Năng suất lao động “níu giữ” nền kinh tế
Năng suất lao động thời gian qua đạt thấp có yếu tố khách quan dịch bệnh Covid-19. Tuy nhiên, chủ quan lại đến từ khâu phân bổ nguồn vốn cho giáo dục đào tạo và khoa học công nghệ chưa hợp lý.
>>Kích hoạt “lò xo” năng suất lao động
Chia sẻ với DĐDN, ông Trần Văn Lâm, Ủy viên thường trực Ủy ban Tài chính ngân sách của Quốc hội cho rằng, tăng năng suất lao động quyết định rất lớn tới việc phục hồi và bứt tốc của nền kinh tế.
- Theo báo cáo của Chính phủ tại kỳ họp thứ 3 của Quốc hội Khóa XV, có 5/12 chỉ tiêu kinh tế không đạt được. Đáng chú ý là chỉ tiêu về tăng năng suất lao động thấp hơn mục tiêu đề ra (4,8%). Ông đánh giá về vấn đề này như thế nào?
Với bối cảnh dịch bệnh, các chuỗi sản xuất bị đứt gãy, hoạt động sản xuất, đầu tư, kinh doanh gặp rất nhiều khó khăn, doanh nghiệp bị đình đốn, thậm chí phá sản. Và khi tổng sản phẩm xã hội không đạt thì bình quân năng suất lao động khó có thể đạt mục tiêu.
Hệ lụy là trong giai đoạn này, các chỉ số về hiệu quả đầu tư đều giảm sút rất mạnh, hệ số ICOR thời gian qua đã từng bước giảm dần, nhưng do tác động dịch bệnh chỉ số này còn tăng lên gấp nhiều lần.
- Tuy nhiên, đây lại là một chỉ tiêu rất quan trọng nếu chúng ta muốn tăng tốc đuổi kịp các nền kinh tế phát triển cũng như nền kinh tế đứng đầu khu vực, thưa ông?
Đúng như vậy, nếu Việt Nam muốn đuổi kịp các nền kinh tế trong khu vực thì phải gia tăng về chất, đó chính là hiệu quả của nền kinh tế và thể hiện trong một chỉ tiêu quan trọng đó là năng suất lao động.
Nhưng năng suất lao động lại phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố, trong đó có chất lượng lao động, hiệu quả sử dụng các nguồn lực, tài nguyên, đất đai, kỹ thuật, khoa học công nghệ…
>>Thúc đẩy năng suất lao động quốc gia (Kỳ I): Tiến trình "kỳ lạ" của năng suất lao động Việt Nam
>>Thúc đẩy năng suất lao động quốc gia (Kỳ III): Sự dai dẳng của lao động phổ thông
>>Thúc đẩy năng suất lao động quốc gia (kỳ IV): Cần đội ngũ chuyên gia "bắt bệnh" cho doanh nghiệp
- Vậy, để nâng cao năng suất lao động trong thời gian tới thì chúng ta cần phải quan tâm nhiều hơn đến những yếu tố nào, thưa ông?
Thứ nhất, chúng ta phải tiếp tục gia tăng và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trong đào tạo, đặc biệt là đào tạo nghề, giải quyết việc làm.
Thứ hai, nâng cao hiệu quả các nguồn lực, đó là nguồn vốn phải được đầu tư trúng, đúng, hiệu qủa, không thể đầu tư dàn trải hay đầu tư vào những lĩnh vực hiệu quả kém.
Thứ ba, sử dụng các nguồn tài nguyên như đất đai, tài nguyên thiên nhiên cần được sử dụng một cách tối ưu.
Thứ tư, đầu tư về khoa học công nghệ và đào tạo. Thời gian qua đầu tư cho giáo dục đào tạo và khoa học công nghệ còn bất cập. Chúng ta coi 2 lĩnh vực này là quốc sách hàng đầu và dành tới 20% ngân sách hàng năm cho giáo dục, 2% cho khoa học công nghệ. Tuy nhiên, tại một số ngành, địa phương đã không bố trí được theo tỉ lệ quy định, hoặc có bố trí đúng thì lại sử dụng không hết. Những dấu hiệu này rất đáng quan ngại và cần nhận biết để khắc phục, xử lý nhằm tiếp tục tạo lập yếu tố tăng trưởng dựa trên chất lượng chính là năng suất lao động.
- Ông có thể phân tích rõ hơn bất cập về đầu tư cho khoa học công nghệ và đào tạo tác động tiêu cực đến tăng năng suất lao động của chúng ta hiện nay?
Đây là điều đáng quan ngại. Thực ra, việc chi cho giáo dục 20% ngân sách hàng năm không phải thấp trong cơ cấu. Tuy nhiên, có một vấn đề hiện nay là cơ chế chính sách còn bất hợp lý ở chỗ chúng ta đã bình quân 20% này.
Đơn cử, với 20% ở một địa phương nghèo thì không đáng bao nhiêu, trong khi họ lại rất cần khoản đầu tư cho phát triển giáo dục, đào tạo.
Còn tại một số tỉnh thành như Hà Nội, TP.HCM 20% này lại rất lớn. Nhưng hai thành phố này lại có điều kiện xã hội hoá, huy động các nguồn lực từ xã hội, cho nên có thể chi không hết.
Với khoa học công nghệ cũng như vậy, chúng ta định mức chi bình quân. Điều này dẫn đến có những lĩnh vực cần thì không có nguồn lực, còn có những nơi không có đề tài, đề án nhưng vẫn phải bố trí tiền theo đúng quy định. Như vậy, dẫn đến không sử dụng nguồn vốn hiệu quả và tối ưu.
Do đó, thời gian tới, việc phân bổ ngân sách cho khoa học công nghệ và giáo dục đào tạo cũng cần được nghiên cứu, xem xét điều chỉnh cho hợp lý hơn để phát huy hiệu quả tối đa.
- Trân trọng cảm ơn ông!
Có thể bạn quan tâm
Ổn định đời sống, tăng năng suất lao động để phục hồi kinh tế
05:30, 01/05/2022
Kích hoạt “lò xo” năng suất lao động
04:00, 01/05/2022
VCCI-HCM: Phát triển kỹ năng và thúc đẩy năng suất lao động
05:00, 28/12/2021
“Bỏ trần” giờ làm thêm và giới hạn năng suất lao động
03:41, 23/12/2021
Thúc đẩy năng suất lao động quốc gia (kỳ IV): Cần đội ngũ chuyên gia "bắt bệnh" cho doanh nghiệp
11:57, 08/05/2021
Thúc đẩy năng suất lao động quốc gia (Kỳ III): Sự dai dẳng của lao động phổ thông
11:00, 04/05/2021
Thúc đẩy năng suất lao động quốc gia (Kỳ II): Những nỗ lực “rời rạc” khiến xếp hạng nằm nhóm "áp chót"
11:30, 02/05/2021
Thúc đẩy năng suất lao động quốc gia (Kỳ I): Tiến trình "kỳ lạ" của năng suất lao động Việt Nam
13:00, 01/05/2021
Năng suất lao động và thu nhập: Luẩn quẩn chuyện quả trứng - con gà”!
05:03, 01/05/2021