Sức mạnh mềm văn hóa
Thuật ngữ “Sức mạnh mềm văn hóa” được đưa ra trong văn kiện chính thức của Đảng, thể hiện bước đột phá trong tư duy nhận thức của Đảng và Nhà nước Việt Nam.
Đây thực sự vừa là yêu cầu, vừa là giải pháp để thực hiện khát vọng xây dựng đất nước hùng cường trong giai đoạn hiện nay.
>>Văn hoá và vốn xã hội
Diễn đàn Doanh nghiệp đã có cuộc trò chuyện cùng PGS.TS Bùi Hoài Sơn - Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, giáo dục của Quốc hội xung quanh vấn đề này.
- Định hướng phát triển đất nước tầm nhìn 2030 - 2045 đã khẳng định phát triển con người toàn diện và xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc để văn hóa thực sự trở thành sức mạnh nội sinh, động lực phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc. Ông đánh giá thế nào về định hướng này?
Đây là định hướng hết sức đúng đắn và phù hợp hiện nay. Trong bối cảnh toàn cầu hóa sâu rộng như hiện nay, quốc gia nào khẳng định được bản sắc văn hóa của mình sẽ không bị hòa tan, đánh mất mình trong quá trình hội nhập quốc tế; biết cách lựa chọn tiếp thu tinh hoa văn hóa thế giới sẽ làm giàu có hơn bản sắc văn hóa dân tộc. Khi chúng ta vừa biết gìn giữ giá trị, phẩm giá, cốt cách văn hóa dân tộc, vừa làm giàu có hơn cho kho tàng văn hóa vô giá đó, chúng ta sẽ hình thành vững chắc bản lĩnh quốc gia.
Điều này không chỉ đúng cho quốc gia – dân tộc nói chung, mà còn đúng cho mỗi cá nhân trong quá trình tự khẳng định mình, tạo ra giá trị của riêng mình. Những giá trị trường tồn như tinh thần yêu nước, đoàn kết, nghĩa tình, cần cù lao động... được cộng hưởng với tinh thần sáng tạo, kỷ cương của thời đại, cũng như tinh hoa văn hóa được vun đắp, kết tinh từ hàng ngàn năm lịch sử sẽ tạo ra những giá trị riêng biệt của văn hóa và đất nước Việt Nam. Chính vì thế, trong bài phát biểu tại Hội nghị văn hóa toàn quốc, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh vai trò đặc biệt của văn hóa: “Văn hóa là hồn cốt của dân tộc. Văn hóa còn, dân tộc còn.”
- Tuy nhiên, hiện nay trong dòng chảy kinh tế của cả nước, vai trò của văn hóa ở đâu đó đang bị coi nhẹ. Theo ông, chúng ta cần cơ chế, chính sách gì để “xây dựng, phát triển, tạo môi trường và điều kiện xã hội thuận lợi nhất để khơi dậy truyền thống yêu nước, niềm tự hào dân tộc, niềm tin, khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc”?
Khi nền kinh tế thị trường phát triển, bên cạnh những mặt rất tích cực, cũng có một số mặt ảnh hưởng tiêu cực đến sự phát triển văn hóa, trong đó có việc coi trọng những giá trị vật chất, coi nhẹ những giá trị tinh thần; đề cao lợi ích cá nhân, xem nhẹ lợi ích cộng đồng; coi trọng giá trị đồng tiền... Chúng ta đã phải trả giá khá nhiều khi chứng kiến nhiều giá trị văn hóa bị coi nhẹ, đạo đức xã hội xuống cấp. Do đó, cần có những cơ chế, chính sách thích hợp để xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước.
