Chủ tịch Quốc hội: Triển khai gói phục hồi kinh tế-nhiệm vụ khó nhưng phải siết chặt kỷ luật
Triển khai gói phục hồi kinh tế, nhiệm vụ khó nhưng phải siết chặt kỷ luật, kỷ cương, cố gắng làm sớm.
>>Đề nghị Chính phủ báo cáo rõ nguyên nhân chưa đủ điều kiện thông báo vốn
Đây là yêu cầu của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ tại phiên họp sáng 4/6, của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về khung danh mục, mức vốn bố trí cho nhiệm vụ, dự án thuộc Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.
Chính phủ cần khẩn trương thông báo với số vốn còn lại để các bộ, cơ quan Trung ương và địa phương có căn cứ đẩy nhanh tiến độ hoàn thiện thủ tục chuẩn bị đầu tư.
Sáng 4/6, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về tình hình triển khai thực hiện và dự kiến danh mục, mức vốn bố trí cho nhiệm vụ, dự án thuộc Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.
Khẩn trương xây dựng phương án phân bổ chi tiết gói hỗ trợ lãi suất 2%
Trình bày Báo cáo về tình hình triển khai thực hiện và dự kiến Danh mục, mức vốn bố trí cho nhiệm vụ, dự án thuộc Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, tại Kỳ họp bất thường lần thứ nhất, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết số 43/2022/QH15 về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.
Trong đó quy định mục tiêu, đối tượng, nguyên tắc, tiêu chí lựa chọn và phân bổ vốn, các cơ chế đặc thù áp dụng cho đầu tư công thuộc Chương trình này và một số nhiệm vụ chi vốn đầu tư phát triển, tăng chi từ nguồn ngân sách Nhà nước tối đa 176 nghìn tỷ đồng, thời gian sử dụng chủ yếu trong hai năm 2022 và 2023.
Theo đó, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, số vốn cho từng nhiệm vụ y tế (14 nghìn tỷ đồng), an sinh xã hội, lao động và việc làm (8,15 nghìn tỷ đồng), hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh (40 nghìn tỷ đồng), cấp vốn điều lệ cho Quỹ hỗ trợ phát triển tối đa 300 tỷ đồng; đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng 113,55 nghìn tỷ đồng.
>>Cần cơ chế mới để ngành dầu khí phát triển đột phá
Đồng thời, Nghị quyết 43 cũng giao Chính phủ căn cứ các nguyên tắc, tiêu chí quy định tại khoản 1, Điều 3 của Nghị quyết, khẩn trương rà soát, hoàn thiện danh mục các dự án sử dụng nguồn vốn của Chương trình, báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến trước khi phân bổ vốn.
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cũng nêu rõ, trên cơ sở kết quả rà soát và đề xuất của các bộ, cơ quan trung ương, địa phương, Thủ tướng Chính phủ đã thông báo tổng mức vốn, chi tiết danh mục và mức vốn dự kiến cho từng nhiệm vụ, dự án của từng Bộ, cơ quan trung ương, địa phương với tổng số vốn là 149.201 tỷ đồng cho 4 dự án đường cao tốc, quốc lộ thuộc lĩnh vực giao thông; 965 tỷ đồng các bộ, cơ quan Trung ương đề xuất không bố trí vốn từ Chương trình nên không đủ điều kiện thông báo vốn để làm căn cứ phê duyệt chủ trương đầu tư dự án.
Chính phủ đề nghị các Bộ ngành, cơ quan Trung ương, địa phương phải hoàn thành thủ tục đầu tư dự án chậm nhất là 30 ngày kể từ ngày nhận được thông báo, không bao gồm dự án quan trọng quốc gia. Đồng thời, báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đối với danh mục nhiệm vụ, dự án đã đủ thủ tục đầu tư để báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Đối với khoản hỗ trợ lãi suất 2% là 40.000 tỷ đồng thông qua hệ thống các ngân hàng thương mại cho một số ngành, lĩnh vực quan trọng, các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doah có khả năng trả nợ, có khả năng phục hồi.
