Vực dậy vận tải xe buýt
Thời gian gần đây, dư luận "nóng" lên với câu chuyện một doanh nghiệp xe buýt ở Hà Nội xin trả lại tuyến.
>>"Loay hoay" giải pháp "đóng - mở” trong quản lý xe buýt
Trong nhiều năm qua, dù các địa phương đã có nhiều hình thức hỗ trợ, ưu tiên, nhưng xe buýt vẫn chưa trở thành một phương tiện vận tải văn minh và tiện lợi được xã hội lựa chọn.
Nguyên nhân chủ quan khiến khách hàng quay lưng với xe buýt đã được báo chí tốn không ít giấy mực, thời lượng để phản ánh qua nhiều năm, như đa số là xe cũ, xuống cấp, nhà xe thiếu chuyên nghiệp, thiếu tiềm lực tài chính.
Nhân viên phục vụ chưa tốt, vẫn còn tệ nạn móc túi, quấy rối trên xe, điểm lên xuống chưa thuận tiện, thời gian giãn cách giữa các chuyến dài, khiến khách hàng phải chờ đợi lâu, chưa tạo thuận lợi cho người cao tuổi, người khuyết tật…
Tóm lại, dịch vụ xe buýt cơ bản chưa đáp ứng được nhu cầu của khách hàng và "thượng đế buồn, thượng đế bỏ đi" là bài toán mà cả chính quyền và nhiều doanh nghiệp xe buýt loay hoay chưa tìm được đáp án.
Thực tế, có những địa phương, mỗi năm chi hàng nghìn tỷ đồng để trợ giá, nhưng xe buýt vẫn kêu lỗ, trong khi đó lại có địa phương 100% xe buýt không được trợ giá nhưng "sống khỏe".
Dư luận băn khoăn vấn đề cơ chế quản lý nói chung và trợ giá xe buýt nói riêng có còn phù hợp? Có hay không sự lãng phí trong việc trợ giá? Tại sao những tồn tại, hạn chế trong lĩnh vực vận tải xe buýt đã diễn ra nhiều năm mà vẫn chưa có lời giải? Làm thế nào để "vực dậy" vận tải xe buýt?…
TS. Nguyễn Sĩ Dũng, nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội nêu vấn đề, việc các địa phương chỉ định thầu cho một số doanh nghiệp vận tải để được trợ giá một số tuyến gây băn khoăn trong dư luận về sự lãng phí, có tiêu cực hay không tiêu cực?
Tại sao địa phương lại chọn việc rất khó là chỉ định thầu, thay vì việc đấu thấu cạnh tranh, công khai, minh bạch? Có rất nhiều doanh nghiệp sẵn sàng tham gia việc này?
TS. Lưu Bình Nhưỡng, Phó Trưởng ban Dân nguyện của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, không thể không đấu thầu. Nhà nước phải thay nhân dân tìm được nhà thầu tốt nhất, đấu thầu phải đoàng hoàng chứ không quân xanh quân đỏ, phát nổ phát xịt…
Ông Nguyễn Văn Thanh, nguyên Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam đề nghị đấu thầu phải rõ ràng bao nhiêu năm, xe của nước nào… Quan trọng nhất là kiểm soát nguồn thu. Nhiều chuyên gia cho rằng trợ giá cho người dùng xe buýt, nhưng đương nhiên phải thông qua xe buýt.
Cách trợ giá phải rõ tổng chi thế nào thì trợ giá, thu bao nhiêu tập trung cho doanh nghiệp để thanh quyết toán. Khuyến khích đưa doanh nghiệp đổi mới dịch vụ và phương tiện, doanh thu càng cao càng phải khuyến khích, chứ không khoán.
>>Tương lai nào cho xe buýt?
>>Vì sao xe buýt khiến "thượng đế" phải bỏ đi?
>>Được trợ giá, xe buýt vẫn “chết yểu”: “Chiếc áo” cơ chế đã quá chật?
