Bằng chứng về hoạt động địa chất trên sao Kim

Theo VnExpress 25/06/2021 05:01

Nghiên cứu mới cho thấy hoạt động địa chất có thể vẫn diễn ra trên sao Kim, biến nó thành một đối tượng để tìm hiểu Trái đất sơ khai.

Một nhóm các nhà khoa học quốc tế đã sử dụng hình ảnh radar cũ từ sứ mệnh Magellan của NASA để nghiên cứu bề mặt sao Kim và phát hiện bằng chứng cho thấy mà các mảng kiến tạo trượt lên nhau và biến dạng.

Ảnh chụp màu sai một vùng đất thấp rộng 1.100 km trên sao Kim, nơi lớp vỏ hay thạch quyển của nó được chia thành các cấu trúc giống như mảng kiến tạo của Trái đất. (Ảnh: NCSU).

Ảnh chụp màu sai một vùng đất thấp rộng 1.100 km trên sao Kim, nơi lớp vỏ hay thạch quyển của nó được chia thành các cấu trúc giống như mảng kiến tạo của Trái đất. (Ảnh: NCSU).

Do các vùng đất thấp được quan sát còn tương đối trẻ, hoạt động địa chất này chắc chắn xảy ra cách đây không lâu và thậm chí có thể tiếp tục cho đến ngày nay. Nghiên cứu cho thấy, sao Kim có thể tạo ra hoạt động địa chất từ sâu bên trong nó, không giống như suy đoán trước đây rằng lớp vỏ của hành tinh là một khối rắn giống như Mặt trăng, Trái đất.

Chuyển động của các mảng kiến tạo không chỉ là sự chen lấn bởi lớp đất đá mà còn là một phần quan trọng trong chu trình carbon của hành tinh. Chính hệ thống này đã hỗ trợ sự sống hình thành trên Trái đất.

Hành tinh của chúng ta không phải lúc nào cũng có cấu hình chu trình carbon giống như hiện tại. Trong quá khứ hàng triệu năm trước, Trái đất nóng hơn nhiều và các nhà khoa học tin rằng nghiên cứu mới này về bề mặt sao Kim có thể trả lời các câu hỏi về hoạt động kiến tạo trên Trái đất sơ khai hoặc trên các hành tinh xa xôi khác.

Hoạt động địa chất của sao Kim không giống như trên Trái đất, nơi các mảng gặp nhau và tạo ra các dãy núi ấn tượng như Himalayas hoặc vùng hút chìm lớn dưới đại dương như rãnh Mariana. Tuy nhiên, việc phát hiện bằng chứng về hoạt động kiến tạo gần đây của nó cho thấy bên dưới bề mặt hành tinh có thể có một vùng nóng chảy được gọi là lớp phủ đang chuyển động ở quy mô toàn cầu.

Khi quan sát thấy dấu hiệu của các khối thạch quyển sao Kim bị kéo ra xa, đẩy, xoay và trượt lên nhau, nhóm nghiên cứu đã tạo ra một mô hình máy tính về hoạt động này. Họ phát hiện ra rằng chuyển động chậm của bên trong hành tinh có thể là nguyên nhân.

"Các kiến tạo mảng trên Trái đất được thúc đẩy bởi sự đối lưu trong lớp phủ. Lớp phủ nóng hoặc lạnh ở những nơi khác nhau. Nó di chuyển và một số chuyển động đó truyền đến bề mặt Trái đất dưới dạng kiến tạo mảng", Phó giáo sư khoa học hành tinh Paul Byrne tại Đại học Bang North Carolina State (NCSU) của Mỹ, tác giả chính của nghiên cứu, giải thích.

Byrne lưu ý thêm rằng độ dày thạch quyển của một hành tinh phụ thuộc chủ yếu vào mức độ nóng của nó, ở cả bên trong và trên bề mặt. Luồng nhiệt từ bên trong Trái đất sơ khai lớn hơn gấp ba lần so với hiện tại, vì vậy thạch quyển của nó có thể tương tự như những gì chúng ta thấy trên sao Kim ngày nay: không đủ dày để hình thành các mảng chìm xuống, nhưng đủ dày để phân mảnh thành các mảng xô đẩy, kéo và trượt lên nhau.

Sứ mệnh Magellan đã ngừng hoạt động từ năm 2004 nhưng hiện tại có tới ba sứ mệnh mới từ NASA và Cơ quan Vũ trụ châu Âu đang được tiến hành để nghiên cứu sao Kim. Những sứ mệnh này có thể cung cấp quan sát sắc nét hơn về bề mặt hành tinh, giúp làm sáng tỏ hoạt động địa chất của nó.

https://khoahoc.tv/bang-chung-ve-hoat-dong-dia-chat-tren-sao-kim-114342

Theo VnExpress