Thiên thạch khổng lồ sắp bay tới gần Trái Đất
Một thiên thạch đường kính gần 700 m sẽ bay sượt qua hành tinh của chúng ta ở tốc độ gấp hàng chục lần vận tốc âm thanh.
Thiên thạch mang tên 2015 NU13 có đường kính ước tính 310 - 680 m, theo dữ liệu từ Trung tâm Nghiên cứu Vật thể gần Trái Đất (CNEOS). Ở khoảng trên của ước tính, thiên thạch này sẽ lớn gần gấp đôi tòa nhà Empire State ở New York, Mỹ và hơi ngắn hơn một chút so với tòa nhà cao nhất thế giới là tháp Burj Khalifa ở Dubai (829,8 m).
2015 NU13 sẽ bay tới gần nhất vào ngày 9/1, cách hành tinh của chúng ta 5,6 triệu km, gấp khoảng 15 lần khoảng cách trung bình giữa Trái Đất và Mặt Trăng, quãng đường khá gần xét về mặt thiên văn học. Các nhà nghiên cứu nắm rõ đường bay của 2015 NU13 và cho biết nó không có khả năng đâm vào Trái Đất. Thiên thạch khổng lồ sẽ bay qua ở tốc độ 54.235 km/h, gấp khoảng 45 lần vận tốc âm thanh.
2015 NU13 nằm trong số 100 thiên thạch lớn nhất tới gần Trái Đất trong vòng 365 ngày tới, theo CNEOS. Vật thể lớn nhất áp sát Trái Đất trong khoảng thời gian này là thiên thạch mang tên 231937 (2001 FO32) có đường kính ước tính 1.690 m. 231937 (2001 FO32) sẽ tiếp cận hành tinh của chúng ta vào ngày 21/3 từ khoảng cách 2 triệu km. Cả 2015 NU13 và 2001 FO32 đều được phân loại là vật thể gần Trái Đất (NEO)
Một số NEO được xếp vào nhóm vật thể "có khả năng gây nguy hiểm" nếu có đường kính lớn hơn 140 m và đường bay cách quỹ đạo Trái Đất trong vòng 7,6 triệu km. Các nhà khoa học đã nhận dạng khoảng 25.000 NEO, phần lớn trong số đó là tiểu hành tinh. Theo NASA, chưa có tiểu hành tinh nào có nguy cơ đâm vào Trái Đất trong thế kỷ tới.
Nguồn Newsweek