Nới lỏng giãn cách tại TP HCM: Những phát sinh không có trong kịch bản
Người dân không tự di chuyển về quê là thông điệp của TP HCM gửi gắm tới người dân. Tuy nhiên, nhiều người dân không thực hiện và gây ùn ứ giao thông, là những phát sinh không có trong kịch bản.
Cho phép người dân di chuyển về quê…
Theo đó, trước những hình ảnh người dân tại TP HCM rồng rắn kéo nhau đổ về các tỉnh miền Tây, làm ách tắc giao thông tại chốt kiểm soát cửa ngõ giáp ranh giữa TP HCM và Long An, mới đây, Phó Chủ tịch UBND TP HCM Lê Hòa Bình vừa ký văn bản về việc tạo điều kiện thuận lợi cho người lao động di chuyển, khôi phục sản xuất kinh doanh an toàn. Văn bản này được UBND TP HCM gửi UBND các tỉnh Long An, Đồng Nai, Bình Dương, Tây Ninh.
Theo văn bản này, người lao động được sử dụng phương tiện cá nhân di chuyển giữa TP HCM và bốn tỉnh liền kề gồm Long An, Đồng Nai, Bình Dương, Tây Ninh từ ngày 4/10/2021.
Cụ thể, đối với phương tiện vận chuyển bằng xe ô tô: Đối tượng vận chuyển là công nhân, chuyên gia do các doanh nghiệp tổ chức đưa đón từ các tỉnh (Bình Dương, Đồng Nai, Long An, Tây Ninh) đến cơ sở sản xuất đóng trên địa bàn TP HCM và ngược lại.
Khi di chuyển, đối tượng vận chuyển phải đáp ứng điều kiện như: Đã tiêm ngừa COVID-19 (ít nhất 1 mũi đối với loại vaccine tiêm hai mũi và ít nhất 14 ngày sau tiêm) hoặc đã khỏi bệnh COVID-19 trong vòng 6 tháng và có kết quả xét nghiệm SARS-CoV2 âm tính ( định kỳ 7 ngày/ lần).
Phương thức nhận diện quản lý phương tiện: Các đơn vị có trụ sở đóng trên địa bàn TP xây dựng phương án vận chuyển công nhân, chuyên gia, thông qua đơn vị đầu mối là Ban Quản lý các khu chế xuất và công nghiệp, Ban Quản lý Khu công nghệ cao, UBND TP Thủ Đức và các quận huyện.
Các đơn vị đăng ký phương tiện, lộ trình, thời gian hoạt động, gửi đến Sở GTVT TP.HCM để cấp giấy tạo điều kiện lưu thông liên tỉnh.
Đối với người ngồi trên xe phải đáp ứng điều kiện: Đã tiêm ngừa COVID-19 (ít nhất 1 mũi đối với loại vaccine tiêm 2 mũi và ít nhất 14 ngày sau tiêm) hoặc đã khỏi bệnh COVID-19 trong vòng 6 tháng và có kết quả xét nghiệm SARS- CoV-2 âm tính (định kỳ 7 ngày/lần).
Người tham gia lưu thông phải sử dụng mã QR khai báo di chuyển của ứng dụng ứng dụng VNEID và mã QR có thể hiện lịch sử tiêm chủng của ứng dụng Y tế HCM hoặc Sổ sức khỏe điện tử (đến khi ứng dụng PC-COVID chính thức đưa vào hoạt động).
Trường hợp không có mã QR, xuất trình một trong các giấy tờ như: Là người mắc COVID-19 đã khỏi bệnh dưới 6 tháng; đã tiêm chủng vắc xin ngừa COVID-19 khi được cơ quan chức năng yêu cầu.
Theo Sở GVTT, người phục vụ, người điều khiển phương tiện phải là người mắc COVID-19 đã khỏi bệnh dưới 6 tháng hoặc đã tiêm chủng vaccine ngừa COVID-19 (ít nhất 1 mũi đối với loại vaccine tiêm 2 mũi và 14 ngày sau tiêm), có kết quả xét nghiệm (SARS-CoV-2) âm tính (định kỳ 7 ngày/lần).
Đối với người điều khiển, phục vụ phương tiện phải thực hiện nghiêm túc nguyên tắc 5K, trang bị dung dịch rửa tay (có ít nhất 70% nồng độ cồn) cho hành khách, dung dịch khử khuẩn cho phương tiện và thùng rác có nắp đậy trên mọi phương tiện vận tải.
Trên phương tiện có thông tin khuyến cáo và hướng dẫn người lao động, hành khách và người dân chấp hành các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 theo quy định
Khi xe di chuyển phải mở cửa kính, không sử dụng máy lạnh; nếu sử dụng máy lạnh thì chỉnh nhiệt độ từ 26 độ C trở lên.
Xe vận chuyển không quá 50% sức chứa của phương tiện, phải vệ sinh, khử khuẩn phương tiện sau mỗi chuyến đi.
Phát sinh không có trong kịch bản
Như vậy, nếu căn cứ Chỉ thị số 18/CT-UBND ngày 30 tháng 9 năm 2021 của UBND TP HCM về tiếp tục kiểm soát, điều chỉnh các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 và từng bước phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh, thì việc người dân tự phát về quê không có trong Chỉ thị này. Và đây chính là những phát sinh không có trong kịch bản.