>>Lan tỏa nguồn sức mạnh nội sinh của nền văn hóa
Cơ chế, chính sách này cần hướng đến việc tạo ra môi trường thuận lợi cho sự phát triển văn hóa, con người. Có lẽ phải xuất phát từ việc hình thành hệ thống luật pháp phù hợp như cách chúng ta đang sửa đổi Luật điện ảnh theo hướng công nghiệp văn hóa, chuẩn bị xây dựng luật nghệ thuật biểu diễn, thậm chí không chỉ là luật về văn hóa mà còn cả những luật có liên quan đến văn hóa, như Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã nhấn mạnh: “Cơ sở để văn hóa thấm sâu vào các lĩnh vực của đời sống xã hội là việc xây dựng và ban hành các văn bản pháp luật phải được thực thi trên tinh thần gìn giữ, đề cao giá trị tốt đẹp, bền vững trong dòng chảy truyền thống của văn hóa dân tộc. Bất cứ đạo luật nào cũng đều chú trọng sự phù hợp với bản sắc văn hóa dân tộc, hướng tới mục tiêu xây dựng, phát triển văn hóa, con người Việt Nam”.
Hình thành nên môi trường văn hóa lành mạnh cũng là một giải pháp không kém phần quan trọng để chúng ta xây dựng, phát triển, tạo môi trường và điều kiện xã hội thuận lợi cho phát triển văn hóa, con người Việt Nam.
- Muốn “tài năng, trí tuệ, phẩm chất của con người Việt Nam là trung tâm, mục tiêu và động lực phát triển quan trọng nhất của đất nước”, như theo định hướng, ông cho rằng chúng ta phải có giải pháp như thế nào để đạt được điều này?
Để phát huy được những phẩm chất của con người Việt Nam, tôi nghĩ chúng ta cần hình thành nên một môi trường và có những chính sách hỗ trợ cho những tài năng này. Một nền giáo dục sáng tạo, không chỉ là STEM mà cần là STEAM với thêm một chữ A (art: nghệ thuật) sẽ giúp khai phóng cho tài năng Việt Nam.
Tinh thần đổi mới sáng tạo cần trở thành “hơi thở” của cả xã hội. Vì thế, những sự kiện tôn vinh sáng tạo như chúng ta đang chứng kiến ở các tuần lễ thiết kế sáng tạo Việt Nam hay rất nhiều cuộc thi về sáng tạo khác hay sự kiện Hà Nội trở thành thành viên của mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO nên được khuyến khích và tạo điều kiện.
Chúng ta cũng cần có nhiều hơn những không gian, cơ sở vật chất để tạo điều kiện phát triển tài năng của người Việt Nam. Bên cạnh đó là những chính sách về thuế, đất đai, hỗ trợ tài chính, quỹ khởi nghiệp, hợp tác quốc tế về văn hóa... là những công cụ giúp giới trẻ phát huy tài năng, tâm huyết của mình, giúp ích cho sự phát triển bền vững đất nước, thực hiện khát vọng xây dựng đất nước phồn vinh, hạnh phúc.
- Đứng ở góc độ văn hóa kinh doanh, theo ông sức mạnh mềm của văn hóa cần phát huy trong doanh nghiệp ra sao, thưa ông?
Trong bối cảnh hiện nay, văn hóa kinh doanh có vai trò quan trọng đối với sự tồn tại và phát triển của mỗi doanh nghiệp, và rộng hơn là cả quốc gia. Văn hoá kinh doanh chính là tài sản vô hình của mỗi doanh nghiệp. Trong bối cảnh của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, hội nhập quốc tế sâu rộng, sự cạnh tranh của các doanh nghiệp thực chất chính là chính là sự cạnh tranh của văn hóa kinh doanh. Văn hóa kinh doanh ngày càng trở thành một xu thế tất yếu, khách quan trong xã hội hiện đại. Đại dịch vừa qua, một lần nữa, giúp chúng ta chứng minh sức mạnh của văn hóa kinh doanh. Đối phó với dịch bệnh ở qui mô lớn như vừa qua là lần đầu tiên chúng ta có một trải nghiệm khắc nghiệt đến thế! Tuy nhiên, kinh nghiệm cho thấy, văn hoá kinh doanh góp phần giảm thiểu thiệt hại cho mỗi doanh nghiệp và cả nền kinh tế.
