Vì sao xe buýt khiến "thượng đế" phải bỏ đi?
Báo chí và công luận phản ánh, xe buýt là "hung thần" đường bộ gây ra nhiều vụ tai nạn, nhiều xe chạy rất “dích dắc”, thậm chí vượt đèn đỏ.
>>Hỗ trợ xe bus cần công bằng
Báo chí và công luận phản ánh, xe buýt là "hung thần" đường bộ gây ra nhiều vụ tai nạn, nhiều xe chạy rất “dích dắc”, thậm chí vượt đèn đỏ.
TS. Lưu Bình Nhưỡng, Phó Trưởng ban Dân nguyện của Ủy ban Thường vụ Quốc hội chia sẻ tại tọa đàm “Để xe buýt thực sự là một lựa chọn văn minh” do Cổng Thông tin điện tử Chính phủ tổ chức, ngày 25/7.
Theo TS. Lưu Bình Nhưỡng, bên cạnh những lợi ích mà xe buýt đạt được, thì vẫn còn những vấn đề khiến xe buýt chưa hấp dẫn. Dịch vụ của xe buýt chưa tạo được sự yên tâm cho người dân.
“Hung thần” đường bộ
Qua báo chí và công luận, có bài báo đã đưa tin xe buýt là “hung thần” đường bộ gây ra nhiều vụ tai nạn, thậm chí có cả xe buýt cố tình gây tai nạn, và gây ra ách tắc giao thông.
“Đặc biệt là cách chạy xe buýt hiện nay, nhiều xe chạy rất dích zắc, thậm chí vượt cả đèn đỏ”, TS. Lưu Bình Nhưỡng nói.
Và điều quan trọng nhất người dân muốn được đáp ứng, nhất là cán bộ, công chức, người lao động đó là đúng giờ. Đi xe buýt phải đi bộ 1 đoạn từ nhà ra bến xe, rồi chờ đợi, đi xe buýt đến được địa điểm nào đó lại tiếp tục đi bộ để đến cơ quan, nhà máy, xí nghiệp.
“Việc này tạo ra sự bất tiện với người dân, nên nhiều người cho rằng tốt nhất là đi xe máy vù cái đến tận nơi”, TS. Lưu Bình Nhưỡng bày tỏ.
Vẫn theo TS. Lưu Bình Nhưỡng một vấn đề nữa tạo sự không hấp dẫn của xe buýt mà báo chí đã phản ánh là thái độ của nhân viên trên các xe buýt chưa phù hợp, thậm chí có người rất “hùng hổ”.
“Tôi đã đọc những bài báo người ta nói không đi xe buýt chỉ vì có một lần nhân viên đối xử không đến nơi đến chốn”, TS. Lưu Bình Nhưỡng nhấn mạnh.
TS. Nguyễn Sĩ Dũng, nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội chia sẻ, nhiều bạn đọc phản ánh với Cổng TTĐT Chính phủ: “Sở dĩ nhiều doanh nghiệp xe buýt không chịu thay đổi để phục vụ khách hàng tốt hơn là do có vấn đề "xin - cho", vận tải buýt chỉ là sân chơi của số ít doanh nghiệp "sân sau - sân trước". Cho nên, dù chính quyền nhiều địa phương đã cố gắng "cải" nhưng xe buýt vẫn mãi không "tiến".
Bình luận về ý kiến này, theo ông Đào Viết Ánh, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần xe khách Phương Trang – FUTA Bus Lines, muốn “cải” hay “tiến” gì thì cũng phải minh bạch trong hoạt động. Đó là cam kết của doanh nghiệp đối với bộ máy chính quyền. Thực tế, hiện nay rất nhiều bến xe buýt của các tỉnh chất lượng phương tiện xuống cấp, bị phản ánh về thái độ phục vụ, đội ngũ nhân viên lái xe gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến hình ảnh của xe buýt trong lòng người dân.
Do đó, theo quan điểm của ông Đào Viết Ánh, vấn đề này xuất phát từ hai lý do chính. Thứ nhất, xuất phát từ chính bản thân doanh nghiệp vận tải vì mục tiêu lợi nhuận mà bỏ quên trách nhiệm xã hội, từ đó thiếu sự đầu tư, đổi mới, thiếu chuyên nghiệp khiến xe buýt càng ngày càng đi xuống.
Thứ hai, ở một số tỉnh thành phố, các giải pháp nâng cao chất lượng xe bus chưa đồng bộ, chưa đi vào thực tiễn đời sống.
“Vòng xoáy luẩn quẩn”
Ông Nguyễn Văn Thanh, nguyên Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam cho rằng, thực trạng hoạt động của xe buýt công cộng tại các đô thị lớn, đặc biệt là 2 thành phố Hà Nội và TP. HCM còn nhiều vấn đề tồn tại nhưng chưa giải quyết được.
Đặc biệt, sau đợt giãn cách xã hội để phòng chống Covid-19 và cơn “bão giá” xăng dầu vừa qua đã đẩy các doanh nghiệp vận tải xe buýt vào tình thế hết sức khó khăn.
