Thương mại Việt Nam - Hoa Kỳ: Tăng trưởng "thần kỳ" và lợi thế “cửa ngõ”

NGUYỄN VIỆT thực hiện 19/05/2022 04:00

Quan hệ thương mại Việt Nam - Hoa Kỳ sau khi trở thành đối tác chiến lược thương mại, về quy mô từ năm 1995 đến năm 2021 đã tăng 250 lần.

>>Mở “cao tốc” kinh tế Việt - Mỹ

Chuyên gia kinh tế Vũ Vinh Phú chia sẻ với DĐDN về mối quan hệ thương mại Việt Nam – Hoa Kỳ nhân sự kiện Thủ tướng Phạm Minh Chính đi thăm và làm việc tại Hoa Kỳ.

Chuyên gia kinh tế Vũ Vinh Phú.

Chuyên gia kinh tế Vũ Vinh Phú.

- Ông đánh giá như thế nào về mối quan hệ thương mại Việt Nam – Hoa Kỳ trong thời gian qua?

Quan hệ thương mại giữa Việt Nam - Hoa Kỳ sau khi trở thành đối tác chiến lược thương mại, về quy mô từ năm 1995 đến năm 2021 đã tăng 250 lần. Từ 450 triệu USD năm 1995, đến nay đã tăng lên 111 tỷ USD. Điều này cho thấy tốc độ tăng trưởng ở góc độ song phương so với các nước khác ít khi có được.

Riêng trong năm 2021, quan hệ thương mại Việt Nam và Hoa Kỳ tăng trưởng 21 tỷ USD. Chúng ta lưu ý, mức tăng trưởng này diễn ra trong thời gian đại dịch Covid-19.

Hoa Kỳ là một trong hai đối tác có kim ngạch thương mại với Việt Nam hơn 100 tỷ USD. Đồng thời, Hoa Kỳ cũng là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam.

Qua những con số trên cho thấy, quy mô thương mại giữa Việt Nam và Hoa Kỳ là rất lớn, với tốc độ phát triển cao.

- Còn về triển vọng hai bên trong tương lai sẽ như thế nào, thưa ông?

Thứ nhất, hai nước xác định hai nền kinh tế khi đã có quan hệ hợp tác thì phải bổ trợ lẫn nhau về thương mại, đầu tư, du lịch, xuất nhập khẩu hàng hoá… Bởi vì Việt Nam và Hoa Kỳ có thị trường và sức mua ngày càng tăng và quy mô rất lớn, với gần 100 triệu và hơn 200 triệu dân.

Thứ hai, quan hệ thương mại hai nước có cơ hội phát triển cả chiều rộng lẫn chiều sâu, đặc biệt trong lĩnh vực thương mại.

Thứ ba, trong thương mại phải nói đến uy tín của Việt Nam trong khu vực và quốc tế. Việt Nam đã được công nhận là một trong những trung tâm kinh tế của Đông Nam Á, thành viên tích cực của ASEAN với thị trường hơn 600 triệu dân. Việt Nam là đầu cầu nối liền để hàng hoá của Hoa Kỳ có thể thâm nhập vào thị trường ASEAN và các nước khác ở vùng biển Đông cũng như Thái Bình Dương.

Thứ tư, Việt Nam mới bước đầu phát triển nền kinh tế số nhưng rất có triển vọng. Hiện nay mới chỉ chiếm khoảng 5% GDP và phấn đấu đến năm 2030 sẽ lên 30% GDP. Trong khi đây là lĩnh vực mà Hoa Kỳ đang có thế mạnh có thể hỗ trợ Việt Nam.

Thứ năm, triển vọng khi chuỗi cung ứng toàn cầu đang bị đứt gãy thì Hoa Kỳ cũng là nước có khả năng nối lại chuỗi cung ứng toàn cầu, điều này có lợi cho sản xuất cũng như xuất nhập khẩu hàng hoá của Việt Nam.

Thứ sáu, Hoa Kỳ là nơi nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho Việt Nam. Đơn cử, về vấn đề đào tạo Việt Nam hiện đang có hàng chục nghìn sinh viên đang theo học tại các trường đại học của Mỹ, để bổ sung cho nguồn nhân lực chất lượng cao, kết nối giữa hai nền kinh tế.

