Hà Nội chưa tiêm vaccine phòng Covid-19 cho nhóm trên 65 tuổi, chuyên gia nói gì?
Vì sao TP Hồ Chí Minh và Đà Nẵng ưu tiên tiêm vaccine phòng Covid-19 cho người trên 65 tuổi mà Hà Nội lại không tiêm cho nhóm đối tượng này?
Ông Khổng Minh Tuấn, Phó giám đốc Trung tâm kiểm soát bệnh tật (CDC) TP Hà Nội khẳng định: Không phải Hà Nội là không tiêm cho nhóm này mà hiện nay, TP đang triển khai tiêm vét cho những lực lượng tuyến đầu.
Theo đó, Phó giám đốc Trung tâm kiểm soát bệnh tật Hà Nội, ngay thời điểm này chưa tiêm cho nhóm đối tượng trên 65 tuổi bởi vì hiện nay các lực lượng khác đang tham gia chống dịch, tuyến đầu (thuộc nhóm ưu tiên theo Nghị quyết số 21 của Chính phủ) Hà Nội vẫn chưa tiêm hết.
Họ là nhóm đối tượng thường xuyên phải giao lưu với người dân cho nên phải tiêm xong nhóm đối tượng này mới đến các cụ từ 65 tuổi trở lên, chứ không phải Hà Nội không tiêm cho người từ 65 tuổi trở lên.
Ông Khổng Minh Tuấn cho biết, những người trên 65 tuổi thường là cán bộ đã nghỉ hưu hoặc người dân cao tuổi, giao lưu rất ít chủ yếu ở nhà nên nguy cơ lây nhiễm bệnh rất thấp. Do đó Hà Nội tiêm hết cho nhóm nguy cơ cao trước rồi mới chuyển đến nhóm này.
“Đối với nhóm đối tượng trên 65 tuổi sẽ triển khai tiêm tại bệnh viện, có thể tháng sau hoặc tháng sau nữa sẽ tiêm ngay chứ không phải không tiêm. Gọi theo thứ tự ưu tiên, vừa căn cứ đối tượng chính sách nhưng cũng vừa căn cứ vào những đối tượng có nguy cơ”, ông Tuấn nhấn mạnh.
Trước đó, khi trả lời câu hỏi của báo chí “có phải để đảm bảo an toàn thành phố đã không đưa nhóm đối tượng trên 65 tuổi, người có bệnh mãn tính vào danh sách tiêm chủng đợt này”, Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Trần Thị Nhị Hà cho biết: "Người trên 65 tuổi vẫn nên đăng ký tiêm chủng. Căn cứ vào tình hình sức khỏe của những người trên 65 tuổi sẽ quyết định việc họ được tiêm hay không. Nếu người trên 65 tuổi sau khi được khám lâm sàng mà sức khỏe của họ hoàn toàn bình thường thì có thể chỉ định tiêm ở bệnh viện."
Liên quan đến vấn đề tiêm vaccine phòng Covid-19 cho người trên 65 tuổi, PGS-TS. Nguyễn Huy Nga, Viện trưởng Viện Khoa học Sức khỏe Quang Trung, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng-Bộ Y tế bày tỏ: "Những người cao tuổi nói chung thường có những tình trạng sức khoẻ phức tạp, đòi hỏi phải chăm sóc y tế nhiều hơn những người trẻ tuổi. Tỷ lệ nhập viện ở những người lớn tuổi cao hơn và sử dụng các nguồn lực y tế cao gấp nhiều lần những người trẻ tuổi và do đó họ sẽ làm quá tải bệnh viện nhiều hơn. Do sức đề kháng kém hơn nên họ là đối tượng dễ tấn công của virus SARS-CoV-2, dễ tiến triển nặng và dễ tử vong hơn."
Theo đó, PGS.TS Nguyễn Huy Nga nhấn mạnh: "Việc ưu tiên tiêm vaccine phòng Covid-19 cho người cao tuổi là hợp lý cả về mặt khoa học sức khoẻ lẫn đạo đức xã hội. Theo thống kê chung của thế giới thì tỷ lệ tử vong chung Covid-19 là 1%-2%, tức là cứ 100 người mắc bệnh thì có 1-2 người chết. Nhưng đối với lứa tuổi từ 65-80 là 1/14, tức là cứ 14 người bị bệnh thì có 1 người chết; còn lứa tuổi trên 80 là 1/3, tức là cứ 3 người bệnh thì một người chết".
Tại Australia, gần một nửa số ca bệnh nặng cần chăm sóc đặc biệt và hơn 90% ca tử vong là người cao tuổi. Tình hình tại các nước Đông Nam Á, tại Việt Nam cũng tương tự.
Thực tế gần đây đã cho thấy khi dịch Covid-19 bùng phát tại các khu công nghiệp Bắc Giang, nơi có hàng ngàn F0 là người trẻ, khoẻ nhiễm virus thì tỷ lệ tử vong hầu như bằng không, trong khi đó dịch bùng phát tại cộng đồng ở TP Hồ Chí Minh, nơi có nhiều người cao tuổi chưa tiêm vắc-xin thì số người chết tăng lên nhiều lần.
