Đề phòng bệnh viêm gan bí ẩn “tấn công” trẻ em
Các trường hợp được xác định là viêm gan bí ẩn đều có biểu hiện đau bụng, tiêu chảy, nôn mửa, kết quả xét nghiệm thấy men gan tăng cao rõ rệt.
>>Viêm gan bí ẩn có liên quan đến COVID-19?
Mặc dù đã có nhiều giả thuyết được đưa ra song căn nguyên gây bệnh viêm gan bí ẩn vẫn chưa xác định được nguyên nhân.
Tại Việt Nam hiện chưa ghi nhận trường hợp nào mắc viêm gan bí ẩn nhưng nguy cơ bệnh xâm nhập là rất lớn, do đó việc phòng bệnh, tăng cường giám sát, phát hiện sớm ca mắc đang là điều cấp thiết.
BSCKII Nguyễn Nguyên Huyền - Trưởng Khoa khám bệnh cơ sở Kim Chung, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cho biết, để tăng cường giám sát, phát hiện sớm căn bệnh viêm gan cấp tính chưa rõ nguyên nhân ở trẻ, trong quá trình thăm khám tại BV Bệnh Nhiệt đới Trung ương, các bác sĩ đã khai thác thêm thông tin, cố gắng phát hiện các dấu hiệu sớm, triệu chứng nghi ngờ trẻ mắc viêm gan bí ẩn - nhất là với trẻ có các dấu hiệu nôn, buồn nôn, đau bụng, tiêu chảy, trẻ có hiện tượng viêm gan hay không (dựa vào xét nghiệm men gan) hoặc trẻ có dấu hiệu tiểu vàng, mắt vàng, suy gan tối cấp...
Theo BS. Huyền, dù chưa xác định được chính xác nguyên nhân gây bệnh viêm gan bí ẩn nhưng đã có nghi ngờ cho rằng căn bệnh này do Adenovirus gây ra. Adenovirus không phải là virus mới và ở Việt Nam có rất nhiều đơn vị có thể xét nghiệm được loại virus này. Tại BV Bệnh Nhiệt đới Trung ương có hệ thống xét nghiệm chuẩn, được công nhận kết quả xét nghiệm ở hơn 130 quốc gia, nên Việt Nam hoàn toàn có thể xác định được bệnh nhân có mắc Adenovirus hay không.
PGS-TS Trần Minh Điển, Giám đốc Bệnh viện (BV) Nhi T.Ư cho hay, ngay sau khi có thông tin WHO cảnh báo về ca viêm gan cấp được coi là viêm gan bí ẩn ở trẻ em ghi nhận tại một số nước, lãnh đạo BV đã nhắc các bác sĩ cần chú ý đến bệnh lý này, bao gồm các bệnh nhân khám hậu Covid-19.
Lãnh đạo BV Nhi T.Ư cũng cho biết, BV hiện chưa ghi nhận ca bệnh gan do vi rút Adeno ở trẻ nhỏ. “Chưa ghi nhận nhưng chúng ta không chủ quan. Nếu có bệnh nhân tổn thương gan tối cấp, các bác sĩ sẽ lưu ý thêm về nguyên nhân gây bệnh. Hằng năm, BV vẫn có một vài trường hợp viêm gan tối cấp nguyên nhân liên quan như ngộ độc paracetamol do quá liều; do vi rút viêm gan A, B, C…”, ông Điển cho hay.
Trong khi đó, PGS Đỗ Văn Dũng, Trưởng khoa Y tế công cộng, Đại học Y Dược TP HCM cho biết, về cơ bản giới nghiên cứu đã tìm được căn nguyên nghi ngờ lớn nhất gây bệnh viêm gan cấp tính "bí ẩn". Đó là adenovirus, khi phần lớn trẻ mắc bệnh đều có kết quả xét nghiệm nhiễm virus này.
Theo PGS Dũng, việc adenovirus gây viêm gan không mới. Trước đây đã từng có những trường hợp trẻ nhiễm virus này gây suy gan nặng, tử vong hoặc phải ghép gan. Tuy nhiên, điều kỳ lạ của những trường hợp gần đây là việc tỷ lệ mắc cao hơn. Ngoài ra, đối tượng mắc bệnh nặng trước kia thường là những trẻ bị suy giảm miễn dịch, cơ thể suy yếu thì giờ có thể xảy ra ở trẻ khỏe mạnh bình thường. Do đó, giới chuyên môn nghiêng về hướng adenovirus hiện tại có đột biến.
PGS Dũng cũng chia sẻ, có một số luồng thông tin nghi ngờ vaccine Covid-19 dùng adenovirus để điều chế gây bệnh viêm gan nói trên. Tuy nhiên trên thực tế, adenovirus của vaccine Covid-19 là chủng lấy từ hắc tinh tinh và đã được xử lý để không còn khả năng nhân bản.
Còn chủng adenovirus gây bệnh viêm gan là chủng của người (cụ thể là type 41). Hai chủng virus này không liên quan nhau, và do đó vaccine không phải là nguyên nhân gây bệnh viêm gan cấp tính. Đó là chưa kể vaccine dùng adenovirus không được sử dụng tiêm cho trẻ.
>>Hơn 200 trẻ em trên thế giới mắc viêm gan bí ẩn: Việt Nam ứng phó thế nào?
