Lâm Đồng: Thúc đẩy cho vay tín dụng bất động sản
Thị trường bất động sản còn những khó khăn, vướng mắc, do đó UBND tỉnh Lâm Đồng yêu cầu các sở, ngành, địa phương đưa ra giải pháp, cắt gọn thủ tục hành chính để đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội.
>>Thị trường bất động sản “vượt đáy"
Từ đầu năm đến nay đã có 03 dự án nhà ở xã hội được chấp thuận chủ trương đầu tư trên địa bàn, có 01 dự án nhà ở xã hội cho công nhân, người lao động được khởi công. Tuy nhiên vẫn còn những khó khăn, vướng mắc liên quan đến các thủ tục về đầu tư xây dựng, công tác bồi thường giải phóng mặt bằng tạo quỹ đất sạch để kêu gọi đầu tư.
Đưa ra những giải pháp tích cực lúc này chính là để tiếp tục thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững, góp phần đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội.
Tỉnh Lâm Đồng đã có công văn số 9932/UBND - XD do Phó Chủ tịch UBND Võ Ngọc Hiệp ký yêu cầu các sở, ngành địa phương như Sở Xây dựng, Tài nguyên và Môi trường, Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam - Chi nhánh Lâm Đồng, UBND các huyện, thành phố Đà Lạt và Bảo Lộc có quyết tâm, trách nhiệm hơn nữa, chủ động giải pháp tháo gỡ và thúc đẩy thị trường bất động sản theo chỉ đạo của Chính phủ.
Tuỳ theo chức năng nhiệm vụ cần tập trung giải quyết theo nguyên tắc vướng mắc thuộc thẩm quyền của sở, ngành, địa phương nào thì sở, ngành, địa phương đó phải giải quyết. Không né tránh, đùn đẩy trách nhiệm, chậm trễ, nhũng nhiễu, làm ảnh hưởng đến tiến độ triển khai các dự án kinh doanh bất động sản, dự án nhà ở xã hội trên địa bàn.
Đặc biệt đối với ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh Lâm Đồng chỉ đạo các ngân hàng thương mại trên địa bàn tỉnh tiếp tục thúc đẩy việc cho vay tín dụng với lĩnh vực bất động sản. Có giải pháp phù hợp tiết giảm lãi suất, rà soát cắt giảm hơn nữa các thủ tục hành chính không phù hợp gây phiền hà, tốn kém để doanh nghiệp, dự án bất động sản và người mua nhà tiếp cận được nguồn vốn tín dụng thuận lợi hơn. Khuyến mại tín dụng đặc biệt dành cho các dự án bất động sản khả thi, tiến độ triển khai nhanh, tạo động lực cho tăng trưởng và thúc đẩy thị trường bất động sản.
>>Doanh nghiệp bất động sản đón "sóng" cuối năm
Theo nhìn nhận của một nhà quản lý bất động sản, hiện tại, các doanh nghiệp bất động sản vẫn cần được “bơm” vốn dài hạn. Tuy nhiên, có một thực tế là chính sách kiểm soát tín dụng của các ngân hàng rất chặt. Cộng thêm đó là các khoản nợ của doanh nghiệp bất động sản chưa được thanh toán dẫn đến việc tiếp cận được nguồn vốn từ ngân hàng cũng bị hạn chế.
Mới đây, tại Hội nghị kết nối ngân hàng – doanh nghiệp khu vực Tây Nguyên, ông Đào Minh Tú – Phó Thống đốc thường trực Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cũng cho hay “Ngành ngân hàng sẵn sàng triển khai các giải pháp, tháo gỡ khó khăn, đáp ứng vốn nhu cầu tín dụng phát triển kinh tế trên địa bàn Tây Nguyên.”
Tuy nhiên trên thực tế, các doanh nghiệp lĩnh vực bất động sản được tiếp cận vốn rất ít, hoặc đủ điều kiện để vay nhưng không biết vay để làm gì do lãi suất cao.
Do đó, giải pháp quyết liệt của UBND tỉnh Lâm Đồng cùng với tín hiệu tích cực trong điều hành của ngân hàng Nhà nước được cộng đồng doanh nghiệp hy vọng là liều thuốc đặc trị bệnh trầm lắng của thị trường bất động sản ở địa phương./.
Có thể bạn quan tâm
Doanh nghiệp bất động sản thổ cư và câu chuyện chuyển mình trong thời kỳ số hóa
16:13, 10/11/2023
Các dự án bất động sản tại TP.HCM được gỡ vướng ra sao?
05:00, 10/11/2023
Bất động sản phía Nam khởi sắc trở lại
15:25, 07/11/2023
Thị trường bất động sản “vượt đáy"
00:30, 05/11/2023
Du lịch phục hồi, tạo đà cho bất động sản nghỉ dưỡng biển khởi sắc
20:01, 04/11/2023