Siêu Trái Đất có chu kỳ quỹ đạo cực ngắn
Các nhà thiên văn học phát hiện một ngoại hành tinh quay rất gần ngôi sao lùn đỏ GJ 740 cách Trái Đất 36 năm ánh sáng.
Theo báo cáo trên tạp chí Astronomy & Astrophysics, hành tinh mới được đặt tên là GJ 740 b có bán kính và khối lượng lớn hơn Trái Đất lần lượt 1,4 và 3 lần. Nó quay quanh ngôi sao lùn đỏ GJ 740 ở khoảng cách gần đến mức chỉ mất 2,4 ngày để hoàn thành một vòng quỹ đạo.
"Đây là hành tinh có chu kỳ quỹ đạo ngắn thứ hai từng được biết đến quanh loại sao này (sao lùn đỏ). Khối lượng và chu kỳ quỹ đạo tiết lộ nó là một hành tinh đá, điều này có thể được xác nhận bằng các quan sát từ kính viễn vọng săn ngoại hành tinh TESS của NASA trong tương lai", nhà thiên văn học Borja Toledo Padrón từ Viện Astruto de Astrofísica de Canarias (IAC), tác giả chính của nghiên cứu, cho biết.
GJ 740 b được phát hiện bởi bộ đôi máy quang phổ HARPS-N tại Đài quan sát Telescopio Nazionale Galileo và CARMENES tại Đài quan sát Calar Alto ở Tây Ban Nha bằng kỹ thuật vận tốc xuyên tâm. Kỹ thuật này dựa trên những biến đổi nhỏ trong vận tốc của một ngôi sao, thường do lực hấp dẫn của một vật thể trên quỹ đạo xung quanh nó gây ra, để xác định sự tồn tại của hành tinh.
Dữ liệu cũng tiết lộ rằng có thể còn một hành tinh nữa nặng tương đương với sao Thổ (gấp gần 100 lần khối lượng Trái Đất) quay quanh GJ 740 với chu kỳ quỹ đạo lên tới 9 năm. Tuy nhiên, nhóm nghiên cứu cần quan sát thêm để xác nhận tín hiệu vận tốc xuyên tâm này là do hành tinh hay chu kỳ từ trường của ngôi sao gây ra.
Sao lùn đỏ GJ 740 nằm trong chòm sao Cự Xà, cách Trái Đất 36 năm ánh sáng. Nó có bán kính và khối lượng chỉ bằng 0,56 và 0,58 lần Mặt Trời. Ngôi sao lùn này cũng quay rất gần một ngôi sao khác với chu kỳ quỹ đạo chỉ 35,56 ngày.
https://vnexpress.net/sieu-trai-dat-co-chu-ky-quy-dao-cuc-ngan-4264265.html
Nguồn Phys