Cân nhắc giảm thời hạn giải quyết thủ tục đăng ký mẫu séc trong hoạt động thanh toán
Góp ý Dự thảo Báo cáo Phương án cắt giảm, đơn giản hóa quy định của ngành ngân hàng, VCCI đề nghị, cân nhắc giảm thời hạn giải quyết thủ tục đăng ký mẫu séc trong hoạt động thanh toán…
>> Cắt giảm, đơn giản hóa quy định kinh doanh thuộc quản lý của Bộ Công an
Theo đó, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) vừa có văn bản trả lời Công văn số 6786/NHNN-VP của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam về việc đề nghị góp ý Dự thảo Báo cáo Phương án cắt giảm, đơn giản hóa quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh thuộc phạm vi chức năng quản lý Nhà nước của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (Dự thảo).
Cụ thể, về ngành nghề kinh doanh: hoạt động thanh toán, theo quy định tại Điều 10 Thông tư 22/2015/TT-NHNN thời hạn để Ngân hàng Nhà nước có văn bản xác nhận về việc đăng ký mẫu séc trắng của tổ chức cung ứng séc là 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận được đầy đủ hồ sơ hợp lệ. Hồ sơ đăng ký séc gồm: Đơn đề nghị (theo mẫu); Mẫu thiết kế của tờ séc.
Theo VCCI, trong các phương phán đề xuất về cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính tại Dự thảo, phần lớn các thủ tục của hoạt động công nghệ thông tin ngân hàng đều được giảm số ngày giải quyết thủ tục xuống. Với tính chất đơn giản của các tài liệu trong hồ sơ như trên và để tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, đề nghị cân nhắc giảm thời hạn giải quyết thủ tục từ 05 ngày làm việc xuống còn 03 ngày làm việc.
>> Cắt giảm, đơn giản hóa quy định kinh doanh thuộc quản lý của Bộ KH&ĐT
Cùng với góp ý đã nêu, về hoạt động công nghệ thông tin ngân hàng (Phần II), liên quan đến thủ tục hủy mã ngân hàng (mục 8), VCCI cho biết, mục 8 Phần II Dự thảo đề xuất “bỏ thành phần hồ sơ bản chụp chấm dứt hoạt động đối với các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài khi đề nghị hủy mã ngân hàng” trong thủ tục hủy mã ngân hàng. Đề xuất này là hợp lý, sẽ đơn giản hóa tài liệu khi thực hiện thủ tục hành chính cho doanh nghiệp.
Tuy nhiên, Điều 10 Thông tư 17/2015/TT-NHNN quy định thủ tục hủy mã ngân hàng đối với các trường hợp: Tổ chức tín dụng (trừ quỹ tín dụng nhân dân), chi nhánh ngân hàng nước ngoài giải thể, phá sản; Tổ chức tín dụng bị sáp nhập, bị hợp nhất; Đơn vị phụ thuộc tổ chức tín dụng (trừ quỹ tín dụng nhân dân) chấm dứt hoạt động; Quỹ tín dụng nhân dân giải thể, phá sản, chấm dứt hoạt động; Kho bạc Nhà nước các cấp chấm dứt hoạt động.
“Việc Dự thảo chỉ đề xuất “bỏ thành phần hồ sơ bản chụp chấm dứt hoạt động đối với các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài khi đề nghị hủy mã ngân hàng” là chưa rõ ràng về việc bỏ tài liệu của thủ tục nào quy định tại Điều 10 Thông tư 17/2015/TT-NHNN?”, VCCI đánh giá.
Theo VCCI, các tài liệu như “Quyết định sáp nhập, hợp nhất” tổ chức tín dụng; Quyết định giải thể, phá sản tổ chức tín dụng, kho bạc Nhà nước cơ quan giải quyết thủ tục có thể tra cứu thông tin trong hệ thống dữ liệu của cơ quan Nhà nước, vì vậy không cần thiết phải yêu cầu doanh nghiệp cung cấp tài liệu này trong hồ sơ.
Do đó, để đảm bảo tính rõ ràng trong đề xuất và tạo thuận lợi khi hiện thực hóa các phương án này, VCCI đề nghị bổ sung nội dung sau tại mục 8 Phần II về “thủ tục hủy mã ngân hàng” như:
Bỏ thành phần hồ sơ “bản chụp Quyết định về việc giải thể, phá sản, chấm dứt hoạt động của đơn vị được hủy mã ngân hàng” đối với thủ tục Quỹ tín dụng nhân dân giải thể, phá sản, chấm dứt hoạt động;
Bỏ thành phần hồ sơ “Bản chụp Quyết định chấm dứt hoạt động của đơn vị được hủy mã ngân hàng” đối với thủ tục đơn vị phụ thuộc tổ chức tín dụng (trừ quỹ tín dụng nhân dân) chấm dứt hoạt động;
Bỏ thành phần hồ sơ “Bản chụp Quyết định sáp nhập, hợp nhất của đơn vị được hủy mã ngân hàng” đối với thủ tục tổ chức tín dụng bị sáp nhập, hợp nhất.
Ngoài ra, góp ý liên quan đến quy định về chế độ báo cáo, VCCI cho rằng, phương án đã đề xuất giảm tần suất báo cáo đối soát danh sách chứng thư số Ngân hàng Nhà nước từ 06 tháng/lần thành 01 năm/lần. Điều này là hợp lý, giảm các thủ tục hành chính cho doanh nghiệp.
Tuy nhiên, theo quy định tại khoản 15 Điều 11 Thông tư 10/2020/TT-NHNN thì bên cạnh việc phải thực hiện báo cáo theo định kỳ thì doanh nghiệp phải “báo cáo đột xuất khi có yêu cầu của tổ chức cung cấp dịch vụ chữ ký số Ngân hàng Nhà nước”. Quy định này là chưa rõ về trường hợp tổ chức cung cấp dịch vụ chữ ký số Ngân hàng Nhà nước yêu cầu đối tượng báo cáo phải thực hiện báo cáo. Điều này có thể khiến các đối tượng báo cáo có nguy cơ phải thực hiện các thủ tục báo cáo nhiều lần trong năm.
“Để đảm bảo tính minh bạch và hạn chế nguy cơ trên, đề nghị Dự thảo bổ sung yêu cầu quy định rõ các trường hợp tổ chức cung cấp dịch vụ chữ ký số ngân hàng được phép yêu cầu báo cáo đột xuất”, VCCI góp ý.
Có thể bạn quan tâm
TIN NÓNG CHÍNH PHỦ: Cắt giảm, đơn giản hóa quy định kinh doanh thuộc quản lý của Bộ Công an
21:25, 05/06/2023
TIN NÓNG CHÍNH PHỦ: Cắt giảm, đơn giản hóa quy định kinh doanh thuộc quản lý của Bộ KH&ĐT
20:29, 01/12/2022
TIN NÓNG CHÍNH PHỦ: Đơn giản hóa quy định kinh doanh thuộc Bộ Thông tin và truyền thông
18:45, 27/11/2021
TIN NÓNG CHÍNH PHỦ: Cắt giảm, đơn giản hóa quy định kinh doanh thuộc quản lý của Bộ GTVT
19:45, 25/11/2021
Một số phương án cắt giảm, đơn giản hóa quy định của Bộ KH&CN chưa phù hợp
04:00, 02/11/2021