Chất vấn lĩnh vực nông nghiệp: Kinh tế nông nghiệp cần những chính sách phù hợp

NGUYỄN VIỆT 07/06/2022 05:00

Nông nghiệp có vai trò quan trọng, nhưng việc đầu tư ngân sách nhà nước và nguồn lực xã hội những năm qua chưa tương xứng với những đóng góp của nông nghiệp đối với Quốc gia và xã hội. 

>>THỦ TƯỚNG ĐỐI THOẠI VỚI NÔNG DÂN: Khuyến khích doanh nghiệp lớn đầu tư vào nông nghiệp

LTS: Theo chương trình Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV, phiên chất vấn của Quốc hội sẽ được tổ chức trong 2,5 ngày làm việc, bắt đầu từ chiều ngày 7/6 đến hết ngày 9/6. Qua tổng hợp ý kiến đại biểu Quốc hội, các nhóm vấn đề được lựa chọn chất vấn tại kỳ họp lần này gồm: nông nghiệp và phát triển nông thôn; tài chính; ngân hàng; giao thông vận tải.

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Văn Thi (Bắc Giang).

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Văn Thi (Bắc Giang).

Vấn đề đầu tiên liên quan đến lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn. Người có trách nhiệm trả lời là Bộ trưởng NN&PTNT Lê Minh Hoan, bắt đầu phiên chất vấn từ chiều ngày 7/6.

Nội dung tập trung vào công tác tổ chức sản xuất gắn với thị trường tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp; phối hợp xây dựng cơ chế, chính sách xúc tiến thương mại, đàm phán mở cửa, phát triển thị trường nông sản.

Giải pháp ổn định thị trường, kiểm soát sự biến động giá của một số mặt hàng nông sản, thủy sản, thức ăn chăn nuôi, vật tư nông nghiệp.

Việc cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính, thu hút đầu tư kinh doanh trong trong lĩnh vực nông nghiệp, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp, nâng cao giá trị sản phẩm, thích ứng với biến đổi khí hậu, bảo đảm phát triển bền vững.

Các Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành; Bộ trưởng các Bộ: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Công Thương, Khoa học và Công nghệ cùng tham gia trả lời chất vấn, giải trình về những vấn đề có liên quan.

Trước đó, trong các phiên thảo luận, Đại biểu Quốc hội Nguyễn Văn Thi (Bắc Giang) đã nhấn mạnh và cho rằng, cần ban hành các chính sách phù hợp hỗ trợ phát triển kinh tế nông nghiệp, nông thôn.

Theo đại biểu Nguyễn Văn Thi, hơn 2 năm qua khi chịu sự tác động nặng bởi dịch bệnh COVID-19, khu vực nông nghiệp tiếp tục phát huy vai trò là trụ đỡ của nền kinh tế, bảo đảm an ninh lương thực quốc gia, tạo cơ sở quan trọng để đảm bảo sự ổn định và thực hiện các chính sách an sinh xã hội.

Đại biểu Nguyễn Văn Thi nêu rõ, nông nghiệp có vai trò quan trọng như vậy nhưng trong việc đầu tư ngân sách nhà nước và nguồn lực xã hội vào nông nghiệp những năm qua chưa tương xứng với những đóng góp của nông nghiệp đối với Quốc gia và xã hội.

Hơn nữa, người nông dân hiện nay đang phải đối mặt với nhiều khó khăn trước việc giá phân bón, thức ăn chăn nuôi tăng cao, trong khi giá nông sản không tăng đã ảnh hưởng lớn đến thu nhập và đời sống của người nông dân.

Từ thực tiễn trên, đại biểu Nguyễn Văn Thi đề nghị Quốc hội, Chính phủ tiếp tục nghiên cứu, ban hành các chính sách phù hợp hỗ trợ phát triển kinh tế nông nghiệp, nông thôn. Đại biểu Nguyễn Văn Thi cho rằng, việc tái cơ cấu kinh tế nông nghiệp hiện nay cần bắt đầu chuyển đổi phương thức sản xuất từ quy mô hộ gia đình, sản xuất nhỏ sang hợp tác xã gắn với đẩy mạnh thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp để tạo thành các liên kết nông dân, hợp tác xã, doanh nghiệp.

“Chính phủ tiếp tục có cơ chế chính sách phù hợp hơn để thúc đẩy phát triển kinh tế tập thể trong nông nghiệp. Cụ thể, chính sách phù hợp về đất đai, thuế, tín dụng và công nghệ để thu hút các nguồn lực xã hội, các doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn. Đồng thời hỗ trợ nông dân trong công tác dự báo thị trường, định hướng sản xuất và đẩy mạnh hỗ trợ tiêu thụ nông sản. Đồng thời đề nghị Chính phủ có giải pháp giữ ổn định và giảm giá các mặt hàng phân bón, đại biểu Nguyễn Văn Thi đề nghị.