Cho vay cải tạo chung cư cũ, xây dựng nhà ở xã hội, nhà cho công nhân, thuê và thuê mua. Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, Ngân hàng Nhà nước đang khẩn trương xây dựng phương án phân bổ chi tiết.
Đối với các dự án thuộc lĩnh vực y tế, giao thông chưa đủ điều kiện thông báo vốn nêu trên, Chính phủ đã chỉ đạo các bộ, cơ quan trung ương, địa phương tiếp tục khẩn trương rà soát, đề xuất dnh mục và mức vốn cụ thể có trọng tâm, trọng điểm, tránh dàn trải, bảo đảm hiệu quả đầu tư, phù hợp với mục tiêu, nguyên tắc, tiêu chí lựa chọn và phên bổ vốn tại Nghị quyết số 43 của Quốc hội.
Báo cáo rõ nguyên nhân chưa phân bổ hết số vốn Quốc hội cho phép
Trình bày báo cáo thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính – Ngân sách Nguyễn Phú Cường lưu ý, Thủ tướng Chính phủ thông báo vốn cho các Bộ, cơ quan Trung ương và địa phương là 149,201 nghìn tỷ đồng, bằng 84,77% so với số Quốc hội cho phép (tối đa là 176 nghìn tỷ đồng).
Số còn lại chưa thông báo khoảng 26,8 nghìn tỷ đồng (trong đó có 14 nghìn tỷ đồng cho lĩnh vực y tế, 11,8 nghìn tỷ đồng cho 4 dự án đường cao tốc).
Vì vậy, Ủy ban Tài chính – Ngân sách cho rằng, Thủ tướng Chính phủ cần khẩn trương thông báo hết số vốn còn lại cho các bộ, cơ quan trung ương và địa phương để hoàn thiện thủ tục đầu tư, trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến.
Đề nghị, Chính phủ báo cáo rõ nguyên nhân chưa đủ điều kiện thông báo vốn, giải pháp để thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội.
Ủy ban Tài chính – Ngân sách đề nghị, Thủ tướng Chính phủ khẩn trương thông báo số vốn còn lại cho các bộ, cơ quan Trung ương và địa phương để hoàn thiện thủ tục đầu tư. Chính phủ chỉ đạo, đôn đốc các bộ, cơ quan trung ương và địa phương khẩn trương hoàn thiện thủ tục đầu tư theo quy định để Chính phủ hoàn thiện danh mục, báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến trước khi phân bổ vốn.
Đối với 3 dự án đường cao tốc (Biên Hòa - Vũng Tàu, Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột, Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng), đề nghị Chính phủ báo cáo Quốc hội xem xét, quyết định chủ trương đầu tư các dự án quan trọng quốc gia theo quy định của Luật Đầu tư công.
Có đến đâu sẽ trình đến đấy, không nhất thiết phải chờ một đợt
Qua thảo luận, xem xét của các Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, kết luận nội dung này, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh, đến nay mới trình danh mục, mức vốn bố trí cho nhiệm vụ, dự án thuộc Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội ra Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến là rất chậm, phần nào đó làm giảm hiệu quả của Chương trình.
Vì vậy, Chủ tịch Quốc hội lưu ý Chính phủ cần nghiêm túc rút kinh nghiệm, đánh giá nguyên nhân của sự chậm trễ này, chỉ rõ cụ thể những nguyên nhân chủ quan, khách quan, trên cơ sở đó rút kinh nghiệm và triển khai quyết liệt để sớm có kết quả cụ thể của gói chính sách này theo Nghị quyết số 43 của Quốc hội.
“Chúng ta vẫn nói đầu tư công dễ bị chậm. Chậm trong thực hiện các dự án khác đã dở rồi, chậm thực hiện gói phục hồi và kích thích kinh tế thì hiệu quả của gói này càng chậm đi. Vẫn biết thực hiện nhiệm vụ này khó, nhưng cần siết chặt kỷ luật, kỷ cương và cố gắng làm sớm, không để lâu”, Chủ tịch Quốc hội nói.
