Các chuyên gia "hiến kế" con đường thoát khỏi COVID-19: Bài học từ Úc và Việt Nam

MINH CHÂU 28/07/2021 11:03

Thảo luận tại Hội thảo trực tuyến cho thấy, cho tới khi đạt được tỷ lệ tiêm chủng tối ưu, các quốc gia cần giãn cách xã hội để làm giảm độ cao của đỉnh dịch, và không làm quá tải hệ thống y tế.

Hội thảo trực tuyến “Con đường thoát khỏi COVID-19: Bài học từ Úc và Việt Nam” diễn ra mới đây, các chuyên gia quốc tế đã thảo luận xoay quanh các vấn đề nổi cộm về dịch COVID -19 hiện nay, bao gồm tác động của biến thể Delta tới những nỗ lực chống dịch COVID-19 trên thế giới, cụ thể tại Úc và Việt Nam.

Biến thể Delta cho thấy các nỗ lực phòng chống dịch trước đây đã không đạt được hiệu quả như mong muốn. Số ca nhiễm SARS-CoV-2 được phát hiện tại Việt Nam đang tăng nhanh, bên cạnh đó, vẫn còn một số lượng ca bệnh chưa được xét nghiệm và phát hiện. Qua thống kê, nhóm dân số trẻ từ 20-40 tuổi là nhóm nhiễm COVID-19 cao nhất ở Việt Nam, nhưng tỷ lệ tử vong lại chủ yếu ở nhóm trên 50 tuổi. Giãn cách xã hội và phong tỏa hẹp được coi là biện pháp kiểm soát dịch tối ưu trong các đợt dịch trước đây, nay chưa đạt được hiệu quả như mong muốn do ảnh hưởng rất lớn của các biện pháp này lên đời sống kinh tế, xã hội của người dân, đặc biệt là nhóm dân cư thu thập thấp và lao động nhập cư.

Hiện nay, chiến lược vaccine có vai trò vô cùng quan trọng trong việc kiểm soát đại dịch tại các quốc gia. Chính phủ Việt Nam đã, đang làm việc cùng các hãng sản xuất vaccine và hiện đã có cam kết có khoảng 150 triệu liều tới cuối năm 2021. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là chúng ta không thể biết chính xác khi nào thì Việt Nam nhận được đủ số vaccine này. Cùng với đó, Bộ Y tế cũng đưa ra quy định về các nhóm ưu tiên được tiêm vaccine. Vaccine của Việt Nam hiện vẫn đang trong quá trình thử nghiệm.

Qua thống kê, nhóm dân số trẻ từ 20-40 tuổi là nhóm nhiễm COVID-19 cao nhất ở Việt Nam, nhưng tỷ lệ tử vong lại chủ yếu ở nhóm trên 50 tuổi.

Qua thống kê, nhóm dân số trẻ từ 20-40 tuổi là nhóm nhiễm COVID-19 cao nhất ở Việt Nam, nhưng tỷ lệ tử vong lại chủ yếu ở nhóm trên 50 tuổi.

Ngoài ra, với số lượng 10 triệu liều vaccine hiện có đã được phân bổ cho các tỉnh, tốc độ tiêm chủng ở Việt Nam vẫn chậm hơn so với tốc độ lây lan của vi rút. Tỷ lệ người dân được tiêm chủng hiện còn rất thấp so với các quốc gia khác. Vaccine chủ yếu mà Việt Nam hiện có là AstraZeneca, cùng một số lượng nhỏ Pfizer và Moderna, cũng như một số các loại khác (Sputnik V, Sinopharm…).

Bài trình bày của Phó Giáo sư Ben Marais (đồng giám đốc Viện Nghiên cứu Marie Bashir, Phó Giáo sư về Nhi khoa, Viện Westmead thuộc trường Đại học Sydney) về thực trạng ở Úc không cho thấy tình hình khả quan hơn, khi mà cả Sydney và Melburne đều đang bị phong tỏa do COVID-19. Trong đó biến thể Delta tiếp tục là nguyên nhân chính, với cảnh báo rằng các biến thể khác cũng sẽ dần xuất hiện. Một chiến lược xóa sạch COVID-19 có vẻ chỉ khả thi trong một giai đoạn ngắn, vì chính sách phong tỏa khó có thể kéo dài mãi mãi. Vaccine hiện là giải pháp hữu hiệu nhất, tuy nhiên, trong bối cảnh hiện tại, để đảm bảo an toàn cao nhất cho người dân trong giai đoạn chờ đợi, các biện pháp giãn cách xã hội vẫn cần được triển khai.

