Khánh Hòa hướng tới cực tăng trưởng: Cơ hội và trọng trách

NGUYỄN VIỆT thực hiện 05/06/2022 12:01

Cơ chế đặc thù hướng tới đưa Khánh Hòa trở thành một cực tăng trưởng vào năm 2030 như định hướng tại Nghị quyết 09 của Bộ Chính trị.

GS.TS Hoàng Văn Cường, đại biểu Quốc hội khóa XV, Ủy viên Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội chia sẻ với Chia sẻ với DĐDN.

>>Chính sách đặc thù cho Khánh Hòa chưa đột phá

- Ông đánh giá như thế nào về những tác động của các cơ chế đặc thù tới từng địa phương?

Thời gian vừa qua chúng ta thấy có nhiều tỉnh được phê duyệt cơ chế đặc thù. Tuy nhiên, trong cơ chế đặc thù này có rất nhiều điểm trùng nhau. Ví dụ, giao cho các tỉnh có quyền quyết định chuyển đổi mục đích sử dụng đất trồng lúa dưới 500 ha và đất rừng.

Như vậy, nếu phù hợp với quy hoạch thì thể hiện một điều, việc đó gần như là một yêu cầu tất yếu khách quan, và không nhất thiết phải trình lên Chính phủ, Thủ tướng, các địa phương đều có thể quyết định được. Vấn đề là phải tuân thủ đúng các quy định.

Tôi cho rằng, cơ chế đặc thù mặc dù chỉ ban hành cho một số tỉnh, nhưng có thể tiến đến phải thay đổi để trở thành một quy định pháp luật chung và mang tính đại trà cho các tỉnh khác. Đây gọi là cơ chế thí điểm tại một địa phương.

Hoặc như cơ chế cho phép các địa phương được xây dựng mức thu phí, lệ phí phù hợp với địa phương mình. Theo tôi, những quy định này không ảnh hưởng đến những đơn vị khác.

Do đó, phần lớn cơ chế đặc thù hiện nay các tỉnh đề xuất sẽ dần trở thành biện pháp thí điểm để tiến tới phổ quát hoá thông qua các quy định của pháp luật.

 Khánh Hoà phát triển nghề cá gắn liền với vai trò bảo vệ chủ quyền và an ninh biển đảo. (Ảnh: Tàu cá neo đậu tại cảng Hòn Rớ, TP Nha Trang)

Khánh Hoà phát triển nghề cá gắn liền với vai trò bảo vệ chủ quyền và an ninh biển đảo. (Ảnh: Tàu cá neo đậu tại cảng Hòn Rớ, TP Nha Trang)

>>Khánh Hòa cần phát huy tốt nhất tiềm năng, tạo cơ hội mới cho phát triển

- Còn với Khánh Hoà thì cần những cơ chế đặc thù chỉ riêng của địa phương này, thưa ông?

Khánh Hoà có nhiều yếu tố đặc biệt hơn so với các tỉnh, thành khác nên cần những cơ chế đúng là đặc thù của Khánh Hoà. Đơn cử, cơ chế phát triển nghề cá của Khánh Hoà. Mặc dù không phải chỉ Khánh Hoà mới có biển, nhưng biển Khánh Hoà có ý nghĩa không chỉ về kinh tế, mà còn về chính trị, quốc phòng, an ninh chủ quyền biển đảo. Việc phát triển nghề cá của Khánh Hoà cần được đặt trong bối cảnh đó thực sự phải là một cơ chế đặc thù để phát triển nghề cá gắn liền với vai trò bảo vệ chủ quyền và an ninh biển đảo.

Tỉnh Khánh Hoà cũng có một điểm rất đặc thù, đó là Vịnh Vân Phong. Đây là một đặc thù, ưu thế không phải chỉ đối với Việt Nam, mà còn là ưu thế của cả khu vực Đông Nam Á trên Biển Đông. Đó là một cảng nước sâu, có một phần diện tích nằm ngoài Biển Đông, nên có thể trở thành một trung tâm thu hút các dịch vụ về vận tải biển trên khu vực Biển Đông.

- Vậy theo ông, Khánh Hoà sẽ cần những gì để phát huy hiệu quả cơ chế đặc thù tới vùng và cả nước?

Cơ chế này không phải chỉ để phát triển riêng cho Khánh Hoà, vì khi có cơ chế đặc thù, khu vực này sẽ trở thành một trung tâm logistics trên biển cho cả nước, thậm chí mang tầm khu vực và quốc tế. Đây mới là những điều cần có cơ chế riêng, cơ chế đặc biệt để tạo động lực phát triển cho cả khu vực.

Với Vịnh Vân Phong, nếu chúng ta hình thành được một cảng trung chuyển quốc tế, thì tác động của cảng đó không phải chỉ dành cho phát triển kinh tế Khánh Hoà, mà còn phát triển kinh tế của cả quốc gia.

Vì khi cảng Vân Phong trở thành trung tâm trung chuyển quốc tế thì tất cả hàng hoá xuất nhập khẩu không phải chỉ trong nước, mà còn các dịch vụ hàng hải quốc tế thông qua Biển Đông sẽ vào sử dụng. Từ đó, sẽ trở thành yếu tố tạo ra sự lan toả và phát triển đến các vùng khác trong cả nước.

- Trân trọng cảm ơn ông!

Bộ Chính trị yêu cầu phát huy mọi tiềm năng, lợi thế để phát triển tỉnh Khánh Hòa nhanh và bền vững, để đến năm 2030 Khánh hòa là thành phố trực thuộc Trung ương trên cơ sở phát huy cao độ tiềm năng và lợi thế về biển, là đô thị thông minh, bền vững, bản sắc và kết nối quốc tế; là trung tâm dịch vụ, du lịch biển quốc tế; là một cực tăng trưởng, trung tâm của khu vực duyên hải Nam Trung Bộ, Tây Nguyên và cả nước.

Nghị quyết số 09-NQ/TW, ngày 28/01/2022 của Bộ Chính trị

Có thể bạn quan tâm

  • 5 DỰ ÁN GIAO THÔNG LỚN ĐƯỢC QUỐC HỘI XEM XÉT (Bài 2): “Đánh thức” du lịch Tây Nguyên từ cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột 

    03:00, 31/05/2022

  • Chính sách đặc thù cho Khánh Hòa chưa đột phá

    19:09, 21/04/2022

  • TIN NÓNG CHÍNH PHỦ: Khánh Hòa cần phát huy tốt nhất tiềm năng, tạo cơ hội mới cho phát triển

    20:13, 05/04/2022

  • TIN NÓNG CHÍNH PHỦ: Chính phủ ban hành Chương trình hành động phát triển Khánh Hòa trở thành đô thị thông minh, kết nối quốc tế

    20:30, 21/03/2022

NGUYỄN VIỆT thực hiện