Va chạm thiên thể, một mặt trăng gần chúng ta vỡ nát
Một mặt trăng khổng lồ mới vừa được xác định trong hệ Mặt Trời: mặt trăng Sao Hỏa. Nhưng rất tiếc nó đã bị vỡ nát, tàn tích chính là Phobos và Deimos ngày nay.
Nếu "người hàng xóm" Sao Mộc nhiều lần áp sát Trái Đất, khoe ra 4 mặt trăng khổng lồ nhất trong số hàng chục mặt trăng, thì Sao Hỏa gần chúng ta hơn chỉ xuất hiện đơn độc. Một nghiên cứu vừa công bố trên tạp chí khoa học Nature Astronomy đã giải thích nguyên nhân.
Tiến sĩ Amir Khan, nhà nghiên cứu tại Viện Vật lý của Đại học Zurich và Viện Vật lý Địa cầu tại ETH Zurich (Thụy Sĩ) cho biết nhóm của ông đã sử dụng dữ liệu từ sứ mệnh InSight của NASA, tạo nên một mô hình mô phỏng máy tính mới, khẳng định 2 vệ tinh hiện tại Phobos và Deimos của Sao Hỏa có nguồn gốc từ sự tan rã của một mặt trăng lớn hơn nhiều từ 1 đến 2,7 tỷ năm trước.
Hai mặt trăng hình củ khoai tây này quay quanh sao Hỏa theo chuyển động quay đồng bộ với độ nghiêng chỉ 0,01 và 0,92 độ so với mặt phẳng xích đạo của hành tinh. Chúng luôn luôn gây thắc mắc cho các nhà thiên văn bởi trông giống tiểu hành tinh hơn là mặt trăng tự nhiên. Nhiều người nghi ngờ rằng chúng chỉ là tiểu hành tinh bị "bắt cóc" khi đi đến gần Sao Hỏa và ảnh hưởng bởi trọng lực của hành tinh.
Thế nhưng mô hình mới cho thấy 2 mặt trăng khác thường này dường như đã giao nhau trong quá khứ - ở cùng một nơi, có cùng một nguồn gốc.
"Cơ thể mẹ" của Phobos và Deimos có thể to lớn không kém những mặt trăng khổng lồ trong Hệ Mặt Trời, như mặt trăng của Trái Đất và một số mặt trăng Sao Mộc. Theo Sci-News, mặt trăng cổ đại này có thể đã bị một thiên thể khác va phải và tan vỡ.
Bản thân mặt trăng Phobos cũng được cho là sẽ biến mất trong vòng 39 triệu năm tới, khi va chạm với hành tinh mẹ. Cơ thể nó có thể biến thành một "vòng nhẫn" bao quanh hành tinh gần giống những vòng kỳ ảo quanh Sao Thổ.
https://nld.com.vn/khoa-hoc/va-cham-thien-the-mot-mat-trang-gan-chung-ta-vo-nat-20210520163432407.htm