Ở chiều ngược lại, thị trường Hoa Kỳ cũng như thị trường Bắc Mỹ hay Nam Mỹ với hàng tỉ dân và GDP lên tới hàng chục nghìn tỷ USD. Đây là một thị trường vô cùng rộng lớn, khi chúng ta tiếp cận thị trường Mỹ thì có thể tiếp cận thị trường các nước khác tại khu vực này.

Đây là tương lại cho những cơ hội hợp tác về nhiều lĩnh vực được mở ra cho hợp tác thương mại Việt – Mỹ trong giai đoạn từ 5 đến 10 năm tới. Theo đánh giá của các chuyên gia kinh tế, khả năng sự phát triển trong 10-20 năm tới có thể tăng gấp 5 đến 10 lần.

>>Nâng tầm quan hệ Việt - Mỹ (Kỳ II): Cần thực chất và hiệu quả hơn

-Theo ông, Việt Nam cần lưu ý như thế nào đến các vấn đề, như rào cản thương mại, nâng cao năng lực sản xuất và thương mại của Việt Nam để đón bắt cơ hội và tiếp cận thị trường Mỹ, tạo mối quan hệ song phương giữa hai nước một cách cân bằng?

Hoa Kỳ là một trong hai đối tác có kim ngạch thương mại với Việt Nam hơn 100 tỷ USD.

Hoa Kỳ là một trong hai đối tác có kim ngạch thương mại với Việt Nam hơn 100 tỷ USD.

Hiện nay Việt Nam đang xuất siêu sang Mỹ khoảng 30 tỷ USD/năm. Việc này có thể dẫn đến nguy cơ bị áp thuế chống bán phá giá để đảm bảo cân bằng thương mại Việt – Mỹ là vấn đề đang được đặt ra, phía Mỹ cũng đòi hỏi có sự cân bằng theo nguyên tắc của WTO là cân bằng thương mại.

Đây là vấn đề Việt Nam phải chú ý trong vấn đề kỹ thuật để làm sao vừa tăng cường quan hệ thương mại nhưng vẫn cân bằng cán cân thương mại được giữa hai bên.

Ví dụ, Việt Nam đã ký những hợp đồng rất lớn với hãng hàng không, hay mua các hàng hoá nông sản, thức ăn gia súc, công nghệ, kỹ thuật của Mỹ. Đây vừa là thế mạnh của Mỹ, nhưng đồng thời chúng ta cũng làm cân bằng cán cân thương mại giữa hai bên.

Một vấn đề nữa đối với Việt Nam trong quan hệ thương mại với Mỹ là nâng cao năng lực cạnh tranh của các sản phẩm Việt Nam đạt các thông số kỹ thuật về an toàn thực phẩm, tiêu chuẩn chất lượng để vào được thị trường Mỹ và khu vực Bắc Mỹ và Nam Mỹ.

Vấn đề này đòi hỏi chúng ta cần phải có những cố gắng vượt bậc hơn nhằm đảm bảo tiêu chuẩn chung về chất lượng hàng hoá của khu vực cũng như trên thế giới, đặc biệt là các mặt hàng nông sản.

Ngoài ra, chúng ta phải có nhận thức, khi Mỹ xuất khẩu sang Việt Nam cũng hỗ trợ Việt Nam rất lớn. Ví dụ, thức ăn gia súc khi nhập khẩu từ Mỹ thì đã giảm được 10% giá thức ăn chăn nuôi ở thị trường Việt Nam.

Ngược lại, chúng ta phải xây dựng chất lượng hàng hoá đạt quy định để mở rộng xuất khẩu sang Mỹ như, xoài, vải, nhãn, thanh long… sang Mỹ. Và khi đã vào được thị trường Mỹ thì cũng sẽ vào được thị trường của các nước khác ở khu vực này.

Chúng ta cũng phải lưu ý đến vấn đề cải cách bộ máy hành chính, chống những chi phí không chính thức, vì theo thống kê cho thấy vẫn còn tới 41% các doanh nghiệp phải chi phí không chính thức. Đây là những con số chúng ta phải khắc phục trong mối quan hệ với Mỹ cũng như các nước khác.

Bên cạnh đó, chúng ta phải nâng cao nguồn nhân lực, đào tạo nhân lực chất lượng cao để đáp ứng đầu tư, phát triển của Mỹ cũng như các nước vào Việt Nam.