Từ đó tạo ra một “vòng xoáy luẩn quẩn”. Hành khách thì quay lưng với xe buýt, nhiều người cảm thấy không còn thói quen đi xe buýt bởi mất mấy tháng, thậm chí cả năm không đi, và họ đã dần quen đi xe cá nhân nên muốn phục hồi lại càng khó khăn hơn.
Nếu càng ít khách đi thì trợ giá cho các doanh nghiệp xe buýt lại bị giảm xuống, như vậy sẽ “lấy đâu tiền” để đổi mới phương tiện, đầu tư cho hạ tầng xe buýt, thậm chí chi lương cho cán bộ nhân viên của công ty còn khó khăn.
Đã có nhiều công ty xe buýt phản ánh lỗ. Mặc dù, phía sau câu chuyện lỗ còn có nhiều dấu hỏi, nhưng ông Thanh khẳng định thực tế xe buýt vẫn còn rất nhiều khó khăn.
Có nhiều doanh nghiệp xe buýt ở TP. HCM phải “bỏ bến”. Dù chưa từ chối như các doanh nghiệp ở Hà Nội, nhưng họ bỏ từng chuyến để tiết giảm chi phí. Đây chính là “chiếc vòng” luẩn quẩn, vì khi dịch vụ xe buýt chất lượng ngày càng giảm đi thì hành khách lại càng từ chối.
“Mọi sự ưu đãi từ Nhà nước, từ các thành phố hay công tác tuyên truyền cho người dân đi xe buýt tôi nhận thấy chưa thỏa đáng. Đấy là khó khăn mà chúng ta cần phải bàn, đề nghị với Nhà nước, với 2 thành phố lớn có những chính sách để giải quyết tốt hơn”, ông Thanh đề nghị.
TS. Nguyễn Sĩ Dũng đánh giá, đây là vấn đề hoàn toàn không dễ, người dân đã hình thành thói quen đi xe cá nhân, vừa qua lại thêm dịch bệnh nữa, mà thói quen lại khó sửa. Đây là điều doanh nghiệp phải đối mặt.
Đặc biệt, thời gian gần đây dư luận rất "sốc" trước sự việc chưa từng có tiền lệ trong kinh doanh vận tải công cộng. Đó là, có doanh nghiệp vận tải buýt tại một địa phương xin trả lại tuyến, hay một loạt đơn vị kinh doanh vận tải xe buýt tại TP. HCM "đồng thanh" kêu lỗ vì không có khách hàng.
Song, TS. Nguyễn Sĩ Dũng đặt câu hỏi, trong bối cảnh đó thì Công ty Phương Trang lại "bơi ngược dòng" khi mở thêm 8 tuyến xe buýt mới tại Khánh Hòa vào hạ tuần tháng 4 vừa qua. Vậy điều gì giúp Phương Trang đi đến quyết định này?
Trả lời câu hỏi này, ông Đào Viết Ánh cho biết, Phương Trang là một doanh nghiệp vận tải tại Việt Nam. Thời gian dịch Covid-19, Phương Trang cũng bị ảnh hưởng rất nặng nề. Nhưng, Phương Trang luôn muốn người dân sử dụng dịch vụ công cộng để giảm ùn tắc giao thông tại các thành phố lớn, đặc biệt là các thành phố du lịch.
Mục tiêu lớn nhất mà Công ty Phương Trang hướng tới là cung cấp cho người dân các dịch vụ vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt chất lượng cao, để người dân được trải nghiệm các chuyến xe buýt hiện đại, chuyên nghiệp, với phương tiện được đầu tư mới 100%.
Đặc biệt, đội ngũ lái xe, nhân viên phục vụ được đào tạo bài bản về nghiệp vụ lái xe an toàn, cũng như thái độ phục vụ hành khách. Qua đó người dân có thể thay đổi cách nhìn về sử dụng xe buýt, góp phần giảm thiểu phương tiện cá nhân, giảm ùn tắc giao thông, đồng thời góp phần xây dựng nếp sống văn minh đô thị.
Về thực trạng doanh nghiệp khai thác tuyến xe buýt bỏ, trả lại tuyến hoặc yêu cầu nâng mức giá, ông Đào Viết Ánh nêu quan điểm, khi tham gia đấu thầu một tuyến xe buýt nào, doanh nghiệp sẽ biết được mức trợ giá ở trong đó.
Sau khi tiếp nhận thông tin, doanh nghiệp có trách nhiệm khảo sát, tính toán tất cả chi phí để từ đó biết được mức trợ giá có phù hợp hay không. Khi đã quyết định tham gia đấu thầu và nhận đặt hàng với mức trợ giá ấn định thì không thể than lỗ để lấy lý do bỏ tuyến, ngưng tuyến, không tiếp tục khai thác.
“Theo tôi, doanh nghiệp khi đã nhận trợ giá từ ngân sách nhà nước, doanh nghiệp có trách nhiệm thực hiện nghĩa vụ của mình, không thể báo lỗ, yêu cầu tăng mức trợ giá hay ngừng khai thác tuyến như hiện nay”, ông Đào Viết Ánh bày tỏ.
Có thể bạn quan tâm