Hải Dương: Hơn 1 vạn người dân có nhu cầu nhà ở xã hội
Đó là kết quả khảo sát sơ bộ nhu cầu nhà ở xã hội của người dân, nhất là công nhân lao động vừa được các địa phương triển khai theo yêu cầu của UBND tỉnh Hải Dương.
>>>Hải Dương: Nguyên nhân làm chậm tiến độ đầu tư công
Nhu cầu lớn
Theo tỉnh Hải Dương: Hơn 10.000 người có nhu cầu nhà ở xã hội, trong đó TP Hải Dương có số người có nhu cầu thuê, mua nhà ở xã hội nhiều nhất, hơn 2.500 người. Tiếp đến là huyện Cẩm Giàng hơn 2.300 người, Kim Thành gần 1.900 người, ít nhất là huyện Gia Lộc chỉ có 4 người.
Trên cơ sở kết quả khảo sát nhu cầu nhà ở xã hội của người dân tại các địa phương, đáp ứng nhu cầu nhà ở xã hội, nhà ở công nhân trong giai đoạn tới và sử dụng quỹ đất tiết kiệm, hiệu quả.
Theo Sở Xây dựng, Sở sẽ đề xuất giai đoạn 2023-2030, Hải Dương sẽ xây dựng hơn 9.000 căn hộ cho công nhân, lao động, người có thu nhập thấp. Riêng giai đoạn 2023-2025, sẽ xây dựng gần 3.000 căn hộ và hơn 6.200 căn hộ trong giai đoạn 2026-2030.
Vừa qua, UBND huyện Tứ Kỳ - Hải Dương đã đề xuất xây dựng 3 dự án nhà ở xã hội trên địa bàn xã Hưng Đạo, khu dân cư mới tái định cư thị trấn Tứ Kỳ và xã Nguyên Giáp trong giai đoạn 2023-2030.
UBND tỉnh Hải Dương đã ban hành danh mục dự án phát triển nhà ở xã hội dự kiến triển khai giai đoạn 2023 - 2025. Có 14 dự án sẽ được triển khai, trong đó chủ yếu tập trung tại TP Hải Dương.
Theo lãnh đạo huyện Tứ Kỳ, huyện đã tiến hành khảo sát nhu cầu nhà ở xã hội đối với các đối tượng là công nhân, lao động, người có công, hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn từ tháng 6/2023. Từ đó, huyện đề xuất 3 dự án nhà ở xã hội để đáp ứng tối đa nhu cầu, từ đó ổn định và nâng cao chất lượng sống cho nhân dân.
Một địa điểm thuộc xã Hưng Đạo, huyện Tứ Kỳ dự kiến sẽ xây dựng nhà ở xã hội trên tổng diện tích khoảng 3.900m2. 2 địa điểm khác được huyện đề xuất tại khu dân cư mới tái định cư thị trấn Tứ Kỳ với tổng diện tích khoảng 4.000m2 và tại khu dân cư mới xã Nguyên Giáp với tổng diện tích xây dựng khoảng 5.000m2. Các dự án nhà ở xã hội sẽ có chiều cao từ 12-15 tầng, thời gian triển khai đối với dự án tại xã Hưng Đạo là trong giai đoạn 2023-2025, 2 dự án còn lại sẽ được triển khai trong giai đoạn 2025-2030.
Hiện nay, dự án nhà ở xã hội tại xã Hưng Đạo đang trong giai đoạn hoàn thiện hồ sơ quy hoạch để trình UBND huyện phê duyệt. Dự án tại thị trấn Tứ Kỳ và xã Nguyên Giáp đang được hoàn thiện hồ sơ để xin ý kiến các sở, ngành theo quy định.
Dựa trên nhu cầu nhà ở xã hội ở tỉnh Hải Dương hiện nay, Sở Xây dựng tỉnh đề xuất giai đoạn 2023-2030 sẽ xây dựng hơn 9.000 căn hộ, trong đó giai đoạn 2023-2025 xây dựng 3.000 căn hộ và giai đoạn 2026-2030 là 6.200 căn hộ.
Giấc mơ an cư lập nghiệp
Theo chị Nguyễn Lan Hương, công nhân tại KCN Lai Vu cho biết: Chị cũng như nhiều công nhân lao động đều có nhu cầu được mua nhà ở xã hội, để sớm thoát khỏi tình cảnh tạm bợ trong những khu nhà trọ nghèo hay những mái nhà đã tồi tàn, xuống cấp. Tuy nhiên theo chị Hương, nhưng muốn sở hữu thì phải có tiền. Không đủ tiền “cả cục” thì phải đi vay, phải trả lãi, cũng phải cần tiền.