Còn theo ông Đào Viết Ánh, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần xe khách Phương Trang - FUTA Bus Lines, các địa phương cần nghiên cứu đề án xe buýt của riêng mình và tạo hành lang pháp lý để doanh nghiệp đầu tư.
Phải nghiên cứu nhu cầu đi lại của người dân để tổ chức đấu thầu nhằm kêu gọi các doanh nghiệp vận tải tham gia. Những tuyến kém phải yêu cầu doanh nghiệp đổi mới và cải thiện dịch vụ, nếu hết thời hạn không thực hiện thì thu hồi để các doanh nghiệp uy tín tham gia.
"Hiện tại một số địa phương chỉ định thầu nhưng không có bộ tiêu chí và thời hạn cụ thể. Một số còn sai trong bộ tiêu chí và bắt doanh nghiệp tham gia. Tôi ủng hộ đưa ra đấu thầu công khai minh bạch và bộ tiêu chí chất lượng dịch vụ để người dân biết và chấp nhận chất lượng dịch vụ.
Đừng bao cấp xin-cho nữa để doanh nghiệp tự quyết định chất lượng dịch vụ, người dân cũng tự quyết định, chất lượng cao thì giá cao mà chất lượng vừa thì vừa tiền”, ông Đào Viết Ánh nói.
Vẫn theo TS. Nguyễn Sĩ Dũng, dù được trợ giá nhưng doanh nghiệp vẫn cứ "đến hẹn lại than lỗ", người dân và khách hàng vẫn “quay lưng". Trong khi đó, theo tính toán của Công ty Phương Trang là không thể lỗ được và thực tế như báo chí phản ánh, ở Bắc Giang 100% xe buýt không được trợ giá đang làm ăn hiệu quả.
Và TS. Nguyễn Sĩ Dũng nêu câu hỏi về cơ chế quản lý phương tiện công cộng nói chung cũng như cơ chế trợ giá xe buýt hiện nay. Trợ giá mà dân không sử dụng, để xe chạy rỗng thì có lãng phí hay không?
Trao đổi về vấn đề này, TS. Lưu Bình Nhưỡng quay lại Công ty cổ phần xe khách Phương Trang – FUTA Bus Lines. Đây là doanh nghiệp đã nghiên cứu thị trường sau đó xây dựng kế hoạch và quyết tâm thực hiện, hoạt động theo kế hoạch. Phương Trang khẳng định, với quyết tâm của mình, không cần trợ giá vẫn có lãi. Nếu làm tốt, trợ giá là thừa.
Còn đối với các doanh nghiệp khác, nói như ông Nguyễn Văn Thanh, nếu “nhăm nhăm” vào trợ giá mà bản chất muốn đào "bầu sữa "của Nhà nước thì đương nhiên không hiệu quả.
Phương Trang chú ý đến chất lượng dịch vụ, khách được phục vụ tốt, an toàn và những mục tiêu đặt ra đạt được… thì sẽ có hiệu quả kinh tế. Yếu tố chủ quan quyết định chứ không chỉ may mắn. Phương Trang là doanh nghiệp lớn và rất mạnh dạn khi xác định lỗ và chịu rủi ro để thành công.
“Như vậy, có thể thấy rõ một công thức là phương tiện hiện đại + chất lượng tốt, hài lòng khách hàng = hạch toán tốt. Sự khác biệt giữa Phương Trang với các doanh nghiệp khác là quản lý và phục vụ. Hai yếu tố này tốt thì đã hơn. Chính vì vậy họ có thể khẳng định không cần trợ giá vẫn hiệu quả”, TS. Lưu Bình Nhưỡng nói.
Có thể bạn quan tâm
"Loay hoay" giải pháp "đóng - mở” trong quản lý xe buýt
00:00, 29/07/2022
Vì sao xe buýt khiến "thượng đế" phải bỏ đi?
17:29, 25/07/2022
Được trợ giá, xe buýt vẫn “chết yểu”: “Chiếc áo” cơ chế đã quá chật?
04:10, 21/07/2022