Xóa “điểm nghẽn” trong thu hút đầu tư cụm công nghiệp
Dù có nhiều chính sách hỗ trợ thu hút đầu tư cụm công nghiệp (CCN) tuy nhiên một số nội dung về quản lý, phát triển CCN đang “vướng”, cần điều chỉnh, bổ sung để phù hợp hơn với thực tế.
Mới đây, Bộ Công Thương tổ chức “Hội nghị về cơ chế, chính sách quản lý, phát triển cụm công nghiệp” nhằm đánh giá kết quả thực hiện Nghị định số 68/2017/NĐ-CP về quản lý, phát triển cụm công nghiệp (Nghị định 68); ngày 11/6/2020, Nghị định số 66/2020/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 68/2017/NĐ-CP (Nghị đinh 66); đồng thời chỉ ra những vướng mắc và đề xuất giải pháp gỡ vướng nhằm hoàn thiện khung pháp lý về cụm công nghiệp.
>>Khởi công xây dựng các cụm công nghiệp hiện đại, kiểu mẫu tại Thái Nguyên
“Điểm nghẽn” thu hút đầu tư
Theo thống kê của Bộ Công Thương, cả nước có 748 cụm công nghiệp, với tổng diện tích khoảng 23.950 ha đi vào hoạt động. Các cụm công nghiệp trên cả nước đã thu hút được khoảng 13.000 dự án, doanh nghiệp đầu tư sản xuất kinh doanh với tổng vốn đầu tư đăng ký 315.650 tỷ đồng.
Tại hội nghị Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Sinh Nhật Tân cho biết từ năm 2017 đến nay, Quốc hội, Chính phủ đã ban hành nhiều văn bản quy phạm pháp luật mới bổ sung, thay thế các văn bản quy phạm pháp luật trước như: Luật Quy hoạch, Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xây dựng, Luật Bảo vệ môi trường,... về quản lý, phát triển cụm công nghiệp. Tuy nhiên, một số nội dung tại các Nghị định này gặp nhiều vướng mắc trong áp dụng, quản lý tại một số địa phương.
Trong đó, việc phối hợp giữa các Bộ, ngành trong xây dựng văn bản quy phạm pháp luật thuộc lĩnh vực: Đất đai, đầu tư, đầu tư công, xây dựng liên quan đến cụm công nghiệp còn thiếu đồng bộ, kịp thời… dẫn đến khó khăn, vướng mắc trong áp dụng, triển khai thực hiện.
Một số địa phương không lập quy hoạch phát triển CCN cụ thể gây hạn chế trong đầu tư phát triển. Nhiều CCN chưa được đầu tư hạ tầng hoàn chỉnh, đặc biệt hạ tầng xử lý môi trường đã đi vào hoạt động dẫn đến ảnh hưởng môi trường, hiệu quả đầu tư không cao. Hệ thống cơ chế, chính sách chưa đủ mạnh để hoàn thiện đầu tư hạ tầng, thu hút các doanh nghiệp đầu tư kinh doanh hạ tầng CCN và các doanh nghiệp thứ cấp vào cụm.
Theo ông Quách Tất Liêm - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hoà Bình: Nghị định 68 quy định về tỷ lệ lấp đầy CCN đạt trên 50% mới được triển khai CCN khác trên cùng địa bàn. Trong khi đó, thời gian thực hiện các thủ tục dài, gây lãng phí cho doanh nghiệp nên chăng cho phép nhà đầu tư làm cuốn chiếu. Ngoài ra, những quy định về chuyển đổi đất rừng, đất lúa từ 10ha trở lên phải báo cáo Thủ tướng Chính phủ; đầu tư hạ tầng ngoài hàng rào CCN hay khu thiết chế để làm nhà ở cho công nhân cũng cần linh hoạt hơn để thuận lợi cho nhà đầu tư.
Còn theo ông Phạm Bá Oai - Giám đốc Sở Công Thương Thanh Hoá: Cần có mẫu thống nhất về quy chế quản lý riêng, nêu rõ nội dung nào phải báo cáo Bộ, nội dung nào chỉ báo cáo tỉnh để tránh vượt thẩm quyền. Mặt khác, quy định chỉ được thu hút đầu tư thứ cấp sau khi đã hoàn thành đầu tư hạ tầng sẽ mất nhiều thời gian của doanh nghiệp, nên tính phương án cho phép cùng với đầu tư hạ tầng, có thể kêu gọi đầu tư thứ cấp. Và dự án thứ cấp chỉ được đi vào hoạt động khi hoàn thành hạ tầng.
>>Khánh Hòa: Nhiều nhà đầu tư thứ cấp đến với Cụm Công nghiệp Sông Cầu
Tích hợp đồng bộ và đơn giản hoá tối đa thủ tục hành chính
Để tháo gỡ những bất cập về cơ chế, chính sách trong phát triển cụm công nghiệp, Thứ trưởng Bộ Công Thương đề xuất, Chính phủ giao Bộ Công Thương khẩn trương chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành xây dựng Nghị định thay thế Nghị định số 68/2017/NĐ-CP và Nghị định số 66/2020/NĐ-CP trình Chính phủ trong quý II/2023.
Thứ trưởng cũng đồng thời phác ra những nét cơ bản trong định hướng sửa đổi Nghị định 66 và Nghị định 68. Cụ thể, về công tác quy hoạch sẽ cố gắng tích hợp đồng bộ và đơn giản hoá tối đa thủ tục hành chính. Đồng thời hỗ trợ tối đa và cao nhất cho nhà đầu tư hạ tầng kỹ thuật, nhà đầu tư thứ cấp.
Ngoài ra, đề xuất cấp có thẩm quyền xem xét sửa đổi Luật đầu tư theo hướng quy định rõ về dự án đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật cụm công nghiệp và dự án đầu tư trong cụm công nghiệp. Tiếp tục chỉ đạo rà soát, sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới Quy chế quản lý cụm công nghiệp trên địa bàn. Trong đó, lưu ý việc giải quyết các thủ tục triển khai dự án đầu tư hạ tầng và dự án sản xuất trong cụm công nghiệp theo cơ chế một cửa, liên thông, tinh giản thủ tục hành chính… Nghiên cứu cơ chế mới, chính sách hỗ trợ đầu tư phát triển cụm công nghiệp trên địa bàn theo hướng khuyến khích doanh nghiệp làm chủ đầu tư hạ tầng.
Thứ trưởng Nguyễn Sinh Nhật Tân khẳng đinh: Về cơ bản, hành lang pháp lý liên quan đến phát triển cụm công nghiệp đã có nhưng đang rải rác ở một số văn bản quy phạm pháp luật khác. Nghị định thay thế Nghị định 66 và Nghị đinh 68 sẽ cố gắng tích hợp toàn bộ nội dung phát triển cụm công nghiệp vào một văn bản, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho nhà quản lý địa phương và trong thực thi của doanh nghiệp.
“Liên quan đến phân cấp, phân quyền chỉ định 1 đầu mối quản lý chung. Chúng tôi tiếp thu theo hướng Bộ tập trung ban hành hành lang pháp lý chung còn lại tôn trọng quyền tự quyết của địa phương nhất là tính đặc thù”, Thứ trưởng Bộ Công Thương nhấn mạnh.
Có thể bạn quan tâm