Phó Thủ tướng Lê Văn Thành: Quy định sang tải, sang xe, đổi tài... doanh nghiệp làm sao sống nổi!
Phó Thủ tướng đề nghị địa phương rút kinh nghiệm sâu sắc về những quy định bất hợp lý như quy định xe chở hàng phải sang tải, “sang xe, đổi tài xế”, làm mất thời gian, gây ùn ứ.
Ngày 13/9, chủ trì Hội nghị trực tuyến thúc đẩy lưu thông, tiêu thụ nông sản trong bối cảnh phòng, chống dịch COVID-19, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành nhấn mạnh, cùng một quy định về chống dịch, nhưng có địa phương triển khai tốt, có nơi còn triển khai máy móc nên sản xuất kinh doanh gặp nhiều khó khăn, nhất là nông nghiệp, từ chăn nuôi, gieo trồng, đến xuất khẩu. Bên cạnh đó, nhiều nơi thiếu nhân công, thiếu vật tư đầu vào, xuất nhập khẩu gặp khó khăn... Nhiều địa phương còn cứng nhắc, sinh ra nhiều thủ tục cản trở lưu thông hàng hóa.
"Giãn cách để phòng chống dịch là ưu tiên hàng đầu, nhưng cũng là nhiệm vụ hết sức khó khăn, đòi hỏi các địa phương phải vận dụng linh hoạt, phù hợp để vừa giãn cách vừa duy trì sản xuất ở "chừng mực nhất định", Phó Thủ tướng nhấn mạnh.
Khó khăn đè nặng....
Theo báo cáo do Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến trình bày, nhìn chung, sản xuất nông nghiệp cơ bản chủ động được nhu cầu lương thực, thực phẩm.
Kim ngạch xuất khẩu nông sản đạt được tốc độ tăng trưởng khá trong 6 tháng đầu năm 2021. Tuy nhiên, bắt đầu từ tháng 7, do dịch bệnh COVID-19 bùng phát mạnh ở nhiều địa phương, nhất là các tỉnh trọng điểm về nông nghiệp phía nam, đã ảnh hưởng tiêu cực đến việc sản xuất, thu hoạch, xuất khẩu nhiều nông sản có dấu hiệu sụt giảm.
Tháng 8, kim ngạch xuất khẩu ước đạt gần 3,4 tỷ USD, giảm 21,6% so với tháng 8/2020. Tuy nhiên, lũy kế 8 tháng đầu năm, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng nông lâm thủy sản ước đạt trên 60,9 tỷ USD, trong đó xuất khẩu ước đạt 32,13 tỷ USD, tăng 21,6% so với cùng kỳ năm ngoái.
Đáng lưu ý, các địa phương, hiệp hội đều cho rằng, mục tiêu xuất khẩu nông sản cả năm 2021 khoảng 44 tỷ USD như kế hoạch đặt ra là một thách thức rất lớn.
Theo đó, doanh nghiệp phản ánh khó khăn trong xuất khẩu sang các thị trường, trong đó có Trung Quốc, khi hàng rào kỹ thuật về tiêu chuẩn, kiểm dịch, vệ sinh an toàn của các nước nói chung và Trung Quốc nói riêng ngày càng cao. Một số quy định mới về nhập khẩu nông sản của phía Trung Quốc áp dụng từ 1/1/2022 có thể sẽ tác động đến sản xuất và tiêu thụ nông sản của Việt Nam.
“Hiện chỉ có 4/12 cửa khẩu của Lạng Sơn hoạt động và đã bắt đầu có tình trạng ùn ứ trong khi lượng hàng hóa tiếp tục dồn về, tạo áp lực rất lớn cho địa phương. Do đó, đề nghị các tỉnh, thành phố có hàng nông sản lưu thông đến các cửa khẩu của Lạng Sơn chủ động thông báo cho doanh nghiệp để cơ cấu lại hàng hóa, tránh ùn ứ”, ông Hồ Tiến Thiệu, Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn cho biết.
Trong khi đó, Phó Chủ tịch UBND An Giang Trần Anh Thư cho biết, giá phân bón tăng cao cũng là một trong những khó khăn chính trong thời gian qua. Do đó, Phó Chủ tịch tỉnh An Giang kiến nghị cần tiếp tục rà soát lại chuỗi sản xuất, cung ứng, nhập khẩu, logistics đến cách sử dụng phân bón của người dân để hướng tới giảm giá phân bón ở mức phù hợp.
Bên cạnh đó, doanh nghiệp đặc biệt phản ánh tình trạng thiếu container rỗng, tăng giá cước vận tải đã tác động lớn đến xuất khẩu sang Hoa Kỳ, EU, Đông Bắc Á cũng như nhập khẩu nguyên liệu để phục vụ xuất khẩu.
Chia sẻ về vấn đề này, Tổng thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ Logistics Việt Nam Nguyên Duy Minh kiến nghị các tỉnh, thành phố cần tăng cường xuất khẩu chính ngạch với Trung Quốc; thành lập trung tâm xúc tiến nông sản quốc gia để kết nối với Mỹ và EU; tổ chức, quy hoạch trung tâm logistics vùng (nhất là tại vùng đồng bằng sông Cửu Long) để kết nối lưu thông trong nội vùng thuận lợi... Cùng với đó, ông Minh nhấn mạnh các sàn giao dịch điện tử, kênh phân phối trực tuyến là giải pháp lưu thông hàng hóa trong bối cảnh hiện nay.
