Thương mại điện tử có lấn át bán lẻ truyền thống?
Thương mại điện tử đã phát triển bùng nổ kể từ thời điểm đại dịch tuy nhiên sẽ phải rất lâu nữa hình thức này mới có thể lấn át bán lẻ truyền thống.
>>Giai đoạn "lột xác" của mặt bằng bán lẻ
Trên thực tế, nghiên cứu của Savills Impacts cho thấy đã có những tín hiệu cho thấy ngành bán lẻ truyền thống đang trên đà trở lại.
Mặt bằng bán lẻ phục hồi rõ rệt
Xu hướng này chưa xuất hiện trên toàn cầu nhưng đã được ghi nhận tại mốt số thị trường. Khi thương hiệu tiếp tục lựa chọn mở cửa hàng tại những điểm bán lẻ quan trọng và tỷ lệ mặt bằng bán lẻ trống đang giảm dần. Một số thương hiệu cao cấp thậm chí còn đẩy mạnh mở thêm cửa hàng tại những địa điểm mới.
Ông Sam Foyle, Giám đốc Bộ phận Bán lẻ cao cấp, Savills cho biết ngày càng nhiều thương hiệu mở thêm cửa hàng thực tế. “Trên toàn cầu, nhiều nhãn hàng dù đã có cửa hàng tại vị trí đắc địa nhưng vẫn tiếp tục kế hoạch mở rộng thêm tới các mặt bằng cao cấp hoặc địa điểm quy tụ nhiều khách du lịch. Một số lại dịch chuyển từ các con phố mua sắm sầm uất sang những địa điểm danh tiếng, thậm chí có trường hợp rời cửa hàng hẳn ra những vùng ngoại ô giàu có” – Ông Sam nói.
Cũng theo chuyên gia Savills, tín hiệu phục hồi của ngành bán lẻ hiện đang rõ ràng hơn tại các thành phố lớn. Tỷ lệ trống tại các khu phố thương mại chính đang giảm, và các thương hiệu đang tận dụng lợi thế giá thuê để quay trở lại các điểm nóng mua sắm. Giá thuê bán lẻ cao cấp hiện vẫn ở mức thấp hơn trước đại dịch, trở nên hợp lý với ngân sách, khiến các nhà bán lẻ có thể chi trả được tại các vị trí đắc địa hơn.
Theo ghi nhận của Savills Impacts, trong hai năm trở lại đây, giá thuê mặt bằng cao cấp tại các tuyến phố mua sắm nổi tiếng tại Toronto, London, Sydney hay Hong Kong đã tăng trung bình khoảng 7% (số liệu ghi nhận tại Q1/2023). Tuy nhiên, mức này hiện vẫn thấp hơn ít nhất 10% so với năm 2019.
Ngoài ra, sự trở lại của du lịch đồng thời mang du khách quay lại. Tại nhiều thị trường có thế mạnh về du lịch như Hong Kong, nguồn cầu lớn chủ yếu là du khách.
Ông Sam Foyle cho biết, trước đại dịch, chi tiêu từ khách du lịch tại các cửa hàng bán lẻ truyền thống chiếm đa số, con số này tại thị trường Hong Kong vào năm 2019 đạt tới 80% doanh thu.
Do đó, việc du lịch quay trở lại được kỳ vọng là yếu tố kích cầu đối với bán lẻ truyền thống, đặc biệt tại các điểm mua sắm gần trung tâm, nơi tập trung các thương hiệu bán lẻ, nhà hàng và tiện ích giải trí đa dạng, mang lại trải nghiệm mới lạ cho người tiêu dùng.
Sự quay trở lại của cửa hàng thực tế đồng thời được ghi nhận từ các thương hiệu vốn chủ yếu trực tuyến. Sau một thời gian xây dựng cộng đồng khách hàng của mình, các thương hiệu này đang dần tập trung hơn vào trải nghiệm và tạo ra các hoạt động gắn kết khách hàng thông qua các cửa hàng thực tế.
