Phát hiện hành tinh có thể sống được, cách Trái Đất 189 năm ánh sáng
Một "tiểu Hải Vương Tinh lập dị" quay quanh ngôi sao lùn đỏ TOI-2257 có thể là quê hương của sinh vật ngoài hành tinh.
Nghiên cứu dẫn đầu bởi nhà thiên văn Nicloe Schanche từ Đại học Bern (Thụy Sĩ) cho thấy hành tinh bí ẩn quay quanh TOI-2257 nằm hoàn toàn trong vùng sự sống của ngôi sao mẹ, có thể sở hữu nước ở trạng thái lỏng và nhiều kiện phù hợp cho sự sống sinh sôi.
Đó là một "tiểu Hải Vương Tinh", tức là hành tinh khí nhưng nhỏ hơn Sao Hải Vương, có chu kỳ quỹ đạo 35,19 ngày, được đặt tên là TOI-2257b.
Sau khi xác định được nó từ dữ liệu của "thợ săn ngoại hành tinh" TESS của NASA, các nhà khoa học đã sử dụng thêm dữ liệu từ một số đài thiên văn mặt đất và có được khá nhiều dữ liệu về thế giới thú vị.
Theo Sci-News, ngôi sao mẹ của nó là một sao lùn đỏ loại M3, nằm trong chòm sao Camelopardalis, kích thước chỉ bằng 31% Mặt Trời và "mát" hơn rất nhiều.
Do đó, quỹ đạo ngắn ngày của TOI-2257b lại vô tình khiến nó nằm hẳn trong "vùng sự sống" của ngôi sao mẹ, nhận được năng lượng vừa phải để có thể có nước ở trạng thái lỏng.
Tuy nhiên cũng có một số trở ngại: đó là một hành tinh khí có áp suất khí quyển cao, không có lợi cho sự sống. Quỹ đạo bầu dục hơi thuôn dài của nó cũng khiến nhiệt độ trung bình thay đổi theo mùa rất khốc liệt, có khi xuống âm 80 độ C, có khi lên tới 100 độ C. Tất nhiên đó là số trung bình và một số vùng trên hành tinh sẽ giữ được nhiệt độ thân thiện hơn.
Để biết được nó sống được hay không, các nhà khoa học sẽ phải chờ các công cụ quan sát hiện đại hơn ra đời để hy vọng tìm được các dấu hiệu cụ thể hơn.
Một điều thú vị khác hé lộ từ hành tinh mới này là quỹ đạo bầu dục cho thấy nó phải bị tác động hấp dẫn từ một vật thể khổng lồ ẩn nấp trong bóng tối xa sao mẹ hơn - có thể là một hành tinh khổng lồ chưa quan sát được.
Nghiên cứu vừa công bố trên Astronomy & Astrophysics.
https://nld.com.vn/khoa-hoc/phat-hien-hanh-tinh-co-the-song-duoc-cach-trai-dat-189-nam-anh-sang-20220111120300207.htm