Cùng quan điểm, Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh đề nghị các thương nhân, doanh nghiệp chuyển nhanh sang xuất khẩu chính ngạch để bảo đảm tiêu thụ nông thủy sản cho nông dân. Nhấn mạnh vai trò của địa phương.
... Doanh nghiệp làm sao sống nổi?
Chia sẻ với những khó khăn của doanh nghiệp trong huy động công nhân vào làm việc; lưu thông hàng hóa, cả đầu vào và đầu ra, gặp trở ngại; thu hoạch, tái đàn, tiêu thụ, sản xuất giảm hiệu quả…, Phó Thủ tướng đề nghị địa phương rút kinh nghiệm sâu sắc về những quy định bất hợp lý như quy định xe chở hàng phải sang tải, “sang xe, đổi tài xế”, làm mất thời gian, gây ùn ứ. “Xe chở mấy trăm con lợn, hàng nghìn con gà mà sang tải thì doanh nghiệp làm sao sống nổi!”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh, đồng thời cho biết có địa phương cứng nhắc đến mức người ta chở con giống về thả, để tái đàn mà cũng không cho vào.
Phó Thủ tướng yêu cầu các địa phương phải bảo đảm lưu thông hàng hóa thông suốt theo đúng chỉ đạo của Chính phủ, không ban hành thêm các quy trình, thủ tục, giấy phép gây khó khăn, cản trở lưu thông hàng hóa. Không quy định việc sang tải mà kiểm tra chặt chẽ điểm đi, điểm đến và có cách quản lý F0 nếu lái xe dương tính. Tuyệt đối bảo đảm không để dịch bệnh lây lan qua hệ thống lưu thông hàng hóa.
Đồng thời, Phó Thủ tướng yêu cầu UBND các tỉnh, thành phố cần phối hợp với ngành y tế, công thương, các bộ, ngành Trung ương… làm việc cụ thể với doanh nghiệp để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đồng thời yêu cầu doanh nghiệp xây dựng phương án phục hồi sản xuất. “Công nhân, nhà máy ở vùng xanh, xã xanh, huyện xanh thì địa phương cho kế hoạch tổ chức sản xuất trở lại với các điều kiện cụ thể, như trước khi vào sản xuất, 100% công nhân phải có kết quả xét nghiệm âm tính. Nếu ở vùng xanh thì các đồng chí cho công nhân về nhà, cho đi lại bình thường”, Phó Thủ tướng nêu giải pháp.
Đồng thời, ưu tiên tiêm vaccine cho lực lượng sản xuất. Định kỳ 1 tuần 2 lần thực hiện test nhanh cho công nhân, để phát hiện kịp thời F0, bảo đảm tuyệt đối an toàn. Các sở, ngành phải kiểm soát chặt chẽ việc thực hiện của doanh nghiệp.
Đối với sản xuất nông nghiệp, Phó Thủ tướng lưu ý các địa phương phối hợp chặt chẽ với người dân, doanh nghiệp trong xây dựng kế hoạch tổng thể về tái sản xuất nông nghiệp, trong đó, lưu ý không để xảy ra nguy cơ thiếu lương thực, thực phẩm vào dịp Tết Nguyên đán.
Về nhiệm vụ của các bộ, ngành, Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đôn đốc các địa phương triển khai kế hoạch nuôi trồng theo đúng tiến độ đã đưa ra từ đầu năm; xây dựng phương án và chỉ đạo điều chỉnh linh hoạt cơ cấu mùa vụ, loại nông sản nuôi trồng để điều tiết nguồn cung, tăng hiệu quả sản xuất nông nghiệp, thực sự để nông nghiệp trở thành trụ đỡ của nền kinh tế trong điều kiện khó khăn.
Các Bộ ngành, hiệp hội doanh nghiệp tđàm phán, cung cấp các thông tin thị trường…; chủ động đưa các vấn đề về đàm phán tháo gỡ rào cản kỹ thuật liên quan đến thị trường nông sản; chủ động, tăng cường trao đổi, đàm phán với các thị trường nhập khẩu chính về việc tạo thuận lợi trong thủ tục thông quan hàng hóa nông sản…
Phó Thủ tướng yêu cầu các Bộ ngành địa phương không ban hành thêm các văn bản quy định gây cản trở lưu thông hàng hóa, Bộ Giao thông vận tải thường xuyên nắm bắt tình hình.
“Các khu vực, các cảng mà có vấn đề thì Bộ GTVT phải trực tiếp xuống làm việc với các tỉnh. Nếu để xảy ra tình trạng ùn tắc hay ban hành thêm các chính sách khác thì Bộ GTVT vẫn phải chịu trách nhiệm”, Phó Thủ tướng nêu rõ. Trong thời gian tới, cần nghiên cứu mở các chuyến bay phục vụ xuất khẩu hàng hóa.
Có thể bạn quan tâm
TIN NÓNG CHÍNH PHỦ: Giải quyết kịp thời các vấn đề liên quan đến vận tải, lưu thông hàng hóa
22:14, 07/09/2021
"Một số địa phương sốt ruột làm ảnh hưởng lưu thông hàng hóa"
20:49, 06/09/2021
Thủ tướng: Lưu thông hàng hóa, di chuyển con người phải có chỉ đạo thống nhất
15:18, 06/09/2021