Theo thông tin cập nhật từ Tổ chức Y tế thế giới (WHO), hiện nay trên thế giới đã ghi nhận ít nhất 169 trường hợp viêm gan cấp tính ở trẻ em từ một tháng tuổi đến 16 tuổi tại 12 quốc gia. Trong đó đã có một bệnh nhi tử vong và 17 bệnh nhi phải ghép gan. Các ca bệnh tập trung chủ yếu tại Anh (114 ca), Tây Ban Nha (13), Israel (12), Mỹ (9) và một số quốc gia châu Âu. Khu vực châu Á cũng đã ghi nhận ca bệnh đầu tiên tại Nhật Bản vào ngày 25/4.
Các trường hợp được xác định là viêm gan cấp tính nêu trên có biểu hiện như đau bụng, tiêu chảy, nôn mửa và men gan tăng cao rõ rệt. Hầu hết các trường hợp được báo cáo đều không bị sốt và không phát hiện nhiễm các loại virus phổ biến gây viêm gan virus cấp tính (như vi rút viêm gan A, B, C, D và E).
WHO và Trung tâm Phòng chống và kiểm soát dịch bệnh châu Âu cho biết hiện nguyên nhân chính xác gây viêm gan ở những bệnh nhi này vẫn chưa được tìm ra và các cuộc điều tra đang được diễn ra. Tuy nhiên các trường hợp mắc xảy ra tại những nơi lưu hành cao virus Adeno.
Để chủ động giám sát các ca bệnh viêm gan cấp chưa rõ nguyên nhân tại Việt Nam và kịp thời triển khai các biện pháp phòng chống, hạn chế tối đa số mắc và tử vong, Bộ Y tế đề nghị Giám đốc Sở Y tế tăng cường lấy mẫu xét nghiệm các trường hợp nghi ngờ viêm gan cấp tính không rõ nguyên nhân tại các cơ sở y tế để xác định căn nguyên. Nếu phát hiện các trường hợp bất thường, không rõ nguyên nhân đề nghị báo cáo ngay về Bộ Y tế.
Đồng thời, chỉ đạo tăng cường triển khai bao phủ vaccine viêm gan B cho trẻ em trong độ tuổi tiêm chủng tại các cơ sở y tế đạt tỷ lệ đề ra và đảm bảo an toàn, không để tồn tại các khu vực có tỷ lệ tiêm chủng vaccine viêm gan B cho trẻ em đạt thấp, đặc biệt đối với trẻ sơ sinh.
Các đơn vị thực hiện tốt việc khám, sàng lọc phát hiện sớm các trường hợp nhiễm virus viêm gan để điều trị, quản lý kịp thời hạn chế biến chứng, thực hiện tốt các hướng dẫn chuyên môn của Bộ Y tế trong việc dự phòng, chẩn đoán, điều trị và chăm sóc bệnh nhân viêm gan virus.
Các địa phương tiếp tục triển khai mạnh mẽ các hoạt động phòng chống bệnh viêm gan virus theo Quyết định số 4531 ngày 24/9/2021 của Bộ trưởng Bộ Y tế.
Cách phòng bệnh viêm gan bí ẩn- BSCKII Nguyễn Nguyên Huyền - Trưởng Khoa khám bệnh cơ sở Kim Chung, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương khuyến cáo, nếu phụ huynh thấy trẻ có biểu hiện đau bụng, buồn nôn, tiêu chảy thì nên cho trẻ đi khám để xem trẻ có tổn thương gan không, từ đó có biện pháp điều trị kịp thời cho trẻ. Cha mẹ tuyệt đối không tự ý điều trị cho trẻ. Trường hợp trẻ đã có biểu hiện tiểu vàng, mắt vàng thì bệnh đã ở giai đoạn khá muộn, rất nguy hiểm. - Trong bối cảnh hiện nay, người dân đã trải qua một thời gian khá dài của đại dịch COVID-19, ý thức phòng bệnh đã dược nâng cao hơn và cần duy trì ý thức, thói quen này. - Ngoài ra, với bệnh viêm gan bí ẩn thì cần chú ý nâng cao vệ sinh cá nhân, sát khuẩn tay thường xuyên, rửa tay trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh. - Thực hiện ăn chín uống chín, nâng cao ý thức về an toàn vệ sinh thực phẩm, dùng thực phẩm an toàn… - Ở nhà và ở trường lớp, trẻ cần được bổ sung dinh dưỡng hợp lý, tiêm phòng theo chương trình tiêm chủng mở rộng của quốc gia đầy đủ để có được hệ miễn dịch khỏe mạnh, tăng cường các hoạt động thể chất ngoài trời. - Nên dạy trẻ duy trì thói quen rửa tay và sát khuẩn tay. Không nên vì lo lắng quá mà hạn chế trẻ vận động ngoài trời. - Theo dõi sát trẻ, khi có dấu hiệu nghi ngờ thì cho trẻ đi khám tại bệnh viện. |
Có thể bạn quan tâm
Viêm gan bí ẩn có liên quan đến COVID-19?
03:00, 06/05/2022
Hơn 200 trẻ em trên thế giới mắc viêm gan bí ẩn: Việt Nam ứng phó thế nào?
03:00, 05/05/2022