Thị trường địa ốc đóng băng, môi giới về đâu?

VŨ HỒNG TÂM 15/05/2023 10:00

Thị trường địa ốc "đóng băng", các sàn giao dịch "bất động" buộc phải cho nhân viên nghỉ việc, số còn lại sống lay lắt. Bất động sản thanh lọc môi giới chưa từng có khiến nhiều người bỏ nghề.

>>Bảng giá đất mới sẽ áp dụng từ năm 2026

Là một trong những môi giới bất động sản lâu năm trong nghề đang làm trưởng phòng sale cho một công ty địa ốc lớn tại khu vực Đà Nẵng, chị Nguyễn Thị Lệ cho biết đang là "sale bất động sản" cứng, hiện tại để sống được với nghề trong giai đoạn khó khăn này khi công ty không trả lương, chị chủ yếu bán hàng lẻ của khách ký gửi lại thay vì ngồi chờ bán hàng của công ty.

Trong nhóm chị có một đội riêng chuyên phụ trách tìm kiếm khách hàng trên nhiều kênh, người thì dẫn khách đi xem nhà đất, người "sale phone"… và chị là người hỗ trợ nhóm chốt khách khi đến chung kết.

Sale

Theo VARS, trong quý I/2023, có khoảng 50% sàn giao dịch phải đóng cửa, tạm dừng hoạt động nên lượng môi giới bất động sản phải nghỉ việc cũng tăng theo.

Nhóm chị bán mọi phân khúc chủ yếu ở địa bàn Quảng Nam, Đà Nẵng. Tuy nhiên, do thị trường địa ốc đang "đứng bánh", khách thì không dám xuống tiền nên khi đàm phán đến chung kết tức chốt cọc được cũng là cả quá trình thuyết phục giữa ba bên bán - bên mua và môi giới. Thậm chí, cả nhóm còn chấp nhận lấy ít hoa hồng lại để có thể nhanh ra hàng.

"Chưa bao giờ chị chốt lô đất 5-6 tỷ đồng cả hai tháng trời mà hoa hồng thu về chưa tới 10 triệu đồng, chia 5 xẻ 7 cho cả nhóm nhưng vẫn phải chấp nhận vì nếu không lấy gì trang trải cuộc sống, với tình hình thị trường kiểu này cũng không chắc là trong nhóm còn trụ lại được mấy người để tiếp tục sale hay sẽ bỏ cuộc", chị Lệ ngậm ngùi.

Còn anh Trần Văn Trường, một môi giới cũng thuộc dạng có "số má" trong công ty bất động sản có trụ sở trên đường Nguyễn Hữu Thọ (Đà Nẵng), đã từng là "best sale" của nhiều dự án công ty cho hay, giờ đây anh đang phải loay hoay tìm kiếm việc làm thêm, bởi đã không được nhận lương từ 6 tháng qua do thị trường đứng bánh và công ty đã cạn kiệt tiền.

Anh Trường tâm sự, trước đây dù không chốt được khách thì vẫn còn có lương cứng để trang trải. Hiện tại, lương cứng không có, 6 tháng nay cũng không "chốt" được khách nào, nên đành chấp nhận bỏ nghề để tìm việc khác kiếm thêm thu nhập cho gia đình.

Cùng cảnh ngộ, anh Bùi Văn Trí, môi giới chuyên khu vực Hòa Vang - Đà Nẵng, đã chuyển sang làm shipper vài tháng qua để kiếm sống.

"Ngày nào cũng bắt đầu từ 5h sáng đến 7h tối, chạy siêng siêng cũng kiếm được trên 500 - 600 ngàn đồng. Thị trường bây giờ khó khăn, phải chấp nhận bỏ sĩ diện đi nhặt tiền lẻ để trang trải cuộc sống trước. Thời gian tới nếu thị trường vẫn "bất động" tôi sẽ chuyển hẳn sang công việc khác từ bỏ nghề môi giới với quần là áo lượt, miệng nói chuyện tiền tỷ", anh Trí tâm sự.

Thị trường đứng bánh

Thị trường "đứng bánh" khiến lực lượng môi chơi lâm cảnh "ăn không ngồi rồi".

