HoREA đề nghị tháo gỡ 6 vấn đề giảm rủi ro cho doanh nghiệp bất động sản

NGÂN GIANG 09/11/2022 01:00

Tắc nguồn vốn tín dụng, trái phiếu... khiến thị trường bất động sản phát triển chưa ổn định và thiếu bền vững, thậm chí “lệch pha” cung cầu, khiến các doanh nghiệp đói vốn kéo theo nhiều rủi ro.

>>Giải mã “cơn sốt” dòng vốn nhỏ đang chảy mạnh vào đầu tư BĐS

Đó là những nội dung được Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) kiến nghị với Bộ Xây dựng và tìm giải pháp tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản.

thị trường BĐS phát triển chưa ổn định và thiếu bền vững, thậm chí “lệch pha” cung cầu, khiến các doanh nghiệp đói vốn và keo theo nhiều rủi ro.

Thị trường bất động sản phát triển chưa ổn định và thiếu bền vững

Đề nghị tháo gỡ 6 vấn đề

Cụ thể, theo Hiệp hội BĐS TP.HCM, hiện nay, thị trường bất động sản đang rất khó khăn và đứng trước khả năng rơi vào suy thoái. Có không ít tập đoàn, doanh nghiệp bất động sản đang gặp rủi ro bị sụt giảm sâu thanh khoản, thậm chí có thể bị mất thanh khoản và phải thực hiện nhiều các biện pháp để tồn tại.

Đơn cử, hiện một số doanh nghiệp bất động sản đang thu hẹp quy mô đầu tư sản xuất kinh doanh biểu hiện qua việc dừng, hoãn hoạt động đầu tư, thi công xây dựng một số dự án, dừng triển khai các dự án mới, phát hành cổ phiếu tăng vốn và IPO. Điều này sẽ tác động đến sự phục hồi và tăng trưởng của nền kinh tế, trực tiếp làm giảm nguồn thu ngân sách nhà nước.

Do đó, Hiệp hội BĐS kiến nghị 6 vấn đề và đề nghị Bộ trưởng Bộ Xây dựng trả lời cho các doanh nghiệp được biết để cứu thị trường BĐS, cụ thể:

Một là, hơn 5 năm qua, thị trường bất động sản phát triển chưa ổn định, chưa bền vững do bị “lệch pha” cung cầu, “lệch pha” phân khúc thị trường, thiếu nguồn cung nhà ở nhất là nhà ở vừa túi tiền, nhà ở xã hội, nhà ở dành cho công nhân lao động, nhưng lại dư thừa nhà cao cấp, dẫn đến giá nhà tăng liên tục và xảy ra các đợt “sốt giá” nhà đất do nhiều nguyên nhân, trong đó có nguyên nhân do điểm c khoản 2 Điều 22 và khoản 4 Điều 23 Luật Nhà ở 2014 chỉ công nhận chủ đầu tư dự án nhà ở thương mại đối với nhà đầu tư có 100% đất ở.

Mãi đến khi điểm c khoản 1 Điều 75 Luật Đầu tư 2020 sửa đổi khoản 1 Điều 23 Luật Nhà ở 2014 (có hiệu lực từ ngày 01/01/2021) và Điều 4 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của 9 Luật, mới công nhận thêm 1 trường hợp “đất ở và các loại đất khác” (đất khác phải “dính” với đất ở), nhưng vẫn không công nhận chủ đầu tư đối với nhà đầu tư “có đất khác không phải là đất ở” (theo Tờ trình số 535/TTr-CP ngày 01/12/2021 của Chính phủ).

Quy định này có dấu hiệu làm lợi cho một nhóm chủ đầu tư dự án nhà ở thương mại này nhưng không có lợi cho một số chủ đầu tư khác và tác động tiêu cực, làm cho thị trường bất động sản thiếu minh bạch, công bằng, lành mạnh.

Vì vậy, đề nghị Bộ Xây dựng cho biết tại sao vấn đề này chậm được khắc phục, cụ thể là Điều 48 Dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) hiện nay vẫn không sửa đổi quy định “bất cập” để bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất với các Điều 73, 169, 191, 193 Luật Đất đai 2013 và Điều 138 Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) cho phép nhà đầu tư, tổ chức kinh tế được nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất, được chuyển mục đích sử dụng đất theo quy định của pháp luật để thực hiện dự án đầu tư? 

Hai là, Luật Nhà ở 2014 đã công nhận 2 chế độ sở hữu nhà ở, một là sở hữu nhà ở không xác định thời hạn gắn liền với quyền sử dụng đất ổn định lâu dài; hai là sở hữu nhà ở có thời hạn gắn liền với quyền sử dụng đất có thời hạn hoặc theo thỏa thuận của hợp đồng mua bán nhà ở áp dụng đối với tất cả các loại nhà ở, gổm cả căn hộ nhà chung cư.

Nay, Điều 27 Dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) đề xuất 2 phương án sở hữu nhà chung cư, tại sao và căn cứ nào mà Bộ Xây dựng lại đề xuất lựa chọn phương án 1 “sở hữu nhà chung cư có thời hạn” áp dụng cho tất cả nhà chung cư xây dựng mới sau ngày Luật Nhà ở (mới) có hiệu lực, kể cả nhà chung cư xây dựng trên đất sử dụng ổn định lâu dài? 

