Vụ án “sản xuất, buôn bán sách giả”: Vì sao VKS tiếp tục trả hồ sơ để điều tra bổ sung?
Viện KSND tối cao vừa ra quyết định trả hồ sơ yêu cầu điều tra bổ sung vụ án hình sự “sản xuất, buôn bán hàng giả; lợi dụng chức vụ trong khi thi hành công vụ; môi giới hối lộ, nhận hối lộ”.
>>Sản xuất, buôn bán hơn 3,2 triệu cuốn sách giáo khoa giả 7 đối tượng trả giá
Vì sao VKS trả hồ sơ…?
Theo đó, mới đây VKSND tối cao vừa ra quyết định trả hồ sơ yêu cầu điều tra bổ sung vụ án hình sự “sản xuất, buôn bán hàng giả; lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ; môi giới hối lộ và nhận hối lộ”, xảy ra tại Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại Phú Hưng Phát, Công ty CP In và Văn hóa truyền thông Hà Nội, Tổng cục Quản lý thị trường (QLTT), Cục QLTT TP.Hà Nội và các đơn vị liên quan.
Đáng chú ý, đây là lần thứ 2, Viện KSND tối cao trả hồ sơ yêu cầu điều tra bổ sung vụ án, trong đó có nội dung “tiếp tục làm rõ hành vi nhận hối lộ 300 triệu đồng của ông Trần Hùng, Chuyên viên chính Tổng cục QLTT, nguyên Tổ trưởng Tổ 304, bị đề nghị truy tố tội "nhận hối lộ". Bị can Nguyễn Duy Hải (lao động tự do) bị đề nghị truy tố tội "môi giới hối lộ".
Đặc biệt, trước đó, đầu tháng 1/2022, Viện KSND tối cao cũng đã có văn bản trả lại hồ sơ vụ án này để yêu cầu điều tra bổ sung.
Trong bản Kết luận điều tra ban hành tháng 4/2022 (lần 2), Cơ quan Cảnh sát điều tra (C03) Bộ Công an đề nghị truy tố 34 bị can. Trong đó, bị can Cao Thị Minh Thuận, Giám đốc Công ty Phú Hưng Phát cùng 28 đồng phạm bị đề nghị truy tố tội sản xuất, buôn bán hàng giả.
Bị can Trần Hùng, Chuyên viên chính Tổng cục QLTT, nguyên Tổ trưởng Tổ 304, bị đề nghị truy tố tội "Nhận hối lộ". Bị can Nguyễn Duy Hải (lao động tự do) bị đề nghị truy tố tội môi giới hối lộ; 3 cựu cán bộ thuộc Đội QLTT số 17, Cục QLTT TP.Hà Nội bị đề nghị truy tố về tội lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ, gồm: Lê Việt Phương, nguyên Phó đội trưởng; Phạm Ngọc Hải và Thành Thị Đông Phương, cùng nguyên kiểm soát viên.
Trong vụ án này, bị can Trần Hùng bị khởi tố, bắt tạm giam về tội "Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ" nhưng sau đó C03 chuyển tội danh bị can này sang tội "Nhận hối lộ".
Theo kết luận điều tra, năm 2021, Cao Thị Minh Thuận cùng đồng phạm đặt in, nhập kho hơn 9,3 triệu quyển sách giáo khoa (SGK) giả các loại liên quan Nhà xuất bản Giáo dục. Nhóm này đã tiêu thụ hơn 6,3 triệu quyển; còn 3 triệu quyển chưa kịp bán thì bị cảnh sát thu giữ.
Quá trình điều tra xác định vào tháng 7/2020, Cao Minh Thuận đã bị Đội QLTT số 17 phối hợp Tổ 304 nơi bị can Trần Hùng làm Tổ trưởng kiểm tra và thu giữ hơn 27.000 quyển SGK nhưng sau đó không khởi tố hình sự mà xử phạt hành chính. Đây cũng là diễn biến khiến C03 phát hiện hành vi nhận hối lộ và môi giới hối lộ.
Theo kết luận điều tra, ông Trần Hùng là Tổ trưởng Tổ công tác 304, có thẩm quyền chỉ đạo các Cục nghiệp vụ Bộ Công thương và các Cục QLTT triển khai các hoạt động kiểm tra, xử lý vi phạm hành chính và các biện pháp nghiệp vụ của lực lượng QLTT khi được Tổng cục trưởng Tổng cục QLTT phân công. Tuy nhiên với vụ việc phát hiện sách giả tại Công ty Phú Hưng Phát do Cao Thị Minh Thuận làm giám đốc, Trần Hùng đã không báo cáo với Tổng cục trưởng Tổng cục QLTT mà trực tiếp chỉ đạo Cục QLTT Hà Nội và Đội QLTT số 17 kiểm tra, xử lý vụ việc.