Gạt những giọt mồ hôi còn vương trên trán, chị Trần Thị Thu Bình, cựu môi giới của tập đoàn bất động sản có chi nhánh tại quận Hải Châu - Đà Nẵng, nay đã ổn định đời sống với quán bún bò gần Hội An, bùi ngùi nhớ lại quãng thời gian làm môi giới bất động sản. Thời điểm chân ướt chân ráo vào nghề hai năm trước, với mức lương khởi điểm 3 triệu đồng hàng tháng, nếu bị trừ lỗi đi muộn, quên chấm công, bị phạt vì không chạy marketing chung với phòng, hay chưa kịp phát tờ rơi thì có khi tháng đó không còn đồng nào. Ngoài lương chị không có thêm bất cứ khoản tiền nào khác từ công ty vì mới vào nghề nên chưa bán được hàng.

"Nhiều tháng trôi qua, tôi luôn bị ám ảnh bởi việc ép doanh số và buộc phải bán được hàng từ Trưởng phòng đến Giám đốc công ty, cam kết phải có giao dịch mới được tiếp tục công việc và nhận "hoa hồng" từ chốt thành công của cá nhân với thành tích của phòng sale. Nếu không sẽ mất trắng bao công sức và tiền bạc vì đã lỡ bỏ ra tiền túi chạy đăng tin trên các trang rao vặt, chạy quảng cáo facebook, làm web, mua trả góp laptop, điện thoại smartphone, xe tay ga… để phục vụ cho công việc, chưa kể đầu tư quần áo và chi phí tiếp khách, xăng xe đi lại để đưa khách đi tham quan dự án", chị Bình ngán ngẩm.

Mãi đến gần 2 tháng sau đó, tình cảnh thiếu thốn mới được cải thiện khi trong một sự kiện bán hàng của công ty, tôi chốt được 5 lô đất, tình hình của chị Bình mới khá lên. Tuy nhiên, nhìn lại trong phòng kinh doanh công ty chỉ còn lại vài người vì nhiều môi giới đã nghỉ việc, bỏ nghề do không chịu được áp lực, không có tiền đầu tư cho bản thân để chốt được khách, không thể trang trải được cuộc sống nên tự đào thải.

Theo số liệu thống kê của Hội môi giới bất động sản Việt Nam (VARS), trong quý I/2023, có khoảng 50% sàn giao dịch phải đóng cửa, tạm dừng hoạt động. Dẫn đến lượng môi giới bất động sản phải nghỉ việc cũng tăng theo. Cũng theo số liệu VARS cho biết, tỉ lệ môi giới đang hoạt động hiện nay chỉ còn khoảng 30 - 40% so với giai đoạn năm 2022. Một số khu vực có lượng môi giới bất động sản nghỉ việc lên tới 80%.

Chia sẻ về tình trạng môi giới bỏ nghề tăng cao hiện nay, Giám đốc công ty bất động sản có trụ sở tại đường 2/9 Đà Nẵng nhìn nhận thứ nhất vì thu nhập không ổn định, số lượng giao dịch thành công ở thị trường hiện tại là cực kỳ khó khăn. Ngoài ra nhân viên môi giới còn phải tự bỏ tiền túi để trang trải các chi phí marketing, quảng cáo online, đăng tin, đi lại, tiếp khách…

"Do vậy chỉ còn một ít môi giới có điều kiện tài chính, có kiến thức kinh nghiệm và data khách hàng hiệu quả mới có khả năng trụ được với nghề. Đa số môi giới còn lại gần như bỏ cuộc sau thời gian ngắn khi không chịu được áp lực doanh số, cuộc sống quá bấp bênh và không có tiền đầu tư cho bản thân", vị này nói.

Có thể bạn quan tâm

  • Cần thiết giao dịch bất động sản qua sàn?

    Cần thiết giao dịch bất động sản qua sàn?

    05:00, 14/05/2023

  • Sửa Luật Kinh doanh bất động sản: Quy định về chuyển nhượng dự án thiếu tính thống nhất

    Sửa Luật Kinh doanh bất động sản: Quy định về chuyển nhượng dự án thiếu tính thống nhất

    04:00, 14/05/2023

  • Sửa Luật Kinh doanh bất động sản: Còn nhiều tồn tại về các Hợp đồng giao dịch

    Sửa Luật Kinh doanh bất động sản: Còn nhiều tồn tại về các Hợp đồng giao dịch

    04:00, 13/05/2023

VŨ HỒNG TÂM