Nâng giá trị nguồn vốn con người

HUYỀN TRANG thực hiện 01/05/2022 09:00

Chia sẻ cùng DĐDN, TS Trương Anh Dũng - Tổng cục trưởng Tổng Cục Giáo dục nghề nghiệp đào tạo khẳng định: Phát triển nguồn nhân lực là chìa khóa đột phá cho phục hồi và phát triển kinh tế.

>>Xu hướng tuyển dụng nhân lực của doanh nghiệp

 Kỹ năng được coi là đơn vị tiền tệ mới trong thế kỷ 21. (Ảnh: Thực hành nghề tại Trường Cao đẳng cơ điện Hà Nội)

Kỹ năng được coi là đơn vị tiền tệ mới trong thế kỷ 21. (Ảnh: Thực hành nghề tại Trường Cao đẳng cơ điện Hà Nội)

TS Trương Anh Dũng nhấn mạnh: nếu không tăng tốc độ đầu tư vào nguồn vốn con người và phát triển nhân lực có kỹ năng, chúng ta “lỡ chuyến tàu phục hồi và phát triển kinh tế”.

- Như ông nói, Việt Nam cần chú trọng đầu tư vào nguồn vốn con người, nhưng đầu tư cũng cần “đúng người, đúng thời điểm”, thưa ông?

Đúng vậy! Các nhà tuyển dụng đều nhận ra giá trị của việc đầu tư vốn con người, kêu gọi khu vực công cần hỗ trợ mạnh mẽ hơn cho việc nâng cao kỹ năng nghề cho những người lao động để góp phần phục hồi kinh tế và phát triển bền vững. Đó cũng chính là sứ mệnh và thách thức của giáo dục nghề nghiệp nước ta trong bối cảnh bình thường mới.

- Như cách nói của ông thì kỹ năng cũng sẽ là nguồn vốn trong thế kỷ 21, thưa ông?

Ở phạm vi toàn cầu, Báo cáo mới đây của Diễn đàn Kinh tế Thế giới cho thấy dưới tác động cộng hưởng của đại dịch COVID -19 và CMCN 4.0, trong 5 năm tới trên 80% doanh nghiệp gia tăng làm việc từ xa và chuyển sang số hóa nhanh chóng các quy trình làm việc; tỷ lệ tự động hóa lên tới 50%, và một tỷ lệ tương ứng người lao động cần được đào tạo lại, bổ sung những kỹ năng mới để phù hợp với yêu cầu công việc.

Báo cáo trên kêu gọi các Chính phủ ưu tiên nguồn lực và hành động quyết liệt để nâng cao kỹ năng nghề trong các kế hoạch khôi phục quốc gia sau đại dịch COVID-19, bởi 79% doanh nghiệp hiện nay không có khả năng ngân sách cho nhiệm vụ này.

>>Doanh nghiệp sẽ "dẫn dắt" nâng cao năng lực nhân lực ngành logistics

>>Chống “đứt gãy” nguồn nhân lực du lịch

- Vậy theo ông, Việt Nam có những lợi thế nào để gia tăng giá trị mới này?

Việt Nam đang có lợi thế cơ cấu dân số vàng với 55 triệu lao động, nhưng "điểm nghẽn" lại chính là chất lượng nguồn nhân lực bởi tỷ lệ lao động qua đào có bằng cấp, chứng chỉ mới đạt 24,6%, chỉ số kỹ năng và chất lượng đào tạo nghề tuy tăng ấn tượng nhưng vẫn ở mức 97/140 còn ở khoảng cách xa so với các nước Đông Bắc Á và ASEAN.

Tỷ lệ người lao động được đào tạo trình độ ĐH (đại học) trở lên nhưng lại làm những vị trí công việc chỉ yêu cầu trình độ CĐ (cao đẳng) trở xuống tăng nhanh trong 10 năm qua đã tăng từ 12% lên 25%. Đây là một trong những nguyên nhân dẫn tới năng suất lao động của chúng ta vẫn rất thấp, dù tăng trưởng kinh tế khá cao trong hai thập kỷ rưỡi qua.

Chúng ta sẽ hết cơ hội, hay nói cách khác là "hết giờ" để tranh thủ thời cơ dân số vàng và bắt kịp với các nền kinh tế mới nổi trong khu vực nếu không tăng tốc phát triển nhân lực có kỹ năng, nhất là nhân lực có tay nghề cao nhằm góp phần nâng cao năng suất lao động và tăng năng lực cạnh tranh quốc gia, nhất là trong bối cảnh do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, xu hướng tự động hóa, điện tử hóa, số hóa, tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư và hội nhập quốc tế.

- Phía Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp có phương án nào để tạo đột phá phát triển nhân lực có kỹ năng nghề hậu đại dịch, thưa ông?

Năm 2021 là năm đầu triển khai Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp, để góp phần bảo đảm chuỗi cung ứng lao động có kỹ năng, khôi phục sản xuất, kinh doanh, phát triển kinh tế - xã hội, chúng tôi tập trung hoàn thiện cơ chế, chính sách, quy định pháp luật về giáo dục nghề nghiệp; tập trung xây dựng các chương trình, đề án, dự án trong và ngoài nước để định hướng và có nguồn lực cho phát triển giáo dục nghề nghiệp trong trung hạn và dài hạn; chuẩn bị đào tạo những ngành nghề mới, kỹ năng tương lai.

Hệ thống các trường nghề trên cả nước đã duy trì được các hoạt động tuyển sinh, đào tạo trong bối cảnh dịch bệnh với nhiều mô hình đào tạo đa dạng, góp phần đảm bảo nguồn cung ứng lao động có tay nghề, duy trì sản xuất cho các tập đoàn, doanh nghiệp FDI thời gian qua.

- Về phần mình, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp (GDNN) cần làm gì nâng giá trị của nguồn vốn con người, thưa ông?

Các cơ sở GDNN cần nhanh chóng thích ứng để thay đổi phương thức trong đào tạo mở, linh hoạt; có kế hoạch điều chỉnh danh mục ngành, nghề đào tạo phù hợp với yêu cầu của thị trường lao động ngày một sáng tạo và đổi mới. Đặc biệt, cần tăng cường gắn kết với doanh nghiệp trong quá trình đào tạo từ xác định nhu cầu từ doanh nghiệp, xây dựng chương trình đào tạo, quá trình triển khai đào tạo, đánh giá, tuyển dụng…

- Trân trọng cảm ơn ông!

Có thể bạn quan tâm

  • Xu hướng tuyển dụng nhân lực của doanh nghiệp

    00:11, 29/04/2022

  • Doanh nghiệp sẽ "dẫn dắt" nâng cao năng lực nhân lực ngành logistics

    10:39, 14/04/2022

  • Khôi phục du lịch Đà Nẵng: (Bài 3) Giải bài toán nguồn nhân lực

    11:00, 13/04/2022

  • Phát triển, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trong bối cảnh mới

    17:15, 08/04/2022

  • Quảng Ninh: Khôi phục nguồn nhân lực du lịch bằng cách nào?

    10:39, 02/04/2022

  • Chống “đứt gãy” nguồn nhân lực du lịch

    04:00, 26/03/2022

  • Hải Phòng: Giải bài toán nguồn nhân lực chất lượng cao trong khu công nghiệp

    02:26, 23/03/2022

HUYỀN TRANG thực hiện