Kết quả điều tra xác định “có đủ cơ sở xác định Trần Hùng đã giúp Cao Thị Minh Thuận xử lý nhẹ vụ việc liên quan đến Công ty Cao Minh Phát; chỉ đạo cán bộ QLTT số 17 giúp đỡ Thuận để xử lý vụ việc theo hướng phạt hành chính. Bị can Trần Hùng còn bị cáo buộc đã hướng dẫn Cao Thị Minh Thuận thay đổi lời trình bày về nguồn gốc sách giả bị thu giữ từ mua sang “nhận ký gửi”, đồng thời nhận số tiền 300 triệu đồng của Thuận thông qua Nguyễn Duy Hải để giúp đỡ Thuận”?
Cũng theo kết luận điều tra, hành của bị can Trần Hùng đã xâm phạm hoạt động đúng đắn của lực lượng QLTT. Ngoài ra, việc xử lý không đúng mức hành vi buôn bán hàng giả đã khiến Cao Thị Minh Thuận sau đó tiếp tục thực hiện các hành vi sản xuất, buôn bán SGK giả với số lượng lớn và bị lực lượng chức năng bắt giữ. Kết luận điều tra xác định chỉ tính riêng năm 2021, Cao Thị Minh Thuận đã sản xuất, buôn bán số lượng SGK giả khoảng 140 tỉ đồng (theo giá bìa).
Về phía bị can Nguyễn Duy Hải (người đưa hối lộ), là lao động tự do nhưng có nhiều thông tin liên quan đến hoạt động in ấn sách giả. Khi có thông tin, Hải trao đổi với các nhà xuất bản và ông Trần Hùng.
Trong vụ việc SGK giả bị phát hiện vào tháng 7/2020, Cao Thị Minh Thuận đã nhờ Nguyễn Duy Hải liên hệ với Trần Hùng để "chỉ đạo xử lý nhẹ" vụ việc của mình với giá 400 triệu đồng gồm 300 triệu đưa trước và 100 triệu sau khi xong việc.
Ngày 15/7/2020, Hải cầm 300 triệu đồng đựng trong túi nilon màu đen đưa cho Trần Hùng tại phòng làm việc ở Tổng cục QLTT. Cơ quan điều tra đánh giá bị can Nguyễn Duy Hải khai báo thành khẩn, tích cực hợp tác. Lời khai của Hải phù hợp với chứng cứ, tài liệu có trong vụ án.
>>Vì sao cán bộ lực lượng phòng, chống sách giả bị bắt vì sách giả?
… và vì sao bị can Trần Hùng không nhận tội?
Điều đáng nói, trong vụ án này, cơ quan điều tra cho rằng căn cứ vào tài liệu, chứng cứ thu thập được và lời khai các bị can, có đủ căn cứ xác định bị can Trần Hùng có hành vi nhận hối lộ. Tuy nhiên, “trong quá trình điều tra, bị can Trần Hùng không hợp tác, khai báo quanh co, không thành khẩn, không thừa nhận hành vi phạm tội của mình”, và đây được coi là tình tiết tăng nặng.
Về các tình tiết nhận hối lộ trong hồ sơ vụ án thể hiện, bị can Trần Hùng thừa nhận việc Cao Thị Minh Thuận có gọi điện nhờ vả; thừa nhận gặp Nguyễn Duy Hải tại phòng làm việc của Hùng tại Tổng cục QLTT và có việc Hải đặt vấn đề biếu tổ công tác 300 triệu đồng, song Hùng “không đồng ý nhận tiền và có nhân chứng biết việc này”.
Cụ thể, theo lời khai của ông Kiều Nghiệp - Trưởng phòng Nghiệp vụ thuộc Tổng cục QLTT, khai tại phòng làm việc của Trần Hùng, bị can Nguyễn Duy Hải lấy ra một túi nilon màu đen và nói chị Thuận gửi biếu tổ 400 triệu, đưa trước 300 triệu. Tuy nhiên, bị can Trần Hùng đáp “mày cầm về không lại dính tội môi giới hối lộ”.