Được biết, ngày 1.4 vừa qua, Ngân hàng Nhà nước có văn bản gửi tới các ngân hàng thương mại, Ngân hàng Nhà nước chi nhánh các tỉnh, thành phố, trong đó có Hải Dương nhằm triển khai Nghị quyết 33/NQ-CP của Chính phủ để giải ngân gói 120.000 tỷ đồng nói trên. Thời gian ưu đãi đối với người mua nhà ở xã hội là 5 năm. Nhóm 4 ngân hàng lớn (Agribank, VietinBank, BIDV, Vietcombank) đóng vai trò chủ lực triển khai gói tín dụng này.
Nội dung quan trọng nhất mà người dân quan tâm đó là lãi suất. Người mua nhà được hưởng lãi suất ưu đãi 8,2%/năm, từ nay đến hết ngày 30.6.2023. Kể từ ngày 1.7.2023, Ngân hàng Nhà nước sẽ thông báo lãi suất cho vay trong thời gian ưu đãi theo định kỳ 6 tháng một lần, trên nguyên tắc thấp hơn từ 1,5-2%/năm so với lãi suất cho vay các khoản trung, dài hạn bình quân của 4 ngân hàng trên.
Theo anh Trần Văn Hùng công nhân tại huyện Tứ Kỳ làm việc tại TP Hải Dương: Hiện nay giá một căn nhà ở xã hội khoảng 1 tỷ đồng, người mua nhà được vay tối đa 80% trị giá, tức là 800 triệu đồng. Tính riêng tiền lãi 8,2%/năm như nêu trên, mỗi tháng người mua nhà sẽ phải trả gần 6 triệu đồng, chưa kể tiền gốc. Nói chung mỗi tháng người mua nhà ở xã hội vay theo gói 120.000 tỷ đồng sẽ phải trả trên dưới chục triệu đồng cả gốc cả lãi.
Tiền lương công nhân, người có thu nhập thấp trung bình mỗi tháng cũng chỉ khoảng chừng ấy hoặc ít hơn. Nếu cứ cố để mua một căn nhà ở xã hội thì lấy đâu ra tiền cho các khoản sinh hoạt thường ngày, chưa kể lúc ốm đau, sự cố...
Theo anh Hùng, với mức lãi suất thấp từ 8,2%/năm nói trên, sau đó sẽ có điều chỉnh. Và sau 5 năm ưu đãi, ngân hàng thương mại cho vay và khách hàng vay sẽ tự thỏa thuận, thống nhất mức lãi suất. Lúc ấy lãi suất có “trên trời” thì người mua nhà cũng phải chịu. Quá rủi ro, nhất là với nhóm người thu nhập thấp.
Theo ông Phạm Quốc Toàn – CTHĐQT Công ty CP BĐS Hoa Phượng cho biết: Trên thực tế gói hỗ trợ 2% lãi suất mới thấy, thực tế triển khai không như kỳ vọng. Chỉ còn vài tháng nữa là gói này hết thời gian thực hiện. Nên chăng tìm phương án chuyển nguồn gói này, nhập vào gói 120.000 tỷ đồng. Vừa có thêm nguồn lực hỗ trợ nhà ở xã hội, vừa có điều kiện giảm lãi suất cho người đi vay.
Lãi suất thấp hơn nữa, cố định, trong thời gian dài hơn 5 năm là điều người nghèo mong mỏi. Chương trình cho vay bằng nguồn tín dụng chính sách từ hệ thống ngân hàng chính sách xã hội thì lãi rất thấp, như hiện nay là 4,8%/năm, nhưng giới hạn khoản tiền được vay cũng thấp, chỉ tối đa 500 triệu đồng.
"Khi lãi suất được ưu đãi, thủ tục để người dân đủ điều kiện vay vốn cũng cần thông thoáng. Họ là người nghèo đi vay vốn, đừng bắt họ phải qua các “cửa ải” giống như người giàu đi vay vốn. Cơ quan chức năng cần tính toán, tránh để trục lợi chính sách, tuyệt đối không để xảy ra tình trạng “cò” thủ tục" - Ông Toàn bày tỏ.
Có thể bạn quan tâm