Một số quy định của Dự thảo sửa đổi Nghị định 99/2013/NĐ-CP còn thiếu phù hợp
Góp ý Dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 99/2013/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực sở hữu công nghiệp, VCCI cho rằng, một số quy định được đề xuất còn thiếu phù hợp…
>> Bổ sung quy định xử phạt hành chính lĩnh vực chứng khoán
Theo đó, trên cơ sở ý kiến của doanh nghiệp, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) vừa có văn bản trả lời Công văn số 1850/BKHCN-Ttra ngày 16/6/2023 của Bộ Khoa học và Công nghệ về việc đề nghị góp ý Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 99/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực sở hữu công nghiệp (Dự thảo).
Cụ thể, tại văn bản góp ý, VCCI cho biết, Điều 2 Dự thảo đã bỏ cụm từ “kể cả quá cảnh” tại một số điều Nghị định 99/2013/NĐ-CP. Theo giải trình của cơ quan soạn thảo, quy định này để bỏ nội dung liên quan đến hành vi quá cảnh do Luật Sở hữu trí tuệ không quy định biện pháp xử lý hành chính với hành vi này. VCCI đồng tình với quy định mới tại Dự thảo vì các lý do:
Các cam kết quốc tế không yêu cầu Việt Nam phải kiểm tra, xử lý hành chính trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ với hoạt động quá cảnh: Chú thích 13 tại Điều 51 Hiệp định TRIPS quy định rằng các nước thành viên không có nghĩa vụ phải áp dụng thủ tục đình chỉ thông quan tại cơ quan hải quan với hàng hoá quá cảnh. Điều 18.76.(5).(c) Hiệp định CPTPP, dù có quy định cơ quan có thẩm quyền có thể mặc nhiên tiến hành các thủ tục biên giới với hàng hoá quá cảnh, cũng không bắt buộc phải thực hiện nghĩa vụ này, mà cho phép cơ quan hải quan nước thành viên CPTPP chỉ cần xây dựng cơ chế hợp tác cung cấp thông tin về hàng hoá giả mạo nhãn hiệu hoặc hàng sao chép lậu để hỗ trợ lẫn nhau nhận diện hàng hoá bị nghi ngờ (theo chú thích 123);
Quy định như Dự thảo là phù hợp với Luật Sở hữu trí tuệ: Điều 211 Luật Sở hữu trí tuệ quy định về các hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ bị xử phạt hành chính, trong đó không có hành vi quá cảnh hàng hoá;
>> Sửa quy định xử phạt hành chính trong lĩnh vực lao động
Việc xử phạt hành vi quá cảnh với các doanh nghiệp kinh doanh vận tải loại hình này là không hợp lý vì doanh nghiệp quá cảnh không thể biết và xác định được hàng hoá mình đang vận chuyển có vi phạm sở hữu trí tuệ hay không. Doanh nghiệp quá cảnh chỉ thực hiện nhiệm vụ vận chuyển hàng hoá từ cửa khẩu này sang cửa khẩu khác, không được phép tác động vào hàng hoá (kể cả lúc nhận hàng và lúc trả hàng) vì phải đảm bảo niêm phong hải quan (Điều 1.19 Nghị định 59/2018/NĐ-CP sửa đổi Điều 43 Nghị định 08/2015/NĐ-CP).
“Ngoài ra, Dự thảo vẫn giữ nguyên một số quy định về biện pháp khắc phục hậu quả với hàng hoá quá cảnh như Điều 10.15.c, Điều 11.17.c Nghị định 99/2013/NĐ-CP. Quy định như vậy dường như chưa hợp lý. Cụ thể, Dự thảo đã bỏ hành vi quá cảnh ra khỏi các hành vi bị xử phạt hành chính (để phù hợp với Điều 211 Luật Sở hữu trí tuệ), do đó áp dụng biện pháp khắc phục (hành chính) là chưa phù hợp. Bên cạnh đó, không cần thiết phải quy định biện pháp trục xuất hàng hoá vi phạm vì hàng hoá quá cảnh không tiêu thụ nội địa, chỉ ở trên lãnh thổ Việt Nam trong quá trình di chuyển và sẽ xuất sang nước thứ ba theo hợp đồng với chủ hàng”, VCCI góp ý.
Do vậy, VCCI đề nghị cơ quan soạn thảo rà soát, bãi bỏ các điều khoản liên quan đến hàng hoá quá cảnh, như Điều 10.15.c, Điều 11.17.c Nghị định 99/2013/NĐ-CP.
Cùng với đó, góp ý về hành vi vi phạm trên lãnh thổ Việt Nam, VCCI cho rằng, Điều 1.1.b Dự thảo (bổ sung Điều 1a.5 Nghị định 99/2013/NĐ-CP) quy định hành vi trên internet được coi là xảy ra trên lãnh thổ Việt Nam nếu nhằm vào người tiêu dùng hoặc người dùng tin tại Việt Nam. Tuy nhiên, quy định này chưa rõ ràng ở điểm tiêu chí nào để xác định một hành vi có “nhằm” vào người tiêu dùng hoặc người dùng tin tại Việt Nam. Việc này có thể dẫn đến việc áp dụng quy định một cách tuỳ tiện hoặc diễn giải theo cách hiểu quá rộng.
“Do vậy, để đảm bảo tính minh bạch, đề nghị cơ quan soạn thảo bổ sung các tiêu chí xác định hành vi vi phạm internet trên lãnh thổ Việt Nam”, VCCI góp ý.
Bên cạnh các vấn đề đã nêu, tại văn bản góp ý, VCCI cũng đề nghị cơ quan soạn thảo, xem xét, cân nhắc một số nội dung liên quan đến: Hình thức văn bản uỷ quyền (Điều 23 Nghị định 99/2013/NĐ-CP); Giám định sở hữu công nghiệp trong thủ tục xử lý xâm phạm quyền (Điều 26 Nghị định 99/2013/NĐ-CP).
Có thể bạn quan tâm
Quảng Nam: Doanh nghiệp thủy điện “xin” tỉnh không xử phạt hành chính
10:26, 11/07/2022
TIN NÓNG CHÍNH PHỦ: Bổ sung quy định xử phạt hành chính lĩnh vực chứng khoán
20:50, 31/12/2021
TIN NÓNG CHÍNH PHỦ: Sửa quy định xử phạt hành chính trong lĩnh vực lao động
19:49, 10/05/2021
VCCI góp ý dự thảo Nghị định xử phạt hành chính thuế, hóa đơn
05:15, 20/02/2020
Nghệ An có 2.700 cá nhân, tổ chức bị xử phạt hành chính
04:30, 11/12/2019