Dạng sống kỳ lạ "trỗi dậy" ở nơi tiểu hành tinh đâm vào Trái Đất
Sau 66 triệu năm đâm vào Trái Đất và vỡ tan, tiểu hành tinh Chicxulub vẫn đang định hình hệ sinh thái dị biệt bên trong hố va chạm khổng lồ.
Nghiên cứu từ Đại học Curtin (Úc) cho thấy các vi sinh vật sống trong đá sâu bên dưới hố va chạm Chicxulub đang phát triển theo hướng khác biệt với phần còn lại trên thế giới. Các dạng sống kỳ lạ này ít nhiều vẫn chịu ảnh hưởng từ cú va chạm và những biến đổi có 1 không 2 mà thảm họa đã tạo nên.
Chicxulub chính là tên của "tiểu hành tinh giết khủng long" đã gây ra đại tuyệt chủng cho Trái Đất 66 triệu năm trước. Thiên thạch đã vỡ tan nhưng để lại một hố thiên thạch khổng lồ nằm nửa trên cạn, nửa dưới nước ở khu vực bán đảo Mexico.
Theo Phys.org, các nhà nghiên cứu đã sử dụng các công cụ giải trình tự gene, đếm tế bào và ủ để nghiên cứu các cộng đồng vi sinh vật quái dị ở Chicxulub, và phát hiện ra rằng chúng đã được sinh ra và tiến hóa trong môi trường gần như không thể sống được.
Theo phó giáo sư Marco Coolen, tác giả chính của nghiên cứu, vi sinh vật hiện diện trong đá granite nứt vỡ nghèo dinh dưỡng và tương đối nóng (70 độ C), dù bị chôn vùi dưới đáy biển.
Đây không phải cộng đồng vi sinh vật cố hữu ở đây bởi tiểu hành tinh giết khủng long đã "tẩy trắng" hoàn toàn hố va chạm. Nhưng một làn sóng sự sống mới đã trỗi dậy, thích nghi với các điều kiện khủng khiếp mà tác động ngoại hành tinh mang lại để tạo nên thế giới mới với các sinh vật khác biệt nhiều về hình thái, cách thức tồn tại và tiến hóa.
Nghiên cứu vừa công bố trên tạp chí khoa học Frontiers in Microbiology.
https://nld.com.vn/khoa-hoc/dang-song-ky-la-troi-day-o-noi-tieu-hanh-tinh-dam-vao-trai-dat-20210626080453288.htm