Bên cạnh đó, liệu đề xuất này có phù hợp với Điều 32 Hiến pháp 2013 quy định Nhà nước bảo hộ quyền sở hữu về nhà ở của công dân và có phù hợp với khoản 3 Điều 126 Luật Đất đai 2013 quy định “người mua nhà ở gắn liền với quyền sử dụng đất được sử dụng đất ổn định lâu dài” và khoản 1 Điều 125 Luật Đất đai 2013 và khoản 1 Điều 175 Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) quy định chế độ “đất sử dụng ổn định lâu dài” đối với “đất ở do hộ gia đình, cá nhân sử dụng”?

Ba là, vì sao Dự thảo Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi) không bổ sung quy định về “đặt cọc” trước khi thiết lập Hợp đồng mua bán bất động sản, nhà ở hình thành trong tương lai, để kiểm soát và ngăn chặn việc huy động vốn quá lớn (có trường hợp số tiền đặt cọc lên đến hơn 90% giá trị bất động sản) đối với bất động sản, nhà ở chưa đủ điều kiện đưa vào kinh doanh gây “rủi ro” cho khách hàng, nhà đầu tư và thị trường bất động sản; đồng thời để xử lý “bất cập” do sự thiếu đồng bộ, thống nhất giữa Luật Kinh doanh bất động sản và Bộ Luật Dân sự do khoản 1 Điều 57 Luật Kinh doanh bất động sản 2014 quy định thanh toán lần đầu của Hợp đồng mua bán bất động sản, nhà ở không quá 30% giá trị Hợp đồng, nhưng Điều 294 và Điều 328 Bộ Luật Dân sự 2015 quy định “các bên có quyền thỏa thuận cụ thể về phạm vi nghĩa vụ được bảo đảm” về việc bên đặt cọc giao cho bên nhận đặt cọc một khoản tiền hoặc kim loại quý… (không giới hạn giá trị đặt cọc) để bảo đảm giao kết hoặc thực hiện Hợp đồng?

Bốn là, vì sao Điều 60 Dự thảo Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi) quy định “Các giao dịch bất động sản phải thông qua sàn giao dịch môi giới bất động sản” có thể dẫn đến tạo “đặc quyền, đặc lợi” cho các sàn giao dịch bất động sản và không bảo đảm “quyền tự chủ kinh doanh, tự do tìm kiếm thị trường, khách hàng của doanh nghiệp” được quy định tại Điều 7 Luật Doanh nghiệp 2020. Trong lúc chất lượng hoạt động môi giới bất động sản đang rất hạn chế, yếu kém.

Năm là, vì sao Thông tư 09/2021/TT-BXD ngày 16/08/2021 của Bộ Xây dựng không quy định tiêu chuẩn tối thiểu đối với phòng trọ (bãi bỏ tiêu chuẩn tối thiểu đối với phòng trọ theo Thông tư 20/2016/TT-BXD ngày 30/06/2016) và cho đến nay Bộ Xây dựng vẫn chưa ban hành “Tiêu chuẩn thiết kế, điều kiện tối thiểu xây dựng nhà ở xã hội riêng lẻ do các hộ gia đình, cá nhân đầu tư xây dựng” (tiêu chuẩn phòng trọ), mà đây là yêu cầu rất cấp bách do trong cả nước hiện có đến khoảng gần 1 triệu phòng trọ cho công nhân lao động và người thu nhập thấp đô thị thuê ở, nên rất cần “chuẩn hóa” để nâng cao chất lượng phòng trọ cho thuê và nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước của địa phương?

Sáu là, Hiệp hội đề nghị Bộ trưởng xem xét tháo gỡ “bất cập” của quy định “đơn vị ở” tại Mục 1.4.8 và Mục 2.3.3 “Quy chuẩn 01:2021/BXD Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về quy hoạch xây dựng” (ban hành theo Thông tư 01/2021/TT-BXD) do đã quy định các loại công trình giáo dục, y tế, văn hóa - thể dục thể thao, thương mại áp dụng cho tất cả các “đơn vị ở” có quy mô dân số từ 4.000 người (tương đương 1.100 căn nhà) đến 20.000 người (tương đương 5.700 căn nhà) nên không phù hợp với thực tế của từng quy mô đơn vị ở.

>>Thu hút FDI lớn, mở cơ hội cho các nhà phát triển BĐS công nghiệp

Giảm rủi ro cho doanh nghiệp

Chia sẻ với PV bên lề cuộc họp, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch HoREA, cho biết hiện nhiều doanh nghiệp bất động sản phải tinh giản tối đa bộ máy, giảm lực lượng lao động (thậm chí có tập đoàn giảm đến 50% lực lượng lao động) tác động đến vấn đề an sinh xã hội, hoặc phải giảm lương, tác động đến cuộc sống người lao động.

