Trẻ em mắc COVID-19 tăng mạnh: Cha mẹ cần làm gì để bảo vệ con?

BẢO LAM 19/02/2022 14:00

Trong những ngày gần đây, các ca mắc COVID-19 là trẻ em có dấu hiệu tăng mạnh. Những người làm cha, mẹ cần làm gì để bảo vệ con?

Tính đến thời điểm hiện tại, tỉ lệ mắc COVID-19 của trẻ dưới 18 tuổi ở nước ta là 19,2%, tương đương khoảng 490.000 trẻ. Trong đó có 4,8% trẻ từ 13-17 tuổi; 8% trẻ 6-12 tuổi; 2,8% trẻ từ 3-5 tuổi và 3,6% trẻ từ 0-2 tuổi.

Với số ca mắc COVID-19 tăng, nhiều trường hợp F0 là trẻ em, chưa được tiêm vaccine phòng COVID-19, việc điều trị F0 tại nhà cho trẻ nhỏ là vấn đề nhiều phụ huynh quan tâm.

br class=

Trẻ em cũng cần được test nhanh thường xuyên để xác định tình trạng có bị nhiễm COVID-19 hay không.

Đi tìm nguyên nhân

Tiến sĩ, Bác sĩ Nguyễn Thành Nam, Giám đốc Trung tâm Nhi khoa, Bệnh viện Bạch Mai cho biết, vào thời gian này, do thời tiết lạnh, ẩm, chênh lệch nhiệt độ các thời điểm trong ngày lớn, đặc biệt ở các tỉnh phía Bắc nên dù không có dịch COVID-19 xảy ra, trẻ em vẫn thường dễ mắc các bệnh về đường hô hấp, tiêu hóa khi tham gia học tập. Do vậy, các cháu đều có khả năng nhiễm các bệnh lý hô hấp, trong đó có COVID-19.

Mặc dù trẻ mắc COVID-19 thường có bệnh nhẹ hơn người lớn, song vẫn có một số nguy cơ gây tăng nặng. Triệu chứng lâm sàng quan trọng nhất là trẻ thở nhanh, kém ăn, thậm chí vẫn ăn uống được nhưng kém hơn một chút, chỉ số SpO2 tụt ở mức 94-95% khi thở khí trời.

Theo PGS.TS Nguyễn Lân Hiếu, Giám đốc Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, các yếu tố nguy cơ bệnh nặng ở trẻ mắc COVID-19 gồm: Trẻ đẻ non, cân nặng thấp; Mắc các bệnh đái tháo đường, rối loạn chuyển hóa, bất thường gen, béo phì; Bệnh hô hấp mạn tính, hen phế quản, viêm phế quản co thắt; Bệnh tim bẩm sinh; Suy giảm miễn dịch bẩm sinh, mắc phải (HIV, điều trị corticoid kéo dài); Bệnh thận mạn; Ung thư, huyết học (bệnh hồng cầu hình liềm)…

"Đây là những yếu tố nguy cơ có thể làm bệnh nặng lên, tuy nhiên rất nhiều trường hợp phải căn cứ vào triệu chứng và xét nghiệm lâm sàng để quyết định có cần cho trẻ nhập viện hay không."- PGS.TS Nguyễn Lân Hiếu nhấn mạnh. 

Tính đến nay, cả nước ghi nhận 165 trẻ mắc COVID-19 tử vong, chiếm 0,42% so với tử vong chung.

Bảo vệ trẻ cách nào?

Để bảo vệ trẻ em trước tình hình dịch bệnh COVID-19 phức tạp, Tiến sĩ, Bác sĩ Nguyễn Thành Nam cho rằng, vai trò của cha mẹ, thầy cô giáo rất quan trọng khi hướng dẫn các cháu những biện pháp phòng chống nhiễm bệnh, nhất là sau khoảng thời gian dài các cháu sinh hoạt trong nhà, ít tiếp xúc với môi trường xung quanh nên các kỹ năng phòng vệ cần phải được rèn luyện, nhắc nhở thường xuyên.

Bác sĩ Nguyễn Thành Nam khuyến cáo, cha mẹ cần cho trẻ tiêm phòng ngay khi được phép của Chính phủ, Bộ Y tế; tăng cường sức đề kháng cho trẻ như bổ sung dinh dưỡng, tập luyện, tránh thừa cân béo phì; kiểm soát tốt các bệnh mạn tính; tránh để trẻ bị nhiễm lạnh; đảm bảo thông khí tốt trong môi trường sống, học tập.

