Công nghệ mới thay đổi kinh doanh bất động sản như thế nào?
Sử dụng công nghệ đang và sẽ tiếp tục là xu hướng mới nổi bật trong thị trường bất động sản.
>>Tháo gỡ pháp lý để thị trường địa ốc sớm phục hồi
Những sản phẩm công nghệ sẽ tiếp tục giúp hoạt động kinh doanh bất động sản chuyển dịch theo xu hướng tích cực hơn với việc rút ngắn thời gian và chi phí giao dịch, tăng thanh khoản tài sản bất động sản thông qua việc thay đổi tư duy, cách thức hoạt động... của các đối tượng tham gia thị trường.
Ứng dụng công nghệ là xu hướng tất yếu
Giai đoạn kỷ nguyên số hóa với sự phát triển và hỗ trợ mạnh mẽ của các công nghệ mới đã và đang làm thay đổi đáng kể một loạt hoạt động của nền kinh tế. Trong đó, lĩnh vực bất động sản không nằm ngoài “vòng xoáy", ứng dụng công nghệ nhanh chóng trở thành xu hướng tất yếu của thị trường bất động sản (BĐS).
Đặc biệt, trong bối cảnh đại dịch Covid-19 đã và đang làm thay đổi hành vi của người tiêu dùng, đem đến nhiều thách thức cho các doanh nghiệp, trong đó có các doanh nghiệp bất động sản. Các doanh nghiệp BĐS muốn tồn tại và phát triển được trong tình hình mới buộc phải thay đổi, áp dụng và thích nghi với xu hướng công nghệ mới trong hoạt động sản xuất kinh doanh, để tạo ra giá trị tốt nhất cho chính doanh nghiệp và người mua, góp phần minh bạch hóa thị trường, hướng đến phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững. Những doanh nghiệp BĐS “đón đầu", nhanh chóng nắm bắt và có chiến lược chuyển đổi số phù hợp còn có thêm lợi thế cạnh tranh trong bối cảnh Việt Nam có rất nhiều lợi thế để phát triển công nghệ số trong lĩnh vực này.
Theo báo cáo về thị trường người dùng smartphone tại khu vực Đông Nam Á giai đoạn 2021 – 2026 của Insider Intelligence, trong năm 2022, lượng người dùng smartphone tại Việt Nam đạt khoảng 62,8 triệu người, tăng 3,6% so với năm trước và chiếm 96% lượng người dùng internet trên cả nước.
Số lượng dân số trẻ am hiểu công nghệ được dự báo sẽ tiếp tục xu hướng tăng lên cùng với sự gia nhập của tỷ lệ lớn dân số trẻ. Tỷ lệ sở hữu nhà ở những người trẻ từ 25 đến 34 tuổi cũng đang chiếm tỷ trọng ngày càng lớn hơn. Do đó, bán BĐS bằng công nghệ là xu hướng tất yếu.
Rút ngắn thời gian, chi phí giao dịch
Thực tế, từ năm 2020, các trải nghiệm mua nhà tại Việt Nam đã bắt đầu được số hóa. Ứng dụng công nghệ BĐS nhanh chóng trở thành một phần không thể thiếu của thị trường BĐS. Công nghệ mới giúp hoạt động kinh doanh BĐS chuyển dịch theo xu hướng tích cực hơn với việc rút ngắn thời gian và chi phí giao dịch, tăng thanh khoản tài sản bất động sản.
>>Doanh nghiệp bất động sản không nên trông chờ vào tín dụng ngân hàng
Cụ thể, các sản phẩm công nghệ cao chính là công cụ tối ưu nhất hỗ trợ doanh nghiệp BĐS tìm kiếm khách hàng, tìm kiếm bất động sản, quản lý kinh doanh bất động sản,... hỗ trợ tiện lợi, nhanh chóng trong giao dịch của doanh nghiệp. Big data cùng công nghệ học máy, trí tuệ nhân tạo được các doanh nghiệp BĐS dùng để quản lý dữ liệu về khách hàng, dự án, biến động giá,... hỗ trợ doanh nghiệp trong hoạt động bán hàng. Hệ sinh thái công nghệ do doanh nghiệp cung cấp còn giúp hoạt động tìm kiếm, chào mời khách hàng của lực lượng môi giới hiệu quả hơn, hỗ trợ lực lượng môi giới chăm sóc hậu mãi tốt hơn, giữ chữ tín cho cá nhân và doanh nghiệp.
