Lấy lại niềm tin cho thị trường bất động sản
Yêu cầu cấp thiết của nền kinh tế hiện nay là nhận diện nguy cơ, rủi ro, có giải pháp kịp thời để giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, thị trường tiền tệ, chứng khoán, bất động sản.
>>> Doanh nghiệp địa ốc ngóng chính sách mới
Tại Diễn đàn Kinh tế lần thứ 5 diễn ra mới đây, ông Don Lam - Chủ tịch Quỹ VinaCapital đã nêu 3 lý do chính khiến các công ty bất động sản Việt Nam rơi vào vấn đề thanh khoản.
Thứ nhất, Ngân hàng Nhà nước thắt chặt chính sách tiền tệ để ổn định thị trường tiền tệ và kiềm chế lạm phát. Thứ hai, các ngân hàng được khuyến khích cho người mua nhà vay thay vì cho các công ty bất động sản vay. Thứ ba, các công ty bất động sản ở Việt Nam vay ngắn hạn (khoảng 2 năm) cho các dự án dài hạn và việc tái cấp vốn cho các khoản nợ đó đôi khi có thể khó khăn.
"Việc giải quyết các vấn đề thứ nhất và hai nêu trên tương đối dễ dàng và có thể giúp thị trường bất động sản trở lại hoạt động bình thường trong vòng 6 tháng tới. Còn giải quyết vấn đề số 3 là cần thiết để đảm bảo sức khỏe lâu dài của thị trường tài chính và thị trường bất động sản", ông Don Lam nhấn mạnh.
Ông Don Lam cũng đề xuất một số giải pháp nhằm giải quyết các vấn đề ngắn hạn trên thị trường bất động sản. Trước mắt cần giúp các công ty bất động sản dễ dàng tiếp cận tín dụng ngân hàng, bằng cách giảm đánh giá rủi ro trong lĩnh vực này hoặc thông qua cho vay trực tiếp.
Thứ hai, cần nới lỏng chính sách tiền tệ bằng cách bơm tiền vào thị trường tiền tệ hoặc mua dự trữ ngoại hối. Đồng Việt Nam đã mạnh lên đáng kể trong thời gian gần đây và lạm phát đang được kiểm soát, điều này tạo dư địa cho Ngân hàng Nhà nước nới lỏng chính sách tiền tệ, ông đề xuất.
Tiếp đến, ông Don Lam cho rằng Chính phủ có thể thành lập quỹ/chương trình cứu trợ, tương tự một vài quốc gia khác. "Vốn dài hạn rất cần thiết cho các dự án xây dựng nhưng các công ty bất động sản hiện chỉ có thể vay tiền trong ngắn hạn. Cần phê duyệt hay từ chối một dự án kịp thời hơn để các công ty bất động sản có thể sản lập kế hoạch dòng tiền của họ một cách hợp lý", ông nêu.
Trong 3 ngày liên tiếp, Thủ tướng Chính phủ đã ký 3 Công điện để chỉ đạo xử lý các vấn đề cấp bách của nền kinh tế và thị trường BĐS. Đó là, Công điện số 1156/CĐ-TTg ngày 12/12/2022 "về cung ứng vốn tín dụng cho nền kinh tế"; Công điện số 1163/CĐ-TTg ngày 13/12/2022 "về thị trường trái phiếu doanh nghiệp"; Công điện số 1164/CĐ-TTg ngày 14/12/2022 "về tháo gỡ khó khăn cho thị trường BĐS và phát triển nhà ở".
TS. Cấn Văn Lực - Chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV và Thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách Tài chính - tiền tệ Quốc gia - cho biết, 70% khủng hoảng kinh tế thế giới vừa qua chủ yếu xuất phát từ tài chính, bất động sản. Việc ổn định, lành mạnh hóa hai thị trường này là cần thiết. Do vậy, ông Lực đề xuất nhiều nhóm giải pháp
>>“Thanh lọc” thị trường bất động sản
Trong đó, nhóm giải pháp thứ nhất là lấy lại niềm tin của nhà đầu tư. Trước hết là phải minh bạch thông tin và thông điệp mạnh mẽ. Tiếp đến là sớm giải quyết dứt điểm các vụ việc liên quan. Cùng với đó có phương án cụ thể, khả thi cho thị trường trái phiếu thời gian tới.
Nhóm giải pháp thứ hai là ổn định kinh tế vĩ mô, tháo gỡ rào cản pháp lý và vốn cho nền kinh tế. Ông Lực kiến nghị Thủ tướng và Ủy ban Kinh tế Trung ương tiếp tục kiên định ổn định vĩ mô, đảm bảo các cân đối lớn.
Theo chuyên gia này, cần đảm bảo 4 cân bằng: Cân bằng giữa lạm phát và tăng trưởng; Cân bằng giữa điều hành lãi suất và tỷ giá; Cân bằng giữa cân đối ngân sách và hỗ trợ doanh nghiệp người dân; Cân bằng giữa vốn đầu tư nhà nước và tư nhân.
Cũng theo ông Lực, Nhà nước cần khơi thông các nguồn vốn, cụ thể là đẩy nhanh hơn nữa chương trình phục hồi kinh tế 2022-2023, thúc đẩy giải ngân đầu tư công và hết sức quan tâm tới pháp lý cho hàng nghìn dự án bất động sản đang tồn đọng trên cả nước. Cùng với đó, khơi thông nhanh dòng vốn trái phiếu doanh nghiệp và tăng cường vốn tăng trưởng xanh.
Nhóm giải pháp thứ ba là đảm bảo thanh khoản của thị trường, đảm bảo an toàn của hệ thống ngân hàng. “Cần sớm có giải pháp xử lý các ngân hàng yếu kém, không để rủi ro lan truyền giữa chứng khoán, bất động sản và ngân hàng”, ông Lực đề xuất.
Theo chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV, thời gian tới, cần phải tiếp tục thực hiện nghiêm túc 3 công điện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về các biện pháp bảo đảm thị trường trái phiếu doanh nghiệp lành mạnh, an toàn, hiệu quả, tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản, tháo gỡ vướng mắc, cung ứng vốn tín dụng cho nền kinh tế. "Đây là các chỉ thị rất quyết liệt, đúng và trúng, cần được tích cực thực hiện", ông Lực lưu ý.
Trong trung và dài hạn, ông Lực khuyến nghị 6 chữ dành cho thị trường bất động sản. Đó là Minh bạch, Thị trường và Chuyên nghiệp.
Có thể bạn quan tâm