Bên cạnh đó cần chú ý vệ sinh bàn tay cho trẻ; sử dụng khẩu trang khi tiếp xúc người khác. Đồng thời hướng dẫn, tập luyện thường xuyên các biện pháp phòng chống cho trẻ; hướng dẫn trẻ để rác thải đúng nơi quy định. Khi trẻ có dấu hiệu nghi ngờ như sốt, viêm đường hô hấp, tiếp xúc yếu tố nguy cơ... cần kiểm tra ngay và tránh tiếp xúc với người khác khi chưa có kết quả xét nghiệm.

Trong trường hợp trẻ bị mắc COVID-19, các bố mẹ cần theo dõi trạng thái của trẻ về tinh thần. Những trẻ có thể điều trị ở nhà là trẻ vẫn có những hoạt động, vui chơi tương đối như những ngày khỏe mạnh. Trẻ vẫn đảm bảo được mức độ ăn uống tương đối như ngày khỏe mạnh.

Gia đình có thể quan sát nhịp thở của trẻ. Với trẻ dưới 2 tháng nhịp thở bình thường < 60 lần/phút; Trẻ 2 tháng - 12 tháng nhịp thở bình thường < 50 lần/phút; Trẻ > 12 tháng nhịp thở bình thường < 40 lần/phút; Trẻ > 5 tuổi thở nhanh khi > 30 lần/phút; Trẻ > 12 tuổi theo các chỉ số tương tự người lớn.

Khi điều trị ở nhà, cha mẹ cần dự phòng những thuốc: Hạ sốt; bù nước điện giải; có thể bổ sung Vitamin tổng hợp; thuốc điều trị ngạt tắc mũi; thuốc ho.

Bác sĩ Nguyễn Thành Nam nhấn mạnh, nếu trẻ bị COVID-19, cần dùng thuốc theo hướng dẫn của cán bộ y tế. Gia đình không nên cho trẻ tự uống thuốc ngoài những thuốc được khuyến cáo ở trên.

Mỹ đã công bố kế hoạch tiêm vaccine Covid-19 cho trẻ em 5-11 tuổi. Ảnh minh họa: AAP News

Một số nước trên thế giới đã tiến hành tiêm vaccine COVID-19 cho trẻ em 5-11 tuổi. Ảnh minh họa: AAP News

Trẻ được bảo vệ an toàn hơn khi tiêm vaccne

Để xây dựng và thực hiện lộ trình “sống chung với COVID-19” trong dài hạn, việc bảo vệ trẻ em trước các biến thể của virus SARS-CoV-2, đặc biệt là biến chủng mới Omicron bằng cách tiêm vaccine Covid-19 đang là một trong những chiến lược được Việt Nam và các quốc gia đẩy mạnh. Tiêm vaccine COVID-19 là biện pháp tốt nhất để tạo kháng thể bảo vệ lâu dài cho trẻ, đặc biệt là trẻ từ 5-11 tuổi và những người xung quanh trước dịch bệnh.  

TS Phạm Quang Thái - Trưởng Văn phòng Tiêm chủng mở rộng miền Bắc cho biết, nhiều cuộc thử nghiệm vaccine đã chỉ ra trẻ em được đảm bảo an toàn khi tiêm, do mức liều tiêm chỉ bằng 1/3 so với người lớn. Trẻ em 5-11 tuổi phần lớn chưa bước vào giai đoạn dậy thì, chưa trải qua quá trình cơ thể thay đổi hormone nên ít gặp các phản ứng phụ sau tiêm.

“Tiêm chủng cho trẻ em còn giúp giảm nguy cơ lây lan dịch trong cộng đồng. Đây là cơ sở để mở cửa trường học một cách an toàn trong thời gian tới. Vì vậy, trẻ em 5-11 tuổi nên được tiêm vaccine COVID-19 để chủ động bảo vệ sức khỏe và sớm trở lại cuộc sống bình thường"- TS Phạm Quang Thái khuyến cáo.

Đồng quan điểm, PGS.TS Dương Thị Hồng – Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương cho biết, tới đây, Bộ Y tế sẽ ban hành các hướng dẫn để triển khai kế hoạch tiêm vaccine COVID-19 cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi  một cách chi tiết, đặc biệt lưu ý đến vấn đề an toàn tiêm chủng.

Trẻ em độ tuổi 5 đến dưới 12 tuổi cũng sẽ được tiêm vaccine COVID-19 tại các điểm tiêm chủng tương tự như chiến dịch tiêm vaccine COVID-19 cho trẻ từ 12-17 tuổi vừa qua. Cụ thể, những trẻ đi học thì các cháu được tiêm tại trường, trẻ không đi học được tiêm chủng tại trạm y tế. Đối với những trẻ có bệnh lý nền, bệnh lý mạn tính thì sẽ tiêm tại các bệnh viện để đảm bảo an toàn tiêm chủng.