Do tắc nguồn vốn tín dụng, trái phiếu, nghẽn cả nguồn vốn huy động từ khách hàng nên một số doanh nghiệp bất động sản hiện đói vốn, phải vay vốn ngoài xã hội với lãi suất rất cao, đầy rủi ro. Có trường hợp phải bán bớt tài sản, dự án hoặc bán sản phẩm bất động sản, nhà ở với chiết khấu sâu (thậm chí đến 40-50% giá hợp đồng) tạo cơ hội cho khách hàng mua với giá rẻ nhưng có tiềm ẩn rủi ro khi các tài sản thuộc loại sản phẩm hình thành trong tương lai (vừa bán vừa xây).

"Việc bán tháo dự án có thể tạo ra lợi thế cho các nhà đầu tư có tiềm lực tài chính mạnh, trong đó có nhà đầu tư nước ngoài có cơ hội thôn tính, làm mất đi lợi thế của doanh nghiệp nội địa đang dẫn dắt thị trường bất động sản hiện nay" – ông Châu nói.

Do tắc nguồn vốn tín dụng, trái phiếu, nghẽn cả nguồn vốn huy động từ khách hàng nên một số doanh nghiệp bất động sản hiện đói vốn, phải vay vốn ngoài xã hội với lãi suất rất cao, đầy rủi ro

Do tắc nguồn vốn tín dụng, trái phiếu, nghẽn cả nguồn vốn huy động từ khách hàng nên một số doanh nghiệp bất động sản hiện đói vốn, phải vay vốn ngoài xã hội với lãi suất rất cao, đầy rủi ro.

Cũng theo ông Châu, với những khó khăn trong năm nay, nhiều khả năng năm 2023, có nguy cơ xảy ra lạm phát, suy thoái kinh tế, đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu. Nếu kịch bản này diễn ra sẽ tác động rất lớn đến nền kinh tế và thị trường bất động sản Việt Nam.

Cụ thể, năm 2022, thị trường bất động sản bị sốt giá nhà đất xảy ra hồi đầu năm, tình trạng lệch pha cung - cầu, nguồn cung lệch về phân khúc nhà ở cao cấp và thiếu hụt nhà ở thương mại vừa túi tiền, nhà ở xã hội. Do đó, thị trường rất cần cơ chế, chính sách của Nhà nước để tăng nguồn cung nhà ở vừa túi tiền, nhà ở xã hội.

Tuy nhiên, theo ông Châu, tăng trưởng tín dụng bất động sản 9 tháng là 7,35%, thấp hơn mức tăng trưởng tín dụng chung toàn nền kinh tế là 11%, cho thấy đây là điểm khác biệt so với giai đoạn suy thoái cách đây 15 năm.

Dẫu vậy, năm 2023 - 2024, ước tính có khoảng 790.000 tỷ đồng trái phiếu doanh nghiệp đáo hạn là áp lực không hề nhỏ, cần lưu ý để xử lý thỏa đáng. Theo đó, rất cần cơ chế, chính sách của Nhà nước tạo điều kiện để thị trường vốn này vận hành thông suốt. Mặt tích cực hiện nay là doanh nghiệp đang nỗ lực mua lại trái phiếu trước thời hạn lên đến 142.000 tỷ đồng trong 9 tháng đầu năm 2022 để giảm rủi ro cho nhà đầu tư.

Vấn đề hàng tồn kho đến tháng 6 của 45 doanh nghiệp bất động sản niêm yết trên sàn chứng khoán, ghi nhận khoảng 273.373 tỷ đồng, chiếm quá nửa giá trị tài sản. Điều đáng quan ngại đối với hàng tồn kho thuộc các dự án dở dang, nên cần tháo gỡ vướng mắc về pháp lý để giải tỏa nút thắt này.

Chủ tịch HoREA cho rằng để tháo gỡ các khó khăn hiện nay của thị trường bất động sản cần Chính phủ và nhiều bộ ngành thực hiện đồng bộ giải pháp. Giải pháp lớn nhất là hoàn thành sửa đổi Luật Đất đai 2013 và một số luật liên quan, đảm bảo tính thống nhất để phát triển thị trường bất động sản an toàn, bền vững.

Kế đến là tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, người mua nhà được tiếp cận nguồn vốn tín dụng đối với các dự án nhà ở giá vừa túi tiền, nhà ở xã hội, nhất là các doanh nghiệp thực hiện tốt các nghĩa vụ nộp thuế cho Nhà nước, có dự án đảm bảo yếu tố pháp lý.

Có thể bạn quan tâm

  • VMI JSC tháo nút thắt cố hữu cho nhà đầu tư BĐS

    12:17, 08/11/2022

  • Nhu cầu cao, BĐS thấp tầng vẫn là kênh đầu tư màu mỡ

    16:35, 04/11/2022

  • Giải mã “cơn sốt” dòng vốn nhỏ đang chảy mạnh vào đầu tư BĐS

    10:30, 31/10/2022

  • Suất đầu tư BĐS Fantasy Home: Cơ hội tốt cho nhà đầu tư “tay ngang”

    17:33, 20/10/2022

  • CEO BĐS Đất Sen: 5 yếu tố để doanh nghiệp vượt qua khó khăn

    03:00, 20/10/2022

NGÂN GIANG