Đầu tư nông nghiệp công nghệ cao: Cần sự hưởng ứng, nỗ lực của doanh nghiệp, ban ngành
Hà Nội tạo điều kiện tốt nhất cho các doanh nghiệp đầu tư phát triển nông nghiệp công nghệ cao, song việc tổ chức đầu tư cần có sự hưởng ứng, nỗ lực các tổ chức, HTX, nhà đầu tư, các cấp, các ngành...
Đó là khẳng định của ông Lê Tự Lực, Phó Giám đốc Trung tâm xúc tiến đầu tư, thương mại, du lịch TP. Hà Nội (HPA) tại toạ đàm “Cơ hội và chính sách trong nông nghiệp công nghệ cao” do HPA tổ chức ngày 26/4.
>>Thấy gì từ số doanh nghiệp thành lập mới đạt kỷ lục trong tháng 4/2022?
Ứng dụng chính sách hỗ trợ còn hạn chế
Hiện nay trên địa bàn TP. Hà Nội đã triển khai 160 mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Trong đó có 105 mô hình trồng trọt, 39 mô hình chăn nuôi, 15 mô hình thuỷ sản, tập trung chủ yếu ở Mê Linh, Gia Lâm, Thường Tín, Đông Anh, Thanh Oai, Đan Phượng. Giá trị sản phẩm nông nghiệp công nghệ cao chiếm 32% tổng giá trị sản xuất nông nghiệp.
Tuy nhiên, theo bà Nguyễn Thị Thoa, nguyên Trưởng phòng Trồng trọt (Sở NN&PTNT), việc mở rộng ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất, sơ chế và tiêu thụ nông sản vẫn còn nhiều hạn chế, tồn tại.
Hiện mới chỉ có 1 doanh nghiệp được công nhận được doanh nghiệp nông nghiệp công nghệ cao; chỉ có 2 mô hình sản xuất rau tại Thanh Trì và Đan Phượng; 2 mô hình sản xuất hoa tại Đan Phượng và Chương Mỹ; 1 mô hình sản xuất lúa (Thanh Trì); 1 cơ sở sản xuất giống thuỷ sản và 17 cơ sở nuôi trồng thuỷ sản ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất, sơ chế.
Bên cạnh đó, Hà Nội mới chỉ có hơn 50 ha sản xuất rau, hoa và 20 ha nuôi trồng thuỷ sản ứng dụng các công nghệ thuộc danh mục công nghệ cao vào sản xuất. Còn lại là các cơ sở ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật hoặc ứng dụng một phần hệ thống nhà lưới có điều khiển vi khí hậu, giống mới, chế phẩm sinh học, phân bón hữu cơ, thuốc bảo vệ thực vật, hệ thống chuồng kín trong chăn nuôi.
“Còn thiếu những mô hình mang tính tiên tiến hàng đầu, chứa đựng hàm lượng khoa học công nghệ cao áp dụng trong sản xuất nông nghiệp nên chưa tạo ra được sự đột phá mạnh mẽ về năng suất, chất lượng và hiệu quả sản xuất”, bà Thoa nhấn mạnh.
Mặt khác, chưa hình thành được vùng sản xuất ứng dụng công nghệ cao theo tiêu chí vùng sản xuất ứng dụng công nghệ cao của Thành phố. Việc nhân rộng các mô hình ứng dụng công nghệ cao còn rất hạn chế.
Không chỉ vậy, theo bà Thoa, việc xây dựng và triển khai các chính sách hỗ trợ phát triển ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp còn chưa nhiều. Như chưa triển khai được các nội dung hỗ trợ theo quy định tại Nghị định số 57/2018/NĐ-CP về cơ chế, chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn.
Trong khi các tiêu chí sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao của Thành phố đã ban hành tại Quyết định 3215/QĐ-UBND rất khó thực hiện. Nhất là tiêu chí về diện tích quá lớn, không phù hợp với địa phương. Trong khi đó, các mô hình sản xuất, ứng dụng công nghệ cao hiện nay về cơ bản quy mô còn nhỏ… nên các đối tượng được thụ hưởng chính sách rất khó tiếp cận chính sách hỗ trợ do không đảm bảo được các yêu cầu đặt ra.
Hơn nữa, phương thức hỗ trợ sau đầu tư khó triển khai do cơ chế cách làm mới nên còn lùng túng khi triển khai thực hiện. Thành phố chưa có cơ chế về quy trình, thủ tục hướng dẫn các định mức kỹ thuật chi tiết theo danh mục công nghệ cao ứng dụng trong nông nghiệp đã được ban hành…
>>Cơ hội từ kết nối
Hoàn thiện chính sách cho đầu tư
Để phát triển nông nghiệp công nghệ cao, theo bà Thoa, Hà Nội cần có các giải pháp trọng tâm. Trước hết, trong quy hoạch, cần rà soát, đề xuất các quy hoạch khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, vùng sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao để tích hợp vào các quy hoạch phân khu, quy hoạch chung của Thành phố.
Đồng thời, cần xác định vùng sản xuất chuyên canh có lợi thế, đảm bảo quỹ đất ổn định để thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, dịch vụ hỗ trợ nông nghiệp.
Cũng như đưa ra kế hoạch hỗ trợ hoàn thiện hạ tầng vùng sản xuất. Tổ chức tập trung ruộng, tích tụ ruộng đất, phát triển tổ hợp tác, hợp tác xã để tổ chức sản xuất theo chuỗi giá trị.
Các ý kiến tại toạ đàm nhấn mạnh tới tầm quan trọng của các giải pháp về chính sách làm đòn bẩy cho nông nghiệp công nghệ cao tăng tốc mạnh hơn.
Đó là cần rà soát, tổng hợp những khó khăn, vướng mắc trong việc thực hiện các cơ chế, chính sách hiện có về hỗ trợ phát triển ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp, hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm công nghệ cao… Những giải pháp này cần được sửa đổi, bổ sung và hoàn thiện.
Cùng với đó, rất cần chính sách thu hút đầu tư tư nhân và hỗ trợ liên kết doanh nghiệp- nông dân. “Cần thực hiện các chính sách ưu đãi cao nhất theo quy định của Nhà nước để thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp”, bà Thoa nhấn mạnh.
Cụ thể, các chính sách ưu tiên đầu tư gồm: hỗ trợ hạ tầng, đất đai, thuế đối với các doanh nghiệp liên kết trực tiếp với nông dân, doanh nghiệp bảo quản, chế biến sử dụng công nghệ cao.
Vốn với doanh nghiệp nông nghiệp công nghệ cao vô cùng quan trọng, do đó cần có chính sách trong ưu đãi tín dụng cho các doanh nghiệp liên kết với nông dân từ khâu cung ứng vật tư đầu vào, các dịch vụ sấy, kho tàng và ưu đãi người dân mua máy móc sản xuất, áp dụng giống mới…
Tổ chức nghiên cứu phát triển thị trường đối với các sản phẩm chủ lực. Hướng dẫn triển khai thực hiện theo hướng nâng cao khả năng tiếp cận chính sách đến các đối tượng thụ hưởng chính sách…
Có thể bạn quan tâm
Hà Nội: HPA cần đổi mới hoạt động cả về nội dung và phương thức thực hiện
16:06, 08/02/2022
Hà Nội bổ nhiệm Phó Giám đốc HPA
21:47, 12/11/2021
HPA giúp doanh nghiệp tránh rủi ro trong lĩnh vực thuế
11:33, 04/11/2020
HPA tổ chức OCOP 2020 tại 2 địa điểm AEON
13:35, 19/10/2020