Trong một hội thảo về văn hóa doanh nghiệp, bà Lê Mai Lan, Phó Chủ tịch Tập đoàn Vin Group đã từng phát biểu: Văn hóa là tài sản lớn nhất, là sức mạnh cho Vin Group thành công! Bà Nguyễn Hà Thành, Giám đốc Quan hệ công chúng Tập đoàn Viettel cũng nhận định tương tự khi khẳng định: Văn hóa Viettel là sức mạnh! Vượt qua dịch bệnh bằng văn hoá kinh doanh, chúng ta càng tin tưởng rằng, văn hoá doanh nghiệp cũng sẽ tiếp tục giúp chúng ta chiến thắng trong nỗ lực đưa đất nước phát triển, đúng theo tinh thần của Thủ tướng trong Quyết định 1846/QĐ-TTg về ngày văn hoá doanh nghiệp Việt Nam, để văn hoá doanh nghiệp “góp phần tạo môi trường kinh doanh với tinh thần thượng tôn pháp luật, đề cao đạo đức kinh doanh, trách nhiệm xã hội và cạnh tranh lành mạnh, đóng góp cho sự phát triển bền vững đất nước và hội nhập quốc tế.”
Việt Nam là đất nước có nền văn hóa với bề dày truyền thống hàng nghìn năm. Nền văn hóa đó có bản sắc riêng và được coi là rất mạnh, nên không dễ đồng hóa. Chúng ta cần phát huy sức mạnh mềm của văn hóa Việt Nam vừa hấp thụ được văn hóa tiên tiến của thời đại như thế nào trong giai đoạn tới, để góp phần đưa đất nước phồn vinh, hạnh phúc, thưa ông?
Để phát huy sức mạnh của văn hoá góp phần đưa đất nước phồn vinh, hạnh phúc, chúng ta cần tập trung hơn nữa để xây dựng môi trường văn hoá một cách toàn diện ở gia đình, nhà trường, cộng đồng dân cư, trong các cơ quan đảng, nhà nước, đoàn thể, doanh nghiệp để văn hoá thực sự là hệ điều tiết cho sự phát triển kinh tế, xã hội, hội nhập quốc tế. Khơi dậy tinh thần yêu nước, ý chí tự cường, tự hào dân tộc, tính cộng đồng và khát vọng vươn lên là một nhiệm vụ đặc biệt quan trọng trong thời gian sắp tới. Chúng ta cũng cần quan tâm đầu tư đúng mức để phát triển văn hoá, bảo tồn, phát huy giá trị văn hoá tốt đẹp của các dân tộc và di sản văn hoá.
Cụ thể hóa, triển khai hiệu quả Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam từ đó hình thành thị trường sản phẩm, dịch vụ văn hoá vận hành theo đúng quy luật thị trường, xu thế phát triển chung của thế giới, vừa giúp chúng ta tạo ra những sản phẩm, dịch vụ văn hóa của người Việt Nam, cho người Việt Nam, vì người Việt Nam vừa lan tỏa thông điệp giá trị Việt Nam đi khắp thế giới bằng sức mạnh mềm của văn hóa.
Nâng cao vai trò của văn hoá, nghệ thuật trong việc bồi dưỡng tâm hồn, nhân cách của con người Việt Nam, nhất là trong thế hệ trẻ, giúp chúng ta hình thành một môi trường hỗ trợ cho việc hình thành nhân cách tốt đẹp cho con người Việt Nam. Bảo đảm quyền hưởng thụ, tự do sáng tạo trong hoạt động văn hoá, nghệ thuật của mỗi người dân và cộng đồng để tạo điều kiện bảo vệ và phát huy quyền văn hóa của người dân – tiền đề quan trọng cho sự phát triển văn hóa của đất nước.
- Xin cảm ơn ông về cuộc trò chuyện này!
Có thể bạn quan tâm
Văn hoá và vốn xã hội
11:38, 04/02/2022
Lan tỏa nguồn sức mạnh nội sinh của nền văn hóa
04:45, 04/02/2022
Hệ giá trị văn hóa mới
05:00, 03/02/2022
Văn hoá hiệu suất cao
08:09, 19/01/2022
Chủ tịch VCCI kỳ vọng Quảng Ninh đi đầu trong xây dựng văn hóa kinh doanh
14:46, 20/01/2022