Trung Quốc công bố bản đồ vũ trụ dạng 2D cực kỳ khổng lồ, trải rộng hơn 10 nghìn tỷ pixel

Theo Pháp luật & bạn đọc 20/01/2021 13:28

Các nhà thiên học Trung Quốc mới đây đã công bố bản đồ vũ trụ 2D trải rộng hơn 10 nghìn tỷ pixel về mặt kĩ thuật số.

Ra mắt hôm 14/1 vừa qua, bản đồ này được thực hiện dựa trên dữ liệu từ dự án Dụng cụ Quang phổ Năng lượng tối (DESI).

Theo đó, gần 200 nhà nghiên cứu và cộng tác viên thuộc Đài quan sát Thiên văn Quốc gia của Viện khoa học Trung quốc (NAOC) và DESO đã quan sát các thiên hà trong vũ trụ khả kiến trong vòng 6 năm qua. Các dữ liệu này sau đó đã được phân tích để lắp ghép các hình ảnh lại với nhau, tạo ra một bản đồ vũ trụ 2D khổng lồ trải rộng hơn 10 nghìn tỷ pixel về mặt kỹ thuật số, chứa khoảng 2 tỷ thiên thể.

Được biết, các nhà khoa học đã thực hiện khoảng 1405 đêm quan sát bằng ba kính thiên văn mặt đất khác nhau, kết hợp với lượng dữ liệu tính theo năm thu được từ các kính viễn vọng không gian. Kết quả, họ tạo ra được lượng dữ liệu lên tới 1 PB, tương đương với 1000 TB.

Trong 5 năm tới, nhóm nghiên cứu sẽ tạo ra một bản đồ ba chiều khổng lồ của vũ trụ tới bằng cách đo khoảng cách giữa các thiên hà và tốc độ chúng di chuyển ra xa chúng ta. Bản đồ này được kỳ vọng sẽ giúp giải đáp những bí ẩn về năng lượng tối.

"Chúng ta biết rằng vũ trụ ngày nay đang tăng tốc độ giãn nở. Theo các lý thuyết hiện có, ‘sức mạnh’ thúc đẩy sự mở rộng của vũ trụ là năng lượng tối. Tuy nhiên, nếu không biết bản chất của năng lượng tối, vậy làm thế nào chúng ta có thể nghiên cứu nó? Cách chúng tôi đã sử dụng là đo độ dịch chuyển đỏ quy mô lớn của các thiên hà và sự phân bố 3D của các vật liệu vũ trụ", Zhao Gongbo, Phó giám đốc NAOC, cũng là thành viên nhóm DESI cho biết.

Gần đây nhất, một bản đồ thiên hà mới vừa được các nhà thiên văn Nhật Bản công bố cho thấy, Hệ Mặt Trời chỉ cách khu vực trung tâm dải Ngân Hà khoảng 25.800 năm ánh sáng. Khoảng cách này ngắn hơn đáng kể so với con số 27.700 năm ánh sáng mà Liên đoàn Thiên văn Quốc tế (IAU) chấp nhận năm 1985.

Tuy nhiên, thay đổi này không đồng nghĩa với việc Trái Đất đang tiến gần đến siêu hố đen Sagittarius A* có khối lượng gấp hơn 4 triệu lần Mặt Trời nằm tại trung tâm dải Ngân Hà. Thay vào đó, bản đồ thiên hà mới này giúp xác định chính xác hơn vị trí của hệ Mặt Trời so với các ngôi sao ‘hàng xóm’ xung quanh.

Theo tính toán mới nhất của các nhà thiên văn Nhật Bản, tốc độ quay của hệ Mặt Trời xung quanh trung tâm dải Ngân Hà  cũng nhanh hơn so với các tính toán trước đây. Cụ thể, Hệ Mặt trời di chuyển với tốc độ 227km/giây, nhanh hơn 7km so với tốc độ chính thức hiện tại được IAU đưa ra.

Được biết, sự điều chỉnh về mặt số liệu được đưa ra sau hơn 15 năm quan sát liên tục của các nhà khoa học trong dự án thiên văn vô tuyến mang tên VERA.

Theo Pháp luật & bạn đọc