Thị trường bất động sản sẽ sớm khởi sắc

DIỆU HOA 02/01/2023 03:00

Các chuyên gia cho rằng trong bối cảnh chung khoảng 240 nghìn tỷ đồng được bơm vào nền kinh tế, cùng các chính sách mới dự kiến được thông qua trong năm 2023

thị trường bất động sản sẽ sớm “phá băng”, phục hồi.

>>> Tổ công tác của Chính phủ "giải cứu" thị trường bất động sản thế nào?

 Diễn đàn “Phát triển bền vững thị trường bất động sản” do Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp tổ chức.

Diễn đàn “Phát triển bền vững thị trường bất động sản” do Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp tổ chức.

Trước sự khó khăn của thị trường bất động sản (BĐS), Chính phủ đã có những chỉ đạo quyết liệt để hỗ trợ hơn nữa cho thị trường phát triển lành mạnh, bền vững. Chỉ thị số 13/2022 “Về một số giải pháp thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững”; Quyết định số 1435/2022 về “Thành lập Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ về rà soát, đôn đốc, hướng dẫn tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong triển khai thực hiện dự án bất động sản cho các địa phương doanh nghiệp”.

Khơi thông thủ tục

Ông Hoàng Quang Phòng – Phó Chủ tịch VCCI cho biết, trong thời điểm cận kề năm 2023, những động thái quyết liệt và liên tục của Chính phủ gần đây được kỳ vọng không chỉ tháo gỡ các nút thắt cho thị trường, mà còn là liều thuốc vực dậy tâm lý nhà đầu tư.

Không chỉ góp phần “phá băng” thị trường BĐS, các chỉ đạo trên cũng giúp BĐS thanh khoản trở lại, gỡ khó cho doanh nghiệp kinh doanh BĐS, mà còn hạn chế rủi ro cho nền kinh tế, giúp người lao động có cơ hội tiếp cận nhà ở xã hội dễ dàng hơn trong thời gian tới.

Lãnh đạo VCCI cũng nhận định, 2023 là năm Quốc hội thông qua các đạo luật cơ bản liên quan đến thị trường BĐS: Luật Đất đai, Luật Kinh doanh BĐS, Luật Nhà ở… sẽ giúp tháo gỡ những điểm nghẽn về mặt pháp lý, thị trường có nhiều cơ hội để phát triển.

Đồng quan điểm, PGS.TS Trần Kim Chung - nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương cũng cho rằng năm 2023, thị trường BĐS sang trang mới khi nhiều luật liên quan dự kiến được sửa đổi và thông qua.

Mặt khác, vấn đề về dòng tiền cũng được cải thiện khi tín dụng năm 2023 sẽ tốt hơn năm nay nhờ quyết định nới thêm hạn mức tín dụng cho các ngân hàng thương mại để tạo đà cho doanh nghiệp vận hành năm 2023. FDI đầu tư vào Việt Nam trong bối cảnh dịch chuyển luồng vốn trên thế giới, trái phiếu dần phục hồi, thị trường cũng có xu hướng tăng.

>>> Lập tổ công tác của Thủ tướng tháo gỡ khó khăn cho các dự án bất động sản

Trong khi đó, ông Nguyễn Văn Đính, Phó Chủ tịch Hiệp hội BĐS Việt Nam, Chủ tịch Hội môi giới BĐS cũng cho rằng động thái của Thủ tướng, của các bộ ngành hết sức quan trọng, chắc chắn sẽ giúp cho thị trường khởi sắc trở lại, sẽ không bùng nổ như trước nhưng sẽ có tính ổn định cho sự phát triển.

“Để thích ứng, doanh nghiệp BĐS cần chủ động cơ cấu lại sản phẩm tại các dự án đang phát triển, theo hướng phù hợp hơn với nhu cầu thị trường. Đồng thời, doanh nghiệp cần tập trung phát triển nhiều hơn các sản phẩm BĐS có giá phù hợp tại các dự án mới để thanh khoản tốt hơn” – ông Đính nói.

Kỳ vọng vào Tổ công tác của Thủ tướng

Ở bình diện chung, PGS.TS Trần Đình Thiên, Nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam nhận định, Việt Nam đang nằm trong thế nghịch lý thành công. "Mạch chung" của nền kinh tế vẫn rất tốt. Nhưng quan trọng hơn, việc "bơm vốn" cho nền kinh tế phải có thái độ khác với lạm phát để giúp doanh nghiệp và giữ cho hệ thống ngân hàng ổn định.

Từ góc độ thể chế, TS. Phan Đức Hiếu, Ủy viên thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho biết, thời gian tới sẽ có một số luật được sửa đổi và thông qua vào cuối năm 2023, có hiệu lực từ năm 2024. Những khung pháp lý căn cơ để hỗ trợ cho thị trường BĐS về mặt lâu dài dự kiến ít nhất sẽ xảy ra trong năm 2024.

Việc hỗ trợ thị trường BĐS về gói thể chế trong năm 2023 phụ thuộc vào kết quả hành động của Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ và triển khai các chính sách hỗ trợ xây dựng nhà ở xã hội. Thị trường vẫn có thể khởi sắc nếu trong năm 2023 Tổ công tác của Chính phủ kịp thời tháo gỡ khó khăn pháp lý vướng mắc một cách quyết liệt, hiệu quả.

Bà Trang Bùi, Tổng giám đốc Cushman & Wakefield Việt Nam:

Người mua để ở và người mua đầu tư dài hạn chiếm phần lớn trong bối cảnh hạn chế tín dụng. Thị trường bất động sản đang tăng trưởng về chất, đặc biệt người mua cao cấp quan tâm đến môi trường sống cân bằng, bền vững hơn là một không gian sống đơn thuần. Vì thế, những đại đô thị hay bất động sản “all in one” có quy mô lớn, được quy hoạch tốt với nhiều tiện ích, trải nghiệm sống độc đáo hấp dẫn khách mua, đặc biệt đối với những khách mua để ở.

Ông Nguyễn Chí Thanh - TGĐ Công ty CP Thanh Bình Hà Nội:

Những nhà đầu tư lớn đã tham gia vào phân khúc nhà ở xã hội, hệ thống lại thị trường bất động sản Việt Nam, định hướng và quy mô đầu tư của thị trường đang nâng lên tầm mới. Với định hướn như vậy là đang đúng hướng. Cần có những chính sách hỗ trợ để minh bạch hóa và tạo ra sự ổn định về tín dụng cho thị trường.

DIỆU HOA