Phương án cắt giảm, đơn giản hóa quy định còn thiếu rõ ràng về chi phí tuân thủ
Góp ý Dự thảo Báo cáo Phương án cắt giảm, đơn giản hóa quy định của Bộ Giao thông vận tải năm 2023 (lần 2), VCCI cho rằng các chi phí tuân thủ được tính toán dường như chưa thật sự rõ ràng...
>> Quy định mới đừng làm khó doanh nghiệp: Gia tăng chi phí tuân thủ
Theo đó, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) vừa có văn bản trả lời Công văn số 12680/BGTVT-PC của Bộ Giao thông vận tải về việc đề nghị góp ý Dự thảo Báo cáo Phương án cắt giảm, đơn giản hóa quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh thuộc phạm vi chức năng quản lý Nhà nước của Bộ Giao thông vận tải năm 2023 (lần 2) (Dự thảo).
Tại văn bản này, VCCI cho biết, ngày 18/9/2023, VCCI đã có Công văn số 1857/PTM-PC góp ý Dự thảo. Một số ý kiến góp ý của VCCI chưa được tiếp thu và VCCI chưa nhận được bản giải trình về việc chưa tiếp thu này, vì vậy VCCI tiếp tục bảo lưu các ý kiến góp ý tại Công văn số 1857/PTM-PC.
Bên cạnh đó, đối với Dự thảo lần 2, theo VCCI, Dự thảo đề xuất khá nhiều phương án phân cấp thẩm quyền giải quyết thủ tục hành chính, chuyển từ Cục Đường bộ Việt Nam xuống Sở Giao thông vận tải. Các đề xuất này là hợp lý, góp phần tạo thuận lợi hơn cho các đối tượng khi thực hiện thủ tục hành chính, tuy nhiên, khi đánh giá về “lợi ích phương án cắt giảm, đơn giản hóa” các chi phí tuân thủ được tính toán dường như chưa thật sự rõ ràng, cụ thể:
Có những thủ tục hành chính sau khi phân cấp về thẩm quyền giải quyết thủ tục hành chính xuống cho địa phương thực hiện, chi phí tuân thủ sau khi cắt giảm, đơn giản hóa, chi phí tiết kiệm là 0 đồng/năm, tỷ lệ cắt giảm chi phí là 0% (ví dụ: phân cấp cho địa phương thực hiện toàn bộ thủ tục “cấp giấy chứng nhận giáo viên dạy thực hành lái xe”; “cấp lại giấy chứng nhận giáo viên dạy thực hành lái xe”; “cấp giấy phép xe tập lái”; “cấp lại giấy phép xe tập lái”);
Có những thủ tục hành chính sau khi phân cấp về thẩm quyền giải quyết thủ tục hành chính xuống cho địa phương thực hiện, xác định được tỷ lệ cắt giảm khá cao trên 90% đến 100% (ví dụ: thủ tục hành chính “cấp lại giấy phép đào tạo lái xe”; “cấp giấy chứng nhận trung tâm sát hạch lái xe loại 1, loại 2 đủ điều kiện hoạt động”).
Cùng là hoạt động phân cấp giải quyết thủ tục hành chính cho một loại giấy phép, nhưng tỷ lệ cắt giảm chi phí lại rất khác biệt, ví dụ: (1) Thủ tục cấp giấy phép đào tạo lái xe, đối với thủ tục cấp mới thì tỷ lệ cắt giảm chi phí là 0%, trong khi thủ tục cấp lại thì tỷ lệ cắt giảm 100%; (2) Thủ tục cấp giấy chứng nhận trung tâm sát hạch lái xe loại 1, loại 2 đủ điều kiện hoạt động; đối với thủ tục cấp mới tỷ lệ cắt giảm là 83%; thủ tục cấp lại tỷ lệ cắt giảm là 98%
“Như vậy, cùng là thủ tục liên quan đến một giấy phép, thủ tục (1) thủ tục cấp mới sự phân cấp thẩm quyền giải quyết thủ tục hành chính không đưa đến lợi ích về mặt chi phí nào, tỷ lệ cắt giảm là 0%, trong khi thủ tục cấp lại, tỷ lệ cắt giảm lại là 100%?
Trong khi đó, sự phân cấp thẩm quyền giải quyết thủ tục hành chính trong thủ tục về cấp giấy chứng nhận trung tâm sát hạch lái xe loại 1, loại 2 đủ điều kiện hoạt động thì cả hoạt động cấp mới và cấp lại, đều có tỷ lệ cắt giảm khá cao”, VCCI đánh giá.
Từ thực tế đã nêu, VCCI đề nghị giải trình về cách tính các chi phí tuân thủ của các phương án cắt giảm, đơn giản hóa trên để đảm bảo tính chính xác và xác định được lợi ích thực sự của việc cắt giảm.
Có thể bạn quan tâm
Bất cập trong quy định về điều kiện kinh doanh dịch vụ đào tạo và sát hạch lái xe
03:00, 09/10/2023
“Ma trận” điều kiện kinh doanh vẫn đang "cản đường" doanh nghiệp
11:15, 23/09/2023
Cân nhắc việc kiểm soát bằng điều kiện kinh doanh đối với một số ngành nghề
03:00, 17/09/2023
Sửa Nghị định về kinh doanh xuất khẩu gạo: Cần tiếp tục giảm các điều kiện kinh doanh
02:50, 06/08/2023