Giáo sư Kristen Macartney, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Tiêm chủng Quốc gia, Úc đưa ra thông điệp cụ thể về vấn đề cung ứng vaccine, đặc biệt là ở Úc. Vaccine có hiệu quả trong việc giảm tình trạng bệnh nặng và tử vong do COVID-19, do đó vẫn là giải pháp tốt nhất hiện nay để thế giới thoát khỏi những tác động của COVID-19. So với một năm trước khi các thử nghiệm lâm sàng pha 3 mới bắt đầu triển khai, đến nay đã có nhiều loại vaccine COVID-19 được phê duyệt. Tuy nhiên tốc độ sản xuất và cung ứng chưa đáp ứng được nhu cầu toàn cầu.

Bên cạnh đó, sự bất bình đẳng giữa các quốc gia trong việc tiếp cận vaccine sẽ khiến con đường thoát khỏi COVID-19 gặp rất nhiều khó khăn. Vi rút sẽ tiếp tục đột biến và sinh ra các biến thể mới nếu nó có cơ hội lây lan với tốc độ nhanh. Giáo sư Kristen Macartney đưa ra thông điệp rằng vaccine cần được phân bổ công bằng. Kể cả khi đã có vaccine, các quốc gia cần có kế hoạch sử dụng một cách công bằng và hiệu quả để bảo vệ quần thể dễ bị bệnh nặng khi nhiễm SARS-CoV 2. Chúng ta cần tiếp tục đưa ra thông điệp thúc đẩy người dân chấp thuận vaccine để tạo miễn dịch cộng đồng. Sự hỗ trợ và học hỏi kinh nghiệm từ các quốc gia rất quan trọng để chúng ta có thể đạt được mục đích sớm nhất.

Ông Michael Wiseman chia sẻ thêm rằng hiện nay, Úc có chương trình hỗ trợ kỹ thuật triển khai chương trình vaccine cho các nước trong khu vực, bao gồm việc mua sắm, ra quyết định về về kiểm soát thị trường với các vaccine hiện có, hỗ trợ sản xuất để đáp ứng yêu cầu và giám sát an toàn vaccine.

Bài trình bày của Tiến sĩ James Trauer Đại học Monash chia sẻ mô hình đánh giá dịch tại Philipines, Malaysia cho thấy việc lơ là các biện pháp phòng dịch dẫn đến những hệ quả vô cùng nghiêm trọng. Ví dụ, tại Malaysia, các phòng cấp cứu hồi sức đã kín chỗ, dẫn đến số bệnh nhân tử vong gia tăng nhanh trong một thời gian ngắn. Mặc dù vaccine là giải pháp rất quan trọng, Tiến sỹ Trauer nhấn mạnh để không làm quá tải hệ thống y tế, các quốc gia cần giãn cách xã hội cho đến khi qua đỉnh dịch.

Sau các bài trình bày, các diễn giả đã nhận được nhiều câu hỏi khác nhau từ người tham dự. Một trong các câu hỏi quan trọng là vai trò của xét nghiệm rộng trong việc truy vết COVID-19. Phó Giáo sư Ben Marais cho rằng đây vẫn là một giải pháp rất quan trọng để đánh giá tình hình dịch. Tuy nhiên, với biến thể Delta lây lan nhanh và khi dịch lây lan trong cộng đồng, chỉ xét nghiệm và truy vết không còn là chìa khóa cơ bản để khống chế dịch mà cần giám sát dựa trên các chỉ số đo lường cho quần thể.