Vấn đề này phải làm tích cực, khẩn trương và trách nhiệm để có thể nâng tầm quan hệ Việt – Mỹ, tương xứng với đề nghị của Thủ tướng Phạm Minh Chính là xây dựng mối quan hệ Việt Nam – Hoa Kỳ là đối tác chiến lược trong thời gian tới.

- Mối quan hệ giữa Việt Nam và Hoa Kỳ trong thương mại có ảnh hưởng gì đến thị trường chung ASEAN cũng như khu vực hay không, thưa ông?

Theo nhận định của các chuyên gia kinh tế, tốc độ phát triển đầu tư, thương mại giữa Việt Nam với Mỹ trong 10 – 20 năm tới sẽ tăng từ 5 đến 10 lần.

Theo nhận định của các chuyên gia kinh tế, tốc độ phát triển đầu tư, thương mại giữa Việt Nam với Mỹ trong 10 – 20 năm tới sẽ tăng từ 5 đến 10 lần.

Khi mối quan hệ thương mại Việt – Mỹ mở ra, Mỹ cũng có lợi vì qua Việt Nam hàng hoá của Mỹ sẽ có nhiều cơ hội thâm nhập nhiều hơn vào thị trường Đông Nam Á với 600 triệu dân, gần thị trường Trung Quốc với dân số khoảng 1,4 tỉ người, hay các nước Đông Á như Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia…

Đây là lợi thế cho cả hai bên trong phát triển thương mại. Theo nhận định của các chuyên gia kinh tế, tốc độ phát triển đầu tư, thương mại giữa Việt Nam với Mỹ trong 10 – 20 năm tới sẽ tăng từ 5 đến 10 lần.

Như vậy, chúng ta phải tận dụng thời cơ này để vươn lên, vì Mỹ là một thị trường rất lớn, triển vọng và tiềm năng. Đặc biệt, Mỹ là một đối tác chiến lược rất quan trọng, vừa qua Mỹ có cam kết ổn định chính trị ở khu vực biển Đông, tránh những xung đột xảy ra.

Mặc dù là vấn đề chính trị, quân sự nhưng chính là vấn đề để chúng ta ổn định hợp tác thương mại giữa Việt Nam – Hoa Kỳ cũng như với các nước khác. Vì nếu không có sự cam kết của Mỹ và Thủ tướng Phạm Minh Chính có đề nghị hợp tác về an ninh biển Đông giữa ASEAN và Mỹ.

Những vấn đề này tưởng xa với kinh tế nhưng không phải, có ổn định chính trị, có hợp tác bền vững và đảm bảo hoà bình thì mới phát triển thương mại, trong đó có sự kết nối lại các chuỗi cung ứng toàn cầu, mà biển Đông là một vị trí rất quan trọng.

Chúng ta có hơn 3.000 km bờ biển và một vị trí rất trọng tâm về hàng không cũng như đường biển của Việt Nam đối với mối quan hệ thương mại và đầu tư giữa Việt Nam với Mỹ và Việt Nam với các nước khác trên thế giới.

Ở đây phải nói rộng ra, từ quan hệ Việt Nam – Hoa Kỳ chúng ta mở rộng thương mại đối với các nước, nhất là trong điều kiện Việt Nam đã ký kết 16 hiệp định thương mại tự do từ song phương đến đa phương với các nước.

Đây là điều kiện rất thuận lợi cho Việt Nam để mở rộng mối quan hệ thương mại Việt – Mỹ trong thời gian tới.

- Trân trọng cảm ơn ông!

Có thể bạn quan tâm

  • Mở “cao tốc” kinh tế Việt - Mỹ

    11:16, 16/05/2022

  • Nâng tầm quan hệ Việt - Mỹ (Kỳ II): Cần thực chất và hiệu quả hơn

    04:00, 15/05/2022

  • Nhiều kỳ vọng mới trong hợp tác thương mại Việt - Mỹ

    15:13, 12/05/2022

  • Quan hệ Việt - Mỹ phát triển mạnh mẽ từ chân thành, lòng tin, trách nhiệm

    09:20, 12/05/2022

  • Thúc đẩy hoạt động hợp tác giữa cộng đồng doanh nghiệp Việt - Mỹ

    15:08, 06/04/2022

NGUYỄN VIỆT thực hiện