Chủ tịch Quốc hội cũng cho biết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cơ bản tán thành với khung danh mục, mức vốn bố trí cho nhiệm vụ, dự án thuộc Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Song, các Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị:
Thứ nhất, Chính phủ khẩn trương thông báo với số vốn còn lại bao gồm 14 nghìn tỷ đồng cho lĩnh vực hạ tầng y tế và 11.830 tỷ đồng cho các cái dự án tầng khác để các bộ, cơ quan Trung ương và địa phương có căn cứ đẩy nhanh tiến độ hoàn thiện thủ tục chuẩn bị đầu tư.
Thứ hai, Chính phủ chỉ đạo, đôn đốc bộ, cơ quan Trung ương và địa phương nhanh chóng hoàn thiện thủ tục đầu tư theo quy định để Chính phủ hoàn thiện danh mục, báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến trước khi phân bổ vốn. Tinh thần là có đến đâu sẽ trình đến đấy, không nhất thiết phải chờ một đợt.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội chia sẻ vấn đề này, sẽ họp nhiều lần, để xem xét kịp thời vì nếu để chờ một lần đủ hết thì sẽ lại chậm triển khai gói chính sách cho phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội.
Chính phủ cần cố gắng khẩn trương, dự án nào, gói nào hoàn thành trước thì trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến trước, qua đó tạo thuận lợi cho chính Chính phủ trong triển khai.
Chính phủ cần bám sát tinh thần nội dung nào đã rõ, đã chắc và hoàn thành rồi sẽ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến. Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẵn sàng họp ngoài giờ, họp bất thường để nhanh cho nền kinh tế. Hỗ trợ cho nền kinh tế nhanh bao nhiêu thì cố gắng của chúng ta sẽ hoàn toàn xứng đáng.
Thứ ba, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhất trí về đề xuất của Chính phủ về việc dành 9.620 tỷ đồng trong tổng số gói 176.000 tỷ đồng thuộc Nghị quyết 43 của Quốc hội để phân bổ vốn cho 3 dự án đường cao tốc thuộc danh mục các dự án quan trọng quốc gia trình Quốc hội xem xét, thông qua tại Kỳ họp thứ Ba này.
Trong đó, có 3.800 tỷ đồng dành cho dự án đường bộ cao tốc Châu Đốc- Cần Thơ -Sóc Trăng giai đoạn; hơn 2.320 tỷ đồng cho dự án đường bộ cao tốc Khánh Hòa – Buôn Ma Thuột giai đoạn 1; và 3.500 tỷ đồng cho dự án và 3.500 tỷ đồng cho dự án dự án cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu giai 1.
Cũng trong phiên họp sáng 4/6, các Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã biểu quyết thông qua Danh mục, mức vốn bố trí cho nhiệm vụ, dự án thuộc Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.
Có thể bạn quan tâm
Đại biểu Quốc hội Ma Thị Thúy: Tập trung quyết liệt, hiệu quả phục hồi và phát triển KTXH
21:48, 01/06/2022
Đại biểu Quốc hội Tô Văn Tám: Người dân vẫn chờ vaccine COVID-19 thương hiệu Việt
13:43, 01/06/2022
5 DỰ ÁN GIAO THÔNG LỚN ĐƯỢC QUỐC HỘI XEM XÉT (Bài 4): Cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu thuộc Chương trình phục hồi kinh tế
05:15, 31/05/2022
5 DỰ ÁN GIAO THÔNG LỚN ĐƯỢC QUỐC HỘI XEM XÉT (Bài 3): Cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng tạo sức lan toả cho ĐBSCL
04:13, 31/05/2022
5 DỰ ÁN GIAO THÔNG LỚN ĐƯỢC QUỐC HỘI XEM XÉT (Bài 2): “Đánh thức” du lịch Tây Nguyên từ cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột
03:00, 31/05/2022
Quốc hội “gỡ khó” cho công tác quy hoạch
03:50, 30/05/2022
Ủy ban Văn hoá Giáo dục của Quốc hội: Đề nghị môn Lịch sử là môn học bắt buộc
00:44, 26/05/2022