Hội thảo trực tuyến “Con đường thoát khỏi COVID-19: Bài học từ Úc và Việt Nam” đã thảo luận về các giải pháp để phòng chống dịch hiệu quả trong khi chờ đợi vaccine.

Hội thảo trực tuyến “Con đường thoát khỏi COVID-19: Bài học từ Úc và Việt Nam” đã thảo luận về các giải pháp để phòng chống dịch hiệu quả trong khi chờ đợi vaccine.

Với câu hỏi về việc làm thế nào để chúng ta có thể công bằng trong việc tiếp cận vaccine, Giáo sư Macartney đánh giá đó là một chiến lược lớn, và khó có thể thực hiện nhanh chóng trên toàn cầu. Chính vì thế, chúng ta nên dành vaccine cho nhóm người dân dễ bị ảnh hưởng nhất bởi COVID-19, trong đó ưu tiên tiêm cho người già và người có bệnh nền.

Hiện nay, để gia tăng sự bình đẳng trong tiếp cận vaccine, Úc đang nỗ lực xây dựng các chương trình hỗ trợ các quốc gia đang phát triển, trong đó có Việt Nam. Các chuyên gia của Úc đang hỗ trợ cung cấp vaccine, tăng cường tiếp cận, đánh giá và kiểm soát độ an toàn của vaccine .

Từ các ý kiến thảo luận, chuyên gia thảo luận đã đưa ra các kết luận quan trọng như sau: Biến thể Delta có khả năng lây nhiễm cao khiến cho các nỗ lực kiểm soát dịch trở nên rất khó khăn. Số liệu báo cáo ca bệnh và tử vong có thể chưa phản ánh đầy đủ quy mô của vụ dịch lần này. SARS-CoV-2 sẽ tiếp tục lây lan cho đến khi quần thể đạt được miễn dịch cộng đồng thông qua tiêm chủng hoặc nhiễm vi rút tự nhiên.

Vaccine có vai trò vô cùng quan trọng trong việc kiểm soát đại dịch. Dù lượng vaccine có được là bao nhiêu cũng cần được phân phối và sử dụng một cách công bằng và hiệu quả, ưu tiên bảo vệ quần thể dễ bị bệnh nặng khi nhiễm SARS-CoV-2 (người cao tuổi, người có bệnh nền) và mục tiêu xa hơn là để tạo miễn dịch cộng đồng.

Cũng theo các chuyên gia, cho tới khi đạt được tỷ lệ tiêm chủng tối ưu, các quốc gia cần triển khai giãn cách xã hội để làm giảm độ cao của đỉnh dịch, và không làm quá tải hệ thống y tế.

Các chiến lược can thiệp cần dựa vào bằng chứng và có sự tham gia của các chuyên gia đa ngành.

Cần có sự hợp tác toàn cầu trong nỗ lực phân phối và triển khai chương trình tiêm chủng để ngăn chặn sự xuất hiện của các biến thể mới. Chính phủ Úc có chương trình hỗ trợ kỹ thuật để triển khai tiêm chủng, mua sắm và sản xuất vaccine cho các quốc gia trong khu vực Tây Thái Bình Dương.

Có thể bạn quan tâm

  • TIN NÓNG CHÍNH PHỦ: Cần có đủ và nhanh nhất vaccine phòng bệnh COVID-19

    21:15, 26/07/2021

  • Hơn 12 triệu liều vaccine COVID-19 sẽ được chuyển tới các vùng dịch trong tháng 7

    03:30, 26/07/2021

  • Chiến dịch tiêm vaccine COVID-19 lớn nhất lịch sử có khả thi?

    06:00, 23/07/2021

  • 1,5 triệu liều vaccine COVID-19 Moderna đã về đến sân bay Nội Bài

    20:01, 25/07/2021

  • Đề xuất cấp phép khẩn cấp vaccine COVID-19 "made in VietNam" đầu tiên

    01:00, 23/07/2021

  • Bất bình đẳng vaccine khoét sâu nhiều hệ lụy

    08:30, 22/07/2021

  • Đề nghị Chính phủ kiểm soát, minh bạch trong tiếp cận vaccine

    10:42, 22/07/2021

MINH CHÂU