Nhiều tảng bạch kim đâm vào Trái Đất, thay đổi con người mãi mãi

Theo NLD 30/06/2021 05:25

12.800 năm về trước, tàn dư của một sao chổi đã gây nên thảm họa vũ trụ thảm khốc nhất kể từ sau đại tuyệt chủng khủng long, buộc con người thay đổi từ đời du mục sang định cư.

Theo Daily Mail, nhóm nghiên cứu từ Đại học Edinburgh đã xem xét dữ liệu địa chất của Bắc Mỹ và Greenland, tìm thấy "lượng bạch kim dư thừa, thủy tinh nóng chảy và kim cương nano", bằng chứng của một cú va chạm từ ngoài Trái Đất.

Các mảnh vỡ đầy bạch kim của một ngôi sao chổi đã tác động mạnh mẽ lên lối sống của con người - Ảnh đồ họa từ New Scientist

Các mảnh vỡ đầy bạch kim của một ngôi sao chổi đã tác động mạnh mẽ lên lối sống của con người - Ảnh đồ họa từ New Scientist

Kẻ tấn công là các mảnh vỡ của một sao chổi đang tan rã, giàu bạch kim, bắn phá nhiều nơi trên thế giới như Bắc Mỹ, Nam Mỹ, châu Âu, Tây Á vào 12.800 năm trước. Những cú va chạm đã gây ra sự kiện biến đổi khí hậu toàn cầu Younger Dryas bí ẩn, tạo nên một kỷ băng hà nhỏ kéo dài 1 thiên niên kỷ, xóa sổ ít nhất 35 loài động vật có vú lớn bao gồm ma mút, voi răng mấu, linh dương đầu bò khổng lồ... cũng như gây sụt giảm dân số khá nghiêm trọng ở loài người.

Sự kiện cũng đẩy con người - vốn đang sống đời du mục - rơi vào khó khăn do nguồn tìm kiếm lương thực bị thu hẹp. Do đó, họ đã dần chuyển sang lối sống định cư, tìm những cách thông minh hơn để khai thác nguồn lương thực, dần tạo nên nền nông nghiệp sơ khai. Tuy nhiên cách những vị tổ tiên này thay đổi lối sống vẫn cần nghiên cứu thêm một cách chi tiết.

Tác động này cũng có thể đã xóa sổ một số nền văn minh cổ đại là người Clovis ở Bắc Mỹ và một nền văn minh bí ẩn khác ở khu vực Abu Hureyra thuộc Syria ngày nay.\, nhưng lại khiến nhiều nền văn minh khác có cơ hội ra đời.

Theo nghiên cứu mới công bố trên Earth Science Reviews, mảnh lớn nhất của sao chổi bạch kim đã đâm xuống Greenland, để lại một miệng hố va chạm rộng hơn 30 km. Các mảnh nhỏ khác cũng để lại 29 mỏ bạch kim, phân bổ nhiều nơi trên thế giới.

Theo NLD