Lực đẩy cho bất động sản Duyên hải Bắc bộ
Sửa đổi một số luật, đầu tư hạ tầng, hoàn thiện các quy hoạch… là những giải pháp để thúc đẩy thị trường BĐS vùng Duyên hải Bắc bộ
được nêu ra tại Diễn đàn Bất động sản Duyên hải Bắc bộ do Diễn đàn Doanh nghiệp tổ chức chiều 25/4.
Theo ông Hoàng Quang Phòng – Phó Chủ tịch VCCI, các tỉnh Duyên Hải Bắc Bộ với tiềm năng phát triển công nghiệp, thương mại, dịch vụ, du lịch cùng với tốc độ đô thị hóa cao, hạ tầng phát triển đồng bộ đã và đang thu hút nhiều nhà đầu tư bất động sản lớn trong và ngoài nước.
Thị trường tiềm năng
Đây cũng là nhận định chung về cơ hội đối với các doanh nghiệp về thị trường BĐS khu vực Duyên hải Bắc bộ. Với tốc độ tăng trưởng khá cao, khoảng 25 – 30%/năm, thị trường BĐS khu vực Duyên hải Bắc bộ được đánh giá là một trong những “điểm nóng” của thị trường BĐS cả nước.
Sự bùng nổ diễn ra ở tất cả các phân khúc của thị trường BĐS, trước hết là thị trường BĐS công nghiệp. Chỉ tính riêng như Hải Phòng hiện đang có đến 13 KCN và trong một vài năm tới sẽ nâng lên con số 15. Do đó, đây cũng là địa phương thu hút FDI thuộc top đầu cả nước, chủ yếu tập trung vào các KCN, nhờ đó tạo sức bật cho thị trường BĐS KCN. Hiện, tỷ lệ lấp đầy các KCN tại Hải Phòng rất cao, đạt trên 90% với mức thuê trung bình lên tới 96 USD/m2/chu kỳ thuê, thuộc mức cao nhất thị trường phía Bắc...
Theo ông Nguyễn Quang Văn – Chủ tịch Hiệp hội BĐS Hải Phòng, phân khúc gây sốt thời điểm cuối năm 2021 là nhà ở thấp tầng, đặc biệt các khu nhà ở, tổ hợp cao cấp như Vinhome, Hoàng Huy mall,... “Việc không có dự án thấp tầng mới cũng như nhu cầu thực trên thị trường về phân khúc này cùng tiềm lực kinh tế của khách hàng đã gây sốt cho phân khúc này, giá thậm chí tăng 20 – 25% so với quý III/2021 và tăng 50% so với quý I/2021”- ông Văn nói.
Không chỉ có BĐS công nghiệp, nhà ở mà các nhóm sản phẩm còn lại đều phát triển sôi động. Ông Phạm Trung Hiếu - Trưởng đại diện Văn phòng môi giới BĐS Việt Nam tại Quảng Ninh cho hay, mở đầu năm 2022 thị trường BĐS TP Hạ Long tiếp tục ghi nhận những kỷ lục bán hàng đến từ phân khúc BĐS gắn với du lịch nghỉ dưỡng. Từ căn hộ tới shophouse mặt biển đều nhanh chóng được đặt chỗ chỉ sau vài giờ ra mắt...
Cần những chính sách “tiền trạm”
Hấp dẫn và đầy những hứa hẹn là vậy, tuy nhiên thị trường BĐS khu vực Duyên hải Bắc bộ cũng gặp không ít rào cản làm e ngại nhà đầu tư. Theo đánh giá của các chuyên gia, thị trường BĐS nói chung và khu vực Duyên hải Bắc bộ nói riêng vẫn tồn tại không ít thách thức. Việc siết chặt tín dụng BĐS có thể gây tâm lý e ngại đối với nhà đầu tư khi quyết định "xuống tiền". Sự "sốt" giá tại các địa phương qua các cuộc đấu giá làm thị trường BĐS gia tăng tâm lý lo lắng chu kỳ "đóng băng" BĐS xảy ra...
Để tạo lực đẩy cho thị trường, ông Nguyễn Quốc Khánh – Chủ tịch G5 Invest, Phó chủ tịch Hội môi giới BĐS Việt Nam cho rằng, Chính phủ cần phải hoàn thiện hệ thống pháp lý, tiếp tục giảm thiểu các thủ tục hành chính, công khai toàn bộ các thông tin quy hoạch và cập nhật thường xuyên. Cần có chính sách thu hút mạnh hơn cho đầu tư BĐS du lịch nghỉ dưỡng để tận dụng tốt hơn lợi thế sẵn có, khơi thông nguồn vốn đầu tư cả trong và ngoài nước.
Ông Phạm Hồng Điệp - TGĐ khu công nghiệp Nam Cầu Kiền: Dự đoán quý II/2022, thị trường vẫn phát triển ổn định, các gói đầu tư công vào hạ tầng cơ sở sẽ là điểm nhấn giúp bức tranh thị trường BĐS miền Bắc trở nên tươi sáng. Các tỉnh có khu công nghiệp quy mô, trong đó có Hải Phòng, Hải Dương... vẫn giữ sức hút trong quý II nhờ nguồn cầu BĐS vùng ven khu công nghiệp. Ông Nguyễn Ngọc Thành - Phó Chủ tịch Hiệp hội BĐS Việt Nam: Mặt bằng giá bất động sản tại Hải Phòng tương đối ổn định, không có “sốt” ảo. Quá trình phát triển của thị trường bất động sản Hải Phòng mang tính khách quan, gắn liền với chiến lược phát triển của Chính phủ và thành phố, trong đó nhất quán là theo Nghị quyết 45 của Bộ Chính trị. TS Phạm Anh Khôi – CEO Công ty tài chính FINA: Chúng ta đang đứng trước một cơ hội rất lớn để biến khu vực duyên hải phía Bắc trở thành đầu tàu kinh tế của Việt Nam, tương tự như cách Trung Quốc biến khu vực duyên hải của họ và Mỹ biến vùng San Francisco Bay Area thành đầu tàu kinh tế. PGS.TS Trần Kim Chung - nguyên Phó viện trưởng Viện quản lý Kinh tế trung ương: Để thị trường phát triển, cần đồng bộ hóa các công trình hạ tầng trên cả nước, vùng Đồng bằng sông Hồng và các tỉnh Duyên hải Bắc bộ; thiết lập các liên kết vùng; hoàn thành việc phê duyệt các quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh, quy hoạch chuyên ngành. Ông Nguyễn Văn Văn – TGĐ Đất Xanh Duyên hải, Thành viên Đất Xanh Miền Bắc: Thị trường nhà ở và đất nền tại Hải Phòng và khu vực Duyên Hải Phía Bắc sẽ còn tăng theo tốc độ phát triển của thành phố. Nhất là khi thành phố có các thông tin quy hoạch dự án lớn, nâng cấp đơn vị hành chính, làm cầu, mở đường, từ nông thôn lên thành thị, các đơn vị hành chính được đổi mới, vấn đề thông thương thuận tiện hơn. |