Bộ Y tế cũng sẽ tập huấn cho cán bộ y tế các tuyến chi tiết, cụ thể các phản ứng sau tiêm chủng cũng như theo dõi sức khỏe của bé sau tiêm. Đồng thời, truyền tải các thông tin này đến cộng đồng, đến các bậc cha mẹ để các phụ huynh cùng tham gia với ngành y tế, cán bộ y tế trong theo dõi sức khỏe của trẻ sau tiêm chủng “Ngành y tế cần truyền thông đầy đủ hơn về tính an toàn, hiệu quả của vaccine Covid-19 cho trẻ em, công tác tổ chức tiêm chủng đảm bảo an toàn... để phụ huynh tin tưởng và đồng thuận, đưa con mình đi tiêm chủng.

4 BƯỚC ĐIỀU TRỊ, CHĂM SÓC F0 TẠI NHÀ

Bước 1: Báo ngay cho y tế địa phương

Phụ huynh nên chụp lại kết quả test nhanh hoặc PCR của con để lưu lại mốc thời gian mắc bệnh. Sau đó, cố gắng tìm nguồn lây của con, xác định những ai là F1 để tiến hành cách ly và tìm cách giải quyết phù hợp.

Phụ huynh nên đo chỉ số SpO2, tần số thở cho bé. Lúc trẻ nằm yên lặng, không quấy khóc, cha mẹ có thể ôm con vào trong lòng rồi sau đó vén áo trẻ lên quá phần ngực, quan sát vị trí bụng và ngực của trẻ rồi bắt đầu đếm trong vòng 1 phút, mỗi lần hít và thở ra là một nhịp, thực hiện đếm lại khoảng 3 lần.

Ngoài ra, cha mẹ cũng cần đo nhiệt độ đo hõm nách của trẻ trong 5 phút, quan sát các triệu chứng của bé như: Ăn uống, bú, đi ngoài, tỉnh táo, ngủ tốt, chơi ngoan không?

Bước 2: Kết nối với bác sĩ hỗ trợ 

Phụ huynh nên kết nối với các bác sĩ hỗ trợ, tư vấn điều trị chăm sóc trẻ tại nhà, để đánh giá và quan sát kịp thời các triệu chứng bệnh.

Với bé dưới 1 tuổi, nhiều triệu chứng không phát hiện được, nên phụ huynh cần lắng nghe tư vấn của bác sĩ một cách nhanh và hợp lý nhất.

Bước 3: Chuẩn bị khi con là F0 

Nếu trẻ cách ly và điều trị tại nhà, cha mẹ nên mua thuốc hạ sốt dạng bột, siro, viên đạn tùy tuổi của con. Oresol vị hoa quả cho dễ uống theo hướng dẫn của bác sĩ. Bổ sung các loại thảo dược như tía tô, hành, gừng tươi, xả.

Nếu trẻ vào viện, cha mẹ chuẩn bị quần áo, đồ vệ sinh cá nhân đảm bảo trong 10-14 ngày, các nhóm thuốc điều trị triệu chứng, khẩu trang, nước sát khuẩn tay nhanh và bảo hiểm y tế, giấy giới thiệu CDC địa phương hoặc trạm y tế.

Phụ huynh tránh mua thuốc không rõ nguồn gốc hoặc bị người khác lừa.

Bước 4: Chiến đấu dài ngày cùng con

Gia đình nên giữ tinh thần lạc quan, bình tĩnh và tỉnh táo. Nếu không có triệu chứng, trẻ sẽ được test nhanh hoặc xét nghiệm PCR ngày thứ 7. Ngược lại, nếu trẻ có triệu chứng, sẽ được test nhanh hoặc xét nghiệm PCR dương thì ngày thứ 10 test lại.

Bác sĩ Nhi khoa MẠNH CƯỜNG, tình nguyện viên điều trị mẹ và bé F0 tại nhà

Có thể bạn quan tâm

  • Tiêm vaccine COVID-19 cho trẻ em cần lưu ý gì?

    19:02, 18/02/2022

  • Bộ Y tế cấp phép thuốc "made in Vietnam" điều trị COVID-19

    00:00, 18/02/2022

  • Học bán trú có làm tăng nguy cơ lây COVID-19?

    02:26, 17/02/2022

  • Giữ tinh thần lạc quan để vượt qua di chứng "hậu COVID-19"

    04:00, 16/02/2022

BẢO LAM