Trường Sa sẽ là trung tâm kinh tế trên biển
Huyện Trường Sa sẽ tập trung thu hút nguồn lực, đẩy mạnh phát triển kinh tế- xã hội theo hướng phát triển xanh, bền vững, gắn phát triển kinh tế biển với bảo vệ chủ quyền biển đảo.
>>Thế đứng Trường Sa, Hoàng Sa
Tại buổi làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Khánh Hòa mới đây, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu quy hoạch xây dựng huyện đảo Trường Sa thành trung tâm kinh tế, văn hóa, xã hội trên biển của cả nước; là thành trì vững chắc bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc.
Trao đổi với Diễn đàn Doanh nghiệp, ông Lê Đình Hải, chủ tịch UBND huyện Trường Sa (Khánh Hòa), cho biết. Trong thời gian tới, huyện sẽ tập trung thu hút nguồn lực, đẩy mạnh phát triển kinh tế- xã hội theo hướng phát triển xanh, bền vững, gắn phát triển kinh tế biển với bảo vệ chủ quyền biển đảo.
- Trường Sa có tiềm năng rất lớn để phát triển kinh tế biển, xin ông cho biết thực trạng dịch vụ hậu cần nghề cá trên huyện đảo hiện nay?
Hiện nay, quần đảo Trường Sa đã có một số âu tàu và Trung tâm Dịch vụ hậu cần nghề cá. Các âu tàu có thể tiếp nhận sửa chữa tàu công suất 2.000DWT, đủ điều kiện cho các tàu có trọng tải 1.000 - 2.000 tấn ra vào, neo đậu, tránh bão và thực hiện công tác hậu cần, kỹ thuật.
Đặc biệt, Trung tâm dịch vụ hậu cần tại đảo Đá Tây tổ chức được nhiều đội tàu vận chuyển nhiên liệu, lương thực, nhu yếu phẩm, nước ngọt đến các đảo để cung ứng cho ngư dân. Giá cả các dịch vụ như dầu nhớt, lương thực, thực phẩm, bằng với giá ở đất liền. Đồng thời, Trung tâm làm nhiệm vụ thu mua hải sản, dẫn luồng vào âu tàu, cứu hộ cứu nạn khi tàu ngư dân gặp nạn. Vào những ngày biển động, Trung tâm dịch vụ hậu cần còn là nơi tránh trú bão an toàn cho tàu thuyền của ngư dân.
Bên cạnh đó, trong thời gian qua, UBND huyện đã phối hợp với các lữ đoàn và Trung tâm Dịch vụ hậu cần nghề cá trên đảo thực hiện tốt việc giúp đỡ ngư dân ra đánh bắt hải sản tại ngư trường quần đảo Trường Sa; tổ chức công tác cứu hộ, cứu nạn đối với ngư dân gặp nạn trên biển, sửa chữa tàu thuyền của ngư dân khi bị hỏng hóc, khám chữa bệnh cho ngư dân.
Với sự quan tâm của các bộ, ngành trung ương, địa phương và hoạt động hiệu quả của hai đơn vị chủ lực là Tổng công ty Tân Cảng Sài Gòn và Công ty TNHH MTV dịch vụ khai thác hải sản Biển Đông (Bộ NN&PTNT), trong thời gian tới, các cơ sở hậu cần nghề cá ở huyện đảo Trường Sa sẽ được tiếp tục hiện đại hóa đáp ứng tốt hơn nhu cầu của ngư dân.
>>Sức mới Trường Sa
>>Trường Sa sẽ thành trung tâm kinh tế trên biển
>>Phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội tại huyện đảo Trường Sa
- Vậy còn tiềm năng phát triển du lịch ở Trường Sa ra sao, thưa ông?
Phát triển du lịch cho Trường Sa đã được Tổng cục Du lịch, tỉnh Khánh Hoà tính đến từ nhiều năm qua. Trong chiến lược phát triển du lịch biển đảo, du lịch Trường Sa được coi như một loại hình du lịch đặc thù, không đơn thuần chỉ là một sản phẩm du lịch mà còn là một cách thức để người Việt Nam thể hiện lòng yêu nước của mình; trải nghiệm và cảm nhận sâu sắc hơn về chủ quyền biển đảo, một hành trình giáo dục tình yêu đất nước và biển cả.
Tuy nhiên, tour du lịch Trường Sa là hải trình dài, chi phí cao và ở khu vực xa đất liền, các tour cần giải quyết nhiều khó khăn với những điều kiện đặc biệt để đảm bảo an toàn tuyệt đối cho du khách. Chính vì vậy, trong thời gian tới, khi đủ điều kiện cho phép, các chuyến du lịch ở Trường Sa sẽ được thực hiện.
- Về lâu dài, huyện đảo Trường Sa đang được định hướng phát triển thành trung tâm kinh tế trên biển của cả nước, theo ông để làm được điều đó cần hội tụ các điều kiện như thế nào?
Nghị quyết số 09-NQ/TW của Bộ Chính trị về xây dựng, phát triển tỉnh Khánh Hòa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 cũng đã định hướng đẩy manh xây dựng và phát triển huyện đảo Trường Sa trở thành trung tâm kinh tế, văn hoá, xã hội trên biển của cả nước; là pháo đài vững chắc bảo vệ chủ quyền của Tổ quốc.
Đây là một nhiệm vụ rất lớn đòi hỏi phải có những nghiên cứu đánh giá phân tích khoa học và sự phối hợp đồng bộ, giữa các bộ, ngành và tỉnh Khánh Hòa. Để đạt được mục tiêu đề ra trước hết phải bắt đầu tư công tác quy hoạch. Tiếp đến chúng ta phải dành nguồn lực đảm bảo đầu tư cho phát triển hạ tầng, thu hút đầu tư vào thế mạnh của huyện là nuôi trồng, đánh bắt, khai thác, chế biến hải sản.
Chúng ta cũng phải ưu tiên nguồn lực xây dựng các trung tâm hậu cần nghề cá. Đặc biệt, tạo được sinh kế cho người dân để họ yên tâm bám biển phát triển kinh tế. Tất cả các chính sách trên sẽ được thực hiện trên cơ sở luật pháp quốc tế, đặc biệt là Công ước Liên Hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982.
- Xin cảm ơn ông!
Có thể bạn quan tâm
Thế đứng Trường Sa, Hoàng Sa
05:00, 12/04/2022
Sức mới Trường Sa
11:00, 17/03/2022
Trường Sa sẽ thành trung tâm kinh tế trên biển
09:00, 15/03/2022
Phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội tại huyện đảo Trường Sa
05:00, 15/03/2022
Quy hoạch không gian biển (Bài 3): Một số kiến nghị của nhóm chuyên gia
04:30, 19/05/2022
Quy hoạch không gian biển (Bài 2): Khẳng định chủ quyền!
05:00, 17/05/2022
Quy hoạch không gian biển (Bài 1): Yêu cầu tất yếu trong bối cảnh mới!
05:13, 16/05/2022