Còn nhớ, chiều 28/9/2021, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam đã có buổi làm việc với Tổ công tác đặc biệt và các tỉnh khu vực Nam bộ và Tây nguyên để thảo luận về phương án đi lại của người dân khi một số tỉnh, thành như TP HCM, Long An, Bình Dương, Đồng Nai từng bước mở cửa sau ngày 30/9. Và đề nghị người dân ở TP HCM, Đồng Nai, Bình Dương, Long An không về quê tự phát sau 30/9
Theo như kế hoạch, các địa phương này mong muốn đón công nhân trở lại làm việc cũng như đề nghị người dân đang cư trú trên địa bàn tiếp tục ở lại, không về quê tự phát; đồng thời cam kết đảm bảo an sinh xã hội, tiêm vắc xin phòng Covid-19 và sớm khôi phục sản xuất.
Thời gian qua, công tác phối hợp đưa người dân về quê được thực hiện chặt chẽ, có kiểm soát nhưng vẫn còn một bộ phận người dân về quê tự phát trong khi nhiều tỉnh có tỷ lệ tiêm vắc xin còn thấp, lực lượng y tế mỏng nên rất khó khăn.
Trong bối cảnh đó, lãnh đạo hầu hết các tỉnh miền Nam và Tây nguyên thống nhất kiến nghị Chính phủ có chỉ thị yêu cầu 4 địa phương gồm: TP.HCM , Long An, Bình Dương, Đồng Nai tiếp tục giữ nguyên các biện pháp kiểm soát như hiện nay sau ngày 30/9, không để người dân đi về quê tự phát. Trong trường hợp thật sự phải về thì các địa phương phối hợp chặt với các tỉnh, thành khác tổ chức đưa bà con về chu đáo, có kiểm soát.
Riêng việc đi lại bên trong 4 địa phương này thì từng bước nới lỏng nhưng vẫn kiểm soát chặt chẽ.
Và theo số liệu thống kê của Bộ Công an, hiện có 3,5 triệu người các tỉnh, thành trong cả nước đang làm việc tại 4 địa phương nêu trên, trong đó có 2,1 triệu người có nguyện vọng về quê.
Đáng chú ý, sáng 2/10/2021, trong phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 9, Thủ tướng Phạm Minh Chính trong phiên họp đã nhắc đến việc sau khi TP HCM và một số tỉnh phía Nam thực hiện nới lỏng giãn cách xã hội, có hiện tượng nhiều người dân từ TP HCM, Bình Dương di chuyển tự phát về quê. Do đó, Thủ tướng kêu gọi người dân nên kiềm chế, không di chuyển tự phát làm tăng nguy cơ lây lan dịch bệnh trong cộng đồng.
Người đứng đầu Chính phủ yêu cầu TP HCM và các tỉnh có đông người dân, lao động ngoại tỉnh tiếp tục tuyên truyền, giải thích, vận động người dân ở lại để được tiêm vaccine đầy đủ; tiếp tục sản xuất, kinh doanh, phát triển kinh tế - xã hội.
“Nếu người dân thực sự có mong muốn về quê vì lý do khác nhau, các địa phương phối hợp tổ chức đón, đưa người dân về quê, đảm bảo an toàn phòng, chống dịch, đi lại thuận lợi, đảm bảo an toàn giao thông và tránh gây bức xúc cho người dân”. - Thủ tướng nói.
Thủ tướng quán triệt thực hiện hiệu quả nguyên tắc 5K + vaccine, thuốc điều trị + công nghệ + ý thức của nhân dân; đồng thời, khẩn trương hoàn thiện và triển khai hiệu quả Chiến lược tổng thể về phòng, chống dịch để thích ứng an toàn với dịch bệnh; chủ động dự báo, hoàn thiện các kịch bản, phương án phòng, chống dịch phù hợp với tình hình mới.
“Việc thực hiện mở cửa phải có kế hoạch, chủ động, có lộ trình phù hợp, hiệu quả”, Thủ tướng yêu cầu.
Có thể bạn quan tâm
Nới lỏng giãn cách để phục hồi kinh tế: Hà Nội - An toàn đến đâu mở cửa đến đó
15:00, 02/10/2021
Nới lỏng giãn cách để phục hồi kinh tế: Sản xuất phải an toàn
11:00, 02/10/2021
ĐIỂM BÁO NGÀY 01/10: Nới lỏng giãn cách để phục hồi kinh tế
07:00, 01/10/2021
TP HCM: Nới lỏng giãn cách... nhưng vẫn tiếp tục kiểm soát!
06:22, 01/10/2021
TP HCM sẽ áp dụng chỉ thị mới về nới lỏng giãn cách theo tiêu chí “nới trong, chặt ngoài”
09:30, 30/09/2021
Phục hồi nền kinh tế sau giãn cách: “3 tại chỗ” bộc lộ nhiều bất cập
11:00, 21/09/2021
Sau 60 ngày giãn cách, Hà Nội mở lại nhiều dịch vụ từ ngày 21/9
00:00, 21/09/2021