Hàng ngàn doanh nghiệp bất động sản giải thể
Theo số liệu từ Tổng cục Thống kê, 10 tháng năm nay, cả nước có 1.067 doanh nghiệp bất động sản giải thể, tăng 9,5% so với cùng kỳ.
>>Rà soát hàng ngàn "hộp ngủ" tại TP.HCM
Nghiên cứu của bộ phận BHS R&D về thực trạng ngành môi giới tại 2 thị trường lớn là Hà Nội và TP Hồ Chí Minh cho thấy, số lượng sàn giao dịch đóng cửa hoặc tạm dừng hoạt động lên đến gần 50%. Trong số 50% còn lại, có đến 30% là hoạt động cầm chừng do không trả lương cho nhân viên bán hàng hoặc khi bán được hàng mới có lương. Như vậy, chỉ 20% có hoạt động thực tế.
Theo báo cáo của Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam (VARS) gần đây, tính đến cuối tháng 8, có 1.721 doanh nghiệp bất động sản quay trở lại hoạt động, tăng 102% so với cùng kỳ năm 2022.
Trong 9 tháng năm 2023, số lượng doanh nghiệp thành lập mới trong lĩnh vực bất động sản gấp 3,5 lần số lượng doanh nghiệp bất động sản giải thế với 3.394 doanh nghiệp nhưng vẫn giảm tới 52,4% so với cùng kỳ năm 2022.
Tuy nhiên, mỗi tháng vẫn có khoảng 107 doanh nghiệp bất động sản rời khỏi thị trường. Riêng với các sàn giao dịch bất động sản, 20% sàn tiếp tục đối diện nguy cơ giải thể, phá sản; 40% sàn đang phải nỗ lực chống đỡ để duy trì, chỉ còn hoạt động với một vài nhân sự nòng cốt, phải cố gắng cầm cự, “sống bằng niềm tin” thị trường bất động sản sẽ khôi phục vào cuối năm 2023.
>>"Tay chơi" bất động sản Viva Land hiện ra sao?
TS. Nguyễn Văn Đính – Chủ tịch VARS cho rằng, Chính phủ cùng các cơ quan, bộ ngành đã rất quyết liệt trong việc khôi phục thị trường bất động sản thông qua các chính sách như Nghị quyết số 33/NQ-CP ngày 11/3/2023. Tuy nhiên, theo đánh giá của nhiều doanh nghiệp, các biện pháp hỗ trợ hiện vẫn chưa đủ mạnh mẽ để vực dậy thị trường. Do đó, để thị trường có thể có những chuyển biến rõ rệt hơn, cần thêm nhiều giải pháp cụ thể, chi tiết và mạnh mẽ hơn từ phía Chính phủ, các Bộ, ngành và hệ thống ngân hàng.
Theo nhận định của các chuyên gia kinh tế, trong 3 quý đầu năm nay, doanh nghiệp gặp rất nhiều khó khăn trong bối cảnh kinh tế vĩ mô suy giảm. Đáng chú ý, nhiều doanh nghiệp bị giảm mạnh doanh thu do không có đơn hàng, dòng tiền cạn kiệt, trong khi tiếp cận vốn vay rất khó khăn... Đặc biệt, rất nhiều doanh nghiệp trong ngành bất động sản và xây dựng lâm vào tình trạng suy kiệt do tồn kho hàng hóa tăng cao, dòng tiền cạn kiệt.
Trong bối cảnh đó, doanh nghiệp đồng thời phải đối mặt với nhiều áp lực, trong đó lớn nhất là áp lực về dòng tiền. Do đó, các chuyên gia khuyến nghị các chính sách trước mắt cần tập trung vào hỗ trợ dòng tiền thông qua việc hỗ trợ tiếp cận vốn, giảm lãi suất và nới lỏng điều kiện cho vay để doanh nghiệp có điều kiện tiếp cận dòng vốn tín dụng, từ đó khôi phục hoạt động kinh doanh.
Dự báo về tình hình thị trường bất động sản cuối năm nay và đầu năm 2024, VARS cho rằng, nếu không có các giải pháp quyết liệt và các biện pháp "cởi trói", "mở đường" cho các dự án đang vướng mắc, thị trường địa ốc có thể tiếp tục vẫn sẽ đối mặt với những khó khăn. Ngoài ra, khả năng "ra đi" của một số doanh nghiệp trong ngành bất động sản vẫn sẽ tiếp diễn do phải đối mặt với những thách thức kéo dài trong thời gian qua.
Có thể bạn quan tâm