Còn đại biểu Đặng Ngọc Huy (Quảng Ngãi) đề xuất xem xét điều chỉnh cơ cấu lịch trả nợ linh hoạt, hợp lý để tránh phát sinh nợ xấu, có cơ chế đặc thù với nghề biển. Đại biểu Đặng Ngọc Huy khẳng định, qua hơn 7 năm triển khai thực hiện các chủ trương, chính sách của Nghị định 67 đã đi vào cuộc sống, đáp ứng nguyện vọng của đông đảo ngư dân, được xã hội đồng tình ủng hộ.

Mục tiêu hiện đại hóa tàu cá bước đầu đã đạt được, số lượng tàu cá khai thác xa bờ tăng lên. Đặc biệt là tàu vỏ thép có công suất lớn, trang bị hiện đại đã làm thay đổi nhận thức, tác phong làm việc của ngư dân theo hướng công nghiệp.

>>Nông nghiệp thích ứng với biến đổi khí hậu

Đại biểu Quốc hội Đặng Ngọc Huy (Quảng Ngãi).

Đại biểu Quốc hội Đặng Ngọc Huy (Quảng Ngãi).

Các mô hình tổ, đội, nghiệp đoàn nghề cá được hình thành đã hỗ trợ nhau trong sản xuất và cứu hộ, cứu nạn trên biển, ngư dân yên tâm bám biển sản xuất, góp phần tích cực vào việc bảo vệ an ninh, chủ quyền quốc gia trên biển.

Kết quả đạt được đã góp phần bảo đảm các mục tiêu của Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 theo Nghị quyết số 36 ngày 22/10/2018 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng.

Tuy nhiên, thực tế hiện nay, số lượng lớn chủ tàu theo Nghị định 67 đang gặp khó khăn, bởi vì tàu hoạt động không hiệu quả hoặc nằm bờ, chủ tàu mất khả năng trả nợ vay. Các ngân hàng thương mại phải tiến hành các thủ tục pháp lý để chủ bán tàu, thu hồi nợ vay.

Đại biểu Đặng Ngọc Huy cho rằng, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cùng các bộ, ngành liên quan đã nhận diện đầy đủ các tồn tại, hạn chế và nguyên nhân về các vấn đề và Chính phủ cần có thời gian xem xét, ban hành Nghị định mới.

Tuy nhiên, hiện nay giá nhiên liệu tăng cao, nguồn lợi thủy sản ngày càng cạn kiệt, cộng với ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 diễn ra trong 2 năm qua đã tác động rất lớn đến hoạt động đánh bắt hải sản. Do đó, để kịp thời tháo gỡ khó khăn đối với các chủ tàu theo Nghị định 67 và tiếp tục phát triển hoạt động khai thác thủy sản, đại biểu Đặng Ngọc Huy đề nghị Chính phủ cần tiếp tục đẩy mạnh thực hiện đồng bộ hơn các vấn đề sau.

Thứ nhất, xem xét nâng thời hạn cho vay để giảm áp lực trả nợ gốc, điều chỉnh cơ cấu lịch trả nợ linh hoạt, hợp lý để tránh phát sinh nợ xấu, có cơ chế đặc thù với nghề biển.

Thứ hai, tiếp tục phát triển đồng bộ đội tàu dịch vụ hậu cần để hoạt động đánh bắt xa bờ để đáp ứng việc cung cấp nhiên liệu, nhu yếu phẩm thu mua hải sản cho tàu đánh bắt nhằm nâng cao tính chuyên nghiệp, tiết giảm chi phí, tăng thời gian hoạt động đánh bắt hải sản, thực hiện chuỗi liên kết, khai thác, tiêu thụ hải sản, nâng cao hiệu quả kinh tế biển.

Có thể bạn quan tâm

  •  Sơn La: Phát triển du lịch, ẩm thực, nông nghiệp và dược liệu

    16:07, 04/06/2022

  • Hải Phòng: Hỗ trợ đưa hộ sản xuất nông nghiệp lên sàn thương mại điện tử

    00:40, 02/06/2022

  • Gắn OCOP với chuyển đổi số trong nông nghiệp

    03:00, 31/05/2022

  • THỦ TƯỚNG ĐỐI THOẠI VỚI NÔNG DÂN: Khuyến khích doanh nghiệp lớn đầu tư vào nông nghiệp

    12:48, 29/05/2022

  • Nông nghiệp thích ứng với biến đổi khí hậu

    00:40, 24/05/2022

  • Bản lề cho nông nghiệp Tây Nguyên "cất cánh"

    08:45, 22/05/2022

NGUYỄN VIỆT