải có biện pháp xử lý phế liệu, phế thải của công trình gia công, đảm bảo không gây ô nhiễm môi trường; phải tái xuất số xe kể trên trong vòng không quá 12 tháng kể từ khi hoàn thành các thủ tục hải quan tạm nhập.
Từ ngày 21/4/2023, Công ty TNHH Vĩnh Phát Motors đã gửi đơn kiến nghị lên Chính phủ, đề nghị tìm giải pháp tháo gỡ giúp doanh nghiệp. Doanh nghiệp mong muốn được cho phép thí điểm nhập khẩu linh kiện CKD rời và khung gầm gắn liền với cabin tay lái bên phải để sản xuất hàng xuất khẩu.
Tuy nhiên, đến nay lô hàng 3 xe ô tô tải tay lái bên phải của Công ty TNHH Vĩnh Phát Motors nhập khẩu vẫn bị ách tắc tại cảng Cát Lái, gây ra thiệt hại lớn cho doanh nghiệp. Không chỉ phải gánh chịu chi phí lưu kho bãi ngày càng tăng cao, mà còn có thể bị bạn hàng phạt vì vi phạm thời gian giao hàng đã cam kết, nguy cơ mất đơn hàng xuất khẩu. Doanh nghiệp đã nỗ lực rất nhiều trong bối cảnh kinh tế khó khăn, tiêu thụ ô tô giảm mạnh và người lao động bị sa thải, bị cắt giảm thu nhập. Tuy nhiên, khi mở được hướng đi mới lại gặp phải vướng mắc về chính sách, khó chồng thêm khó.
Có thể bạn quan tâm