Khi chúng ta tiêm vaccine phòng Covid-19 cho đối tượng cao tuổi thì chúng ta đã chủ động làm giảm tỷ lệ người lớn tuổi nhập viện. Do đó sẽ có nhiều nguồn lực, nhân lực hơn để tập trung vào các mục tiêu cứu chữa khác trong bệnh viện. Nếu chúng ta không ưu tiên tiêm chủng cho người cao tuổi thì ngược lại, các trường hợp nhiễm bệnh nặng phải nhập viện càng nhiều, các bệnh viện sẽ quá tải, thiếu ô xy, thiếu máy thở, thiếu nhân lực và ngành y tế sẽ rơi vào vòng xoáy khủng hoảng trầm trọng như một số nơi.
Mặt khác, khi đã tiêm vaccine thì dẫu có nhiễm virus thì tình trạng bệnh của người cao tuổi sẽ nhẹ hơn và thậm chí tự chữa tại nhà, không cần vào bệnh viện nếu có đủ điều kiện chăm sóc y tế. Thêm vào đó khi người cao tuổi được tiêm đầy đủ vắc-xin thi họ tự tin hơn khi đến bệnh viện khám và chữa trị các bệnh nền như tim mạch, ung thư, tiểu đường và cơ hội sống sót của họ cao hơn.
Đối với công tác phòng chống dịch việc tiêm vaccine cho người cao tuổi cũng có ý nghĩa quan trọng trong bảo vệ sức khoẻ cộng đồng. Khi họ được tiêm chủng thì cộng đồng nơi họ sống sẽ an toàn hơn. Nếu tỷ lệ tiêm chủng cao thì sự lây truyền giảm đi, khả năng miễn dịch cộng đồng tăng lên và mắt xích phòng lây nhiễm yếu nhất là những người cao tuổi được khắc phục.
Về mặt an toàn thì thực tế tiêm chủng trên thế giới đã chứng minh là những vắc-xin đã được cấp phép hiện nay rất an toàn với người cao tuổi. Các loại vaccine như Pfizer, Moderna trước khi được cấp phép sử dụng đã được thử nghiệm trên hàng vạn người cao tuổi tình nguyện, đủ các sắc tộc trên thế giới. Ở Australia, người ta còn ưu tiên vaccine AstraZeneca cho người cao tuổi vì họ cho rằng tiêm ở người cao tuổi an toàn hơn, ít phản ứng phụ hơn nhiều so với tiêm cho người dưới 65 tuổi."
Trong một bài viết được GS.TS.BS Nguyễn Văn Tuấn - Giáo sư Y khoa của Đại học New South Wales, Giáo sư của Đại học Công nghệ Sydney, Viện sĩ Viện Hàn lâm Y học Australia chia sẻ về những đối tượng nên được ưu tiên tiêm vaccine, những người cao tuổi (65 tuổi trở lên) cũng được ông xếp loại đối tượng ưu tiên.
"Việt Nam có một danh sách ưu tiên, nhưng tôi nghĩ cần phải xem lại danh sách này vì nó không phản ảnh đúng tình hình dịch bệnh, và cái note này có thể xem như là một ý kiến về khung giá trị và nhóm cần được ưu tiên. Theo qui định về 16 ‘đối tượng’ được ưu tiên tiêm vaccine, nhân viên y tế (kể cả người tham gia chống dịch), kế đến là quân đội và công an, cán bộ ngoại giao, hải quan, giáo viên, v.v. Đa số là công nhân viên, còn dân thì đứng hạng thứ 9 trở đi. Tôi không hiểu sao nhân viên ngoại giao được ưu tiên hơn người dân trên 65 tuổi.
Dựa trên kinh nghiệm ở nước ngoài, đa số các ca nhiễm là cao tuổi, và những người này cũng thường có những bệnh đi kèm có liên quan đến Covid19. Do đó, việc tiêm vaccine sớm cho đối tượng này sẽ đem lại hiệu quả lớn." - GS.TS.BS Nguyễn Văn Tuấn cho biết.
Có thể bạn quan tâm
Giá vaccine COVID-19 đội lên ít nhất 5 lần vì độc quyền
12:39, 29/07/2021
PGS.TS Phạm Thế Anh: Đẩy nhanh quá trình tiêm vaccine để thúc đẩy tăng trưởng GDP
05:30, 30/07/2021
Thêm gần 660.000 liều vaccine COVID-19 của AstraZeneca về đến Việt Nam
11:22, 29/07/2021
TIN NÓNG CHÍNH PHỦ: Thủ tướng chỉ đạo hỗ trợ các địa phương, doanh nghiệp tiếp cận nguồn vaccine phòng COVID-19 trên thế giới
19:41, 27/07/2021
TIN NÓNG CHÍNH PHỦ: Cần có đủ và nhanh nhất vaccine phòng bệnh COVID-19
21:15, 26/07/2021
Hơn 12 triệu liều vaccine COVID-19 sẽ được chuyển tới các vùng dịch trong tháng 7
03:30, 26/07/2021
1,5 triệu liều vaccine COVID-19 Moderna đã về đến sân bay Nội Bài
20:01, 25/07/2021