Công nghệ thực tế ảo cho ngành bất động sản gần như chắc chắn sẽ chiếm phần lớn trong mảng đầu tư công nghệ của lĩnh vực này. Theo nghiên cứu của Goldman-Sachs, đến năm 2025 ước tính có khoảng 1,4 triệu nhà môi giới BĐS sẽ sử dụng công nghệ thực tế ảo VR – AR này.
Bên cạnh đó, các giải pháp hỗ trợ người dùng/khách hàng như công nghệ thực tế ảo (VR) hay thực tế ảo tăng cường (AR) giúp người mua không phải tốn quá nhiều chi phí vẫn có thể tiếp cận với sản phẩm bất động sản và có đánh giá sơ bộ. Thay vì phải đến tận nơi xem dự án, người mua có thể trải nghiệm hoàn chỉnh sản phẩm với không gian 3D chân thực. Ứng dụng công nghệ số còn giúp người mua có được danh sách một loạt các tài sản phù hợp với nhu cầu, hoạch định khoản vay hợp lý với khả năng tài chính, thậm chí là lịch sử thay đổi về giá để tính toán kỳ vọng lợi nhuận,... chỉ thông qua vài thao tác đơn giản.
Ngoài những công cụ công nghệ cao, trong bối cảnh công nghệ phát triển như hiện nay, mạng xã hội là một trong những nền tảng hỗ trợ bán BĐS, tiếp cận khách hàng đơn giản, là một cơ hội lớn để quảng bá bản thân, doanh nghiệp. Theo đó, thời gian gần đây, mạng xã hội Tiktok đang trở thành một kênh kinh doanh BĐS tiềm năng, không chỉ ở Việt Nam mà còn trên toàn thế giới. Thuật toán của Tiktok đề cử các video theo sở thích của người dùng giúp môi giới BĐS nhanh chóng tiếp cận với các đối tượng khách hàng tiềm năng tại thời điểm hiện tại và trong tương lai. Hàng nghìn giao dịch đã được kết nối thông qua ứng dụng này. Các giao dịch có nguồn gốc từ tài khoản TikTok thậm chí chiếm toàn bộ công việc kinh doanh của một số môi giới.
Theo Bloomberg, các livestream kéo dài 2 tiếng trên phiên bản Tiktok của Trung Quốc - Douyin, với nội dung giới thiệu và đánh giá về các tài sản giúp một môi giới bán được 10-16 căn hộ mỗi tháng tại Trung Quốc trong bối cảnh thị trường BĐS nước này đang đóng băng.
Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ năm đang nổi lên với trọng tâm là con người và máy móc làm việc cùng nhau. Tự động hóa và trao đổi dữ liệu trong công nghệ sản xuất đang là xu hướng trên toàn thế giới. Ngành BĐS cũng đã nhanh chóng nhập cuộc, áp dụng kỹ thuật công nghệ vào hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Tại Việt Nam, ứng dụng công nghệ trong lĩnh vực BĐS đã được các doanh nghiệp khởi xướng và tạo nền tảng với sự tham gia tích cực của các nhà môi giới cá nhân. Nhiều ứng dụng chuyên biệt cho lĩnh vực BĐS cũng đã ra đời, hỗ trợ tích cực cho công việc của nhà môi giới, các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ và phát triển BĐS. Đây là thời điểm quan trọng để các nhà môi giới tham gia và giành lợi thế phát triển về lâu dài.
Để không nằm ngoài ‘cuộc chơi", nhà môi giới cần lựa chọn cho mình một nền tảng để khẳng định bản thân và tạo dựng, quảng bá thương hiệu cá nhân, tận dụng triệt để sức mạnh của công nghệ để nâng cao hiệu quả và năng suất làm việc.
Có thể bạn quan tâm
Công nghệ - “bệ đỡ” cho nhiều mô hình đào tạo mới
00:56, 26/11/2023
Yên Bái ứng dụng công nghệ nâng cao giá trị nông sản
15:08, 25/11/2023
Chuyển đổi số thúc đẩy tăng trưởng của ngành Công nghệ và Viễn thông
03:30, 25/11/2023
Khu Công nghệ cao Hòa Lạc: Nền tảng cho phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô Hà Nội
01:37, 25/11/2023