Ông Nghiệp sau đó đã cùng Hải đi ăn trưa bên ngoài nhưng khi vừa ra đến hành lang thì Trần Hùng gọi quay lại, nói “Bảo nó cầm cái túi này đi”. Do đó, ông Nghiệp yêu cầu Hải cầm về, nói “Ông cầm đi ngay, làm thế sếp cáu lên rồi đấy”. Khi đi ăn trưa xong, ông Nghiệp vẫn thấy Hải cầm túi nilon đen đi vào Tổng cục QLTT nhưng không rõ diễn biến về sau.
Trong khi đó, lời khai của Nguyễn Duy Hải thể hiện vào sáng 15/7/2020, Hải mang theo 300 triệu đồng đựng trong túi nilon màu đen vào phòng ông Trần Hùng ở tầng 3 trụ sở Tổng cục QLTT. Lúc này có ông Kiều Nghiệp và một người khác đang ngồi đó. Hải đặt vấn đề đưa tiền nhưng Trần Hùng không nhận và nói cất đi.
Sau đó, ông Kiều Nghiệp cùng Hải đi ăn cơm trưa. Lúc đi ăn Hải vẫn mang theo số tiền này. Sau khi ăn xong, Hải một mình mang tiền lên phòng làm việc của Trần Hùng ở tầng 3 trụ sở của Tổng cục QLTT. Số tiền sau đó đã được Hải để ở ghế ngồi uống nước phòng làm việc của ông Trần Hùng. Khi để lại tiền, Hải có nói rõ và được ông Trần Hùng đáp: “Có gì alo anh”.
Bị can Nguyễn Duy Hải cũng khai số tiền thoả thuận ban đầu là 400 triệu đồng nhưng sau khi vụ việc bị xử lý hành chính, Cao Thị Minh Thuận không đưa thêm 100 triệu đồng do đã chịu nhiều chi phí nên Hải không tiếp tục đưa tiền cho Trần Hùng như đã hứa.
Điều đáng nói, mặc dù vụ việc được Cơ quan Cảnh sát điều tra - Bộ Công an đã ra quyết định thay đổi quyết định khởi tố ông Trần Hùng (nguyên kiểm soát viên chính, nguyên Tổ trưởng Tổ 1444 thuộc Tổng cục Quản lý thị trường, Bộ Công Thương) từ tội "Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ" sang tội "Nhận hối lộ" từ ngày 19/11/2021. Thế nhưng, vụ án vẫn chưa thể khép lại do một số vì một số tình tiết chưa được làm rõ nên VKSND tối cao tiếp tục trả hồ sơ (lần 2) để điều tra bổ sung.
Còn theo giới luật gia phân tích và nhận định về vụ việc thì cho rằng, những căn cứ buộc tội của cơ quan điều tra trong vụ việc này, trong đó có bị can Trần Hùng về hành vi nhận hối lộ là chưa đủ sức thuyết phục. Bởi, nếu Cơ quan CSĐT chỉ sử dụng lời khai duy nhất của bị can Nguyễn Duy Hải, vì cho rằng ông Trần Hùng đã nhận tiền hối lộ từ Hải, trong khi trước đó các nhân chứng khẳng định Hải đã mang tiền đi và không biết về sau như thế nào nhưng lại ghép tội cho ông Trần Hùng là có yếu tố chủ quan.
Căn cứ khoản 2 Điều 98 BLTTHS năm 2015, thì “lời nhận tội của bị can, bị cáo chỉ có thể được coi là chứng cứ, nếu phù hợp với các chứng cứ khác của vụ án. Không được dùng lời nhận tội của bị can, bị cáo làm chứng cứ duy nhất để kết tội”.
Do đó, theo các luật gia, vụ việc này còn nhiều vấn đề cần phải làm rõ để không bỏ lọt tội phạm, nhưng cũng không kết án oan cho người vô tội, tuân thủ đúng quy định của pháp luật.
Bài tiếp: Cần làm rõ những “mảng xám” để kết thúc vụ án?
Có thể bạn quan tâm
Sản xuất, buôn bán hơn 3,2 triệu cuốn sách giáo khoa giả 7 đối tượng trả giá
16:09, 25/06/2021
Nhiều đại biểu chất vấn Bộ trưởng GD&ĐT về "sạn" trong sách giáo khoa
11:00, 11/11/2021
Bài học xương máu từ sự cố xã hội hóa sách giáo khoa
14:30, 29/03/2021
Chờ một bộ Sách giáo khoa “sạch”
04:00, 24/12/2020
Chuyện sách giáo khoa lớp 1: Sao cứ mãi "nhặt sạn”?
05:25, 19/11/2020
Ông Nguyễn Ngọc Phương - ĐBQH tỉnh Quảng Bình: Góp ý sách giáo khoa phải mang quan điểm xây dựng
09:47, 04/11/2020