Đơn cử như Amazon, “gã khổng lồ” của mua sắm trực tuyến đã mở hơn 100 cửa hàng thực tế trên toàn cầu và vẫn đang triển khai tiếp chiến lược mở rộng. Các cửa hàng được thiết kế đẹp mắt với các dịch vụ cá nhân hóa, khu vực café, sảnh sự kiện, là điểm đến để khách hàng tới và tương tác trực tiếp với thương hiệu hơn là chỉ để mua sắm.
Nhiều thương hiệu cao cấp cũng sử dụng cửa hàng trực tiếp của mình như một chiến lược tăng nhận diện đối với cộng đồng và những người có khả năng mua sắm sản phẩm của họ trực tuyến sau đó.
>>Đẩy mạnh phát triển nhà ở xã hội tại Khánh Hòa
Cơ hội đi cùng thách thức
Không nằm ngoài xu hướng của thế giới, bán lẻ trực tuyến tại Việt Nam dù ghi nhận tốc độ phát triển nhanh chóng nhưng tầm quan trọng của các cửa hàng thực tế vẫn còn đó.
Bà Hoàng Diệu Trang, Quản lý Cấp cao, Bộ phận Cho thuê Thương mại, Savills Hà Nội nhận định: “Tại thị trường toàn cầu nói chung và Việt Nam nói riêng, bán lẻ truyền thống và bán lẻ trực tiếp là hai chiến lược bổ trợ lẫn nhau mà các nhãn hàng đang áp dụng. Nền tảng trực tuyến được sử dụng với mục đích tiếp cận cộng động trực tuyến và tập trung vào doanh số bán hàng”.
Trong khi đó, các cửa hàng trực tiếp lại mang lại các giá trị vô hình từ trải nghiệm, đặc biệt đối với phân khúc cao cấp, cửa hàng thực tế hỗ trợ tối đa hóa trải nghiệm để xây dựng mối quan hệ gắn kết giữa khách hàng và thương hiệu.
“Sự cạnh tranh đối với các vị trí đắc địa, có lưu lượng khách hàng lớn tại các tuyến phố mua sắm và trong các trung tâm mua sắm vẫn rất khốc liệt. Do đó, tập trung mang lại trải nghiệm cho khách hàng tại các cửa hàng thực tế vẫn là điều mà nhiều thương hiệu lưu tâm.”- bà Trang cho biết.
Cũng theo vị chuyên gia, thị trường bán lẻ đang đối mặt với nhiều cơ hội cũng như thách thức khi bước vào thời kỳ hậu đại dịch. Bà Trang cũng cho rằng, đứng trước tiềm năng phát triển trong thời gian tới, các nhà bán lẻ cần tận dụng điểm mạnh và lợi thế của tất cả các hình thức bán lẻ để tối đa doanh thu.
Các doanh nghiệp cần tham khảo thông tin thực trạng, cơ hội và tiềm năng tương lai của thị trường từ các đơn vị tư vấn và nghiên cứu chuyên nghiệp nhằm giảm thiểu rủi ro gặp phải khi quyết định phương án hoạt động tiếp theo.
Có thể bạn quan tâm
Giai đoạn "lột xác" của mặt bằng bán lẻ
05:00, 07/06/2023
Giai đoạn chuyển mình của mặt bằng bán lẻ TP.HCM
10:42, 10/05/2023
Chọn lọc nhà đầu tư FDI vào bất động sản
13:43, 13/07/2023
Chủ tịch Keppel Land Việt Nam: Bất động sản bền vững phải bắt kịp quá trình đô thị hóa
13:16, 13/07/2023
Chủ tịch VnREA: Thị trường bất động sản trầm lắng hết năm 2023
12:38, 13/07/2023
Dự án đường Vành đai 4 khởi công, thị trường bất động sản dậy sóng trở lại?
03:00, 13/07/2023