"Chớp thời cơ vàng" để mở cửa quốc tế, phục hồi du lịch
PCT Thường trực Hiệp hội Du lịch VN cho rằng: Việc mở cửa du lịch là vấn đề cấp thiết. Du lịch là ngành kinh tế tổng hợp, tác động đến kinh tế và xã hội trên toàn cầu.
Sau hai năm chịu ảnh hưởng từ đại dịch, bức tranh ngành du lịch Việt Nam hứa hẹn những tín hiệu phục hồi. Điều này được thúc đẩy trong bối cảnh Việt Nam dỡ bỏ hạn chế về tần suất khai thác các chuyến bay quốc tế từ sau ngày 15/2 và Bộ Văn hóa -Thể thao và Du lịch trình Chính phủ phương án mở cửa du lịch toàn diện từ ngày 15/3.
Việc mở cửa du lịch là vấn đề cấp thiết
Tại tọa đàm "Mở cửa an toàn, hiệu quả: Thời cơ vàng của du lịch Việt Nam" mới đây, trả lời câu hỏi về thời điểm mở cửa du lịch, ông Vũ Thế Bình, Phó chủ tịch Thường trực Hiệp hội Du lịch Việt Nam cho rằng, việc mở cửa du lịch là vấn đề cấp thiết. Du lịch là ngành kinh tế tổng hợp, kéo theo hoạt động của nhiều ngành kinh tế khác, tác động đến kinh tế và xã hội trên toàn cầu. Ảnh hưởng của đại dịch đã khiến nhiều địa điểm du lịch nổi tiếng ở châu Âu không bóng người, gây ảnh hưởng đến đời sống, kinh tế.
"Người ta khát khao mở cửa lại du lịch không phải chỉ là nhu cầu được đi lại, vui chơi mà mở cửa du lịch còn để phát triển đời sống cho người dân, cho các ngành kinh tế. Việc mở cửa du lịch không chỉ là ý chí của ngành du lịch mà còn là nguyện vọng chung của nhiều tầng lớp xã hội, của đất nước", ông Bình nhấn mạnh.
>>Mở cửa bầu trời - Tín hiệu tích cực của ngành du lịch
Hiện tại, điều cần làm là phải mở cửa nhanh du lịch và tập trung làm thế nào để triển khai trong trạng thái bình thường mới. Ở Việt Nam hiện tại vẫn còn nhiều sự tranh luận về việc mở cửa du lịch. Tuy nhiên nhìn chung, thế giới có xu hướng mở cửa trở lại.
Ở một số nước, đặc biệt là ở Châu Âu đã mở cửa lại du lịch rất nhanh, người dân đã bắt đầu đi du lịch và cảm giác cuộc sống của họ đã trở lại bình thường. Họ đi ăn uống, đến nhà hàng, đến các điểm tham quan. Người dân đã bước vào giai đoạn bình thường mới, coi việc sử dụng khẩu trang, khai báo y tế, thẻ vắc xin là việc bình thường. Điều này cho thấy sự lan toả từ chủ trương nhà nước đã thấm vào cuộc sống của người dân. Họ đã quen với bình thường mới với những thứ không bình thường trước đây.
Tại Việt Nam, chúng ta mở cửa chậm hơn nhưng cũng có sự đồng hành của các cấp ngành cùng với người dân địa phương trong trạng thái bình thường mới.
Nhận xét về lộ trình mở cửa của du lịch Việt Nam, ông Vũ Thế Bình cho rằng: "Chúng ta có thể tự tin với quyết định mở cửa ngành du lịch vì chúng ta có những điều kiện có thể cạnh tranh như tài nguyên dồi dào, hấp dẫn, có tiềm năng cạnh tranh mạnh mẽ. Ngay dịp Tết, cả nước có 6,2 triệu lượt khách du lịch trong 9 ngày, cho thấy tâm thế sẵn sàng đi du lịch của người Việt Nam".
Theo đó, Ông Đỗ Việt Hùng, Phó tổng giám đốc Công ty cổ phần Tập đoàn FLC nhấn mạnh: "Một quy trình toàn diện, có sự chung tay của các cơ quan quản lý, địa phương, doanh nghiệp, sự nhất quán về chính sách sẽ là giải pháp hữu hiệu, gíup du lịch sớm lấy lại đà tăng trưởng với kịch bản tích cực nhất.. Đặc biệt, trong bối cảnh kinh tế thế giới đang khởi sắc, đây sẽ là thời cơ vàng để du lịch - ngành kinh tế vàng của Việt Nam bứt phá, khi các du khách quốc tế đặc biệt đánh giá cao yếu tố an toàn trong điểm đến du lịch."
Việt Nam đứng trên hai chân kiềng - nội địa và quốc tế
Theo ông Đinh Ngọc Đức, Vụ trưởng Vụ thị trường du lịch, Tổng cục Du lịch, Covid-19 không giết được ngành du lịch, mà chỉ làm ngành tạm thời ngừng trệ. Bởi vậy, ngay khi dịch bệnh từng bước khống chế, du lịch sẽ sớm phục hồi, bởi đây là nhu cầu thiết yếu của con người. "Tôi tin tưởng du lịch sẽ sớm trở lại", ông Đức nói.
Theo đại diện Tổng cục Du lịch, nếu như trước đây ngành tập trung du lịch quốc tế, thì giờ Việt Nam đứng trên hai chân kiềng, nội địa và quốc tế.
Về du lịch nội địa, các doanh nghiệp đã sẵn sàng, nhu cầu người dân rất cao, minh chứng ở kết quả du lịch dịp Tết Nguyên đán. Ông Đức nhấn mạnh, giai đoạn này, một là các doanh nghiệp phối hợp với nhau, làm mới sản phẩm phù hợp với bối cảnh mới; hai là đẩy mạnh truyền thông để kích hoạt nhu cầu của người dân, khẳng định ngành du lịch an toàn với những sản phẩm phù hợp.
>>Tín hiệu tích cực cho du lịch Việt
Về du lịch quốc tế, ông Đức nhấn mạnh các cơ quan, ban ngành nên có những chương trình riêng để thu hút du khách cả ngắn hạn và dài hạn.
"Tôi sang dự hội thảo du lịch Dubai Expo, họ thích những sản phẩm du lịch của chúng ta. Điều quan trọng chúng ta cần quảng bá, đẩy mạnh truyền thông", ông Đức nói.
Theo Vụ trưởng Vụ thị trường du lịch, thời gian tới đơn vị xác định vẫn tập trung quảng bá du lịch Việt Nam tới thị trường "truyền thống" như Đông Nam Á, Đông Bắc Á, châu Âu..., đặc biệt các nước thừa nhận hộ chiếu vaccine.
Có thể bạn quan tâm
Mở cửa bầu trời - Tín hiệu tích cực của ngành du lịch
03:00, 17/02/2022
TIN NÓNG CHÍNH PHỦ: Mở cửa lại hoạt động du lịch từ ngày 15/3
20:20, 16/02/2022
Sớm khôi phục đường bay quốc tế "cứu" doanh nghiệp hàng không và du lịch
16:52, 13/02/2022
Đề xuất khai thông du lịch quốc tế và nội địa từ ngày 15/3
01:00, 16/02/2022