Quy hoạch “đẩy” vận tải xe buýt vào “ngõ cụt”?
Chúng ta đang kêu gọi dùng phương tiện công cộng… Như vậy, sẽ phải có biện pháp hạn chế phương tiện cá nhân. Tuy nhiên, cũng cần có biện pháp phù hợp để xe buýt phát triển.
>>Vực dậy vận tải xe buýt
Ông Nguyễn Văn Thanh, nguyên Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam chia sẻ về bài toán dịch vụ xe buýt mà cả chính quyền và nhiều doanh nghiệp xe buýt loay hoay chưa tìm được đáp án.
Ông Nguyễn Văn Thanh dẫn câu chuyện phát triển xe buýt ở đô thị lớn nhiều năm nay đã bị rơi vào ngõ cụt, từ buýt nhỏ, BRT, đến đường trên cao... Trong đó, nguyên nhân chính là từ khâu quy hoạch đã làm “chết” vận tải xe buýt thì lại rất ít được nói đến.
Nghiêm túc xử lý khâu quy hoạch
“Ùn tắc giao thông, trước khi đổ cho giao thông chúng ta phải nhìn nhận do lỗi quy hoạch đô thị rồi sau mới đến giao thông”, ông Thanh thẳn thắn.
Ông Nguyễn Văn Thanh cho rằng, bây giờ cứ luẩn quẩn như thế này thì bế tắc hết, mặc dù rất may mắn có các doanh nghiệp lớn như Phương Trang thu hút khách đi phương tiện công cộng. Nhưng làm sao các doanh nghiệp này có thể hút được đến 30% người di chuyển ở các đô thị lớn? Điều này là không có.
“Đừng đổ tại xe buýt to làm tắc đường. Tôi đề nghị nghiêm túc xử lý quy hoạch đô thị rõ ràng, thậm chí phá bỏ những nhà cao tầng làm ách tắc giao thông, sau đó mới đến tổ chức giao thông. Tiếp đến là đầu tư hạ tầng giao thông. Việc này cần làm bài bản để doanh nghiệp vào cuộc bằng cơ chế khuyến khích, trợ giá, đấu thầu minh bạch”, ông Thanh nói.
Đồng quan điểm, TS. Nguyễn Sĩ Dũng, nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội cho rằng, nếu không giải quyết được vấn đề vận tải xe buýt công cộng thì ách tắc vẫn hoàn ách tắc.
Hiện tại chúng ta cố gắng để có metro, có tàu điện ngầm nhưng cái đó còn cần nhiều thời gian. Nếu chỉ nhìn vào đấy để hy vọng giảm ách tắc giao thông thì sẽ còn ách tắc lâu dài.
Do đó, theo TS. Nguyễn Sĩ Dũng, quan trọng là giao thông công cộng bằng xe buýt cần được cải thiện, người dân đa số phải sẵn sàng chọn phương tiện giao thông công cộng là xe buýt. Không có giải pháp khác cho chúng ta.
“Nếu tiếp tục để hàng triệu người đi xe máy như thế này, hoặc khi người dân giàu có lên, sang trọng lên, đi ô tô thì coi như bế tắc”, TS. Nguyễn Sĩ Dũng bày tỏ.
Nêu quan điểm về công tác quy hoạch, TS. Lưu Bình Nhưỡng, Phó Trưởng ban Dân nguyện của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị quy hoạch phải nằm trong quy hoạch về kinh tế - xã hội nói chung. “Tôi phản đối quy hoạch các loại đô thị lớn mọc lên ở 2 đầu cầu gây ùn tắc giao thông”, TS. Lưu Bình Nhưỡng nhấn mạnh.
Trong công tác quy hoạch, TS. Lưu Bình Nhưỡng đặc biệt nhấn mạnh đến quy hoạch con người. Những nơi nào thiết kế quy hoạch quan trọng phải đưa những người có năng lực quan tâm đến lĩnh vực đó và tự tổ chức bộ máy để tham mưu.
“Đút chân gầm bàn” ra chính sách là cưỡng bức xã hội
Ngoài ra, với quy hoạch giao thông thì việc phân luồng tuyến bến bãi phải rõ ràng. Xe buýt không được xung đột với các loại hình giao thông khác, xe buýt phải nằm trong luồng tuyến của các loại hình khác thì mới có nhiều giá trị.
“Nhà nước phải phổ biến pháp luật để ủng hộ chính sách về xe buýt, giữa xe chạy xăng dầu và điện. Đồng thời, cần nghĩ đến người dân và dân cư khu vực nào thì các chính sách phải thông qua ý kiến của người dân, hiệp hội… Nếu làm kiểu đút chân gầm bàn để đưa ra chính sách là cưỡng bức với xã hội’, TS. Lưu Bình Nhưỡng bày tỏ.
Dưới góc nhìn doanh nghiệp, Ông Đào Viết Ánh, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần xe khách Phương Trang – FUTA Bus Lines đề xuất, các địa phương cần nghiên cứu đề án xe buýt của riêng mình và tạo hành lang pháp lý để doanh nghiệp đầu tư. Phải nghiên cứu nhu cầu đi lại của người dân để tổ chức đấu thầu nhằm kêu gọi các doanh nghiệp vận tải tham gia. Những tuyến kém phải yêu cầu doanh nghiệp đổi mới và cải thiện dịch vụ, nếu hết thời hạn không thực hiện thì thu hồi để các doanh nghiệp uy tín tham gia.
Theo quan điểm của cá nhân ông Đào Viết Ánh, muốn hạn chế được phương tiện cá nhân thì trước mắt không thể ép người dân phải đi những phương tiện giao thông công cộng, bởi quá kém chất lượng, không được đầu tư bài bản ngay từ ban đầu về thái độ phục vụ, về luồng tuyến, về thời gian khoảng cách…
Và nói như TS. Lưu Bình Nhưỡng là “xáo động lòng dân”, khi bước chân lên xe đã thấy ngay sự nhếch nhác và tềnh toàng. Chúng ta không thể bắt ép dân đi bằng những phương tiện cũ nát, nghèo nàn, không được đầu tư bài bản thì chắc chắn người dân sẽ phản ứng thậm chí “quay lưng” với xe buýt.
“Và khi đó chính quyền địa phương rất khó đưa ra những phán đoán, cũng như những quyết định sáng suốt. Vì chúng ta không đầu tư bài bản từ đầu, không lựa chọn đơn vị vận tải uy tín và có tiềm lực”, ông Đào Viết Ánh nói.
Nêu câu hỏi: “Phương Trang bây giờ đang làm tốt, nhưng đến một ngày nào đó có một doanh nghiệp làm tốt hơn thì Phương Trang cũng phải liệu chừng”. Do đó, TS. Lưu Bình Nhưỡng đề nghị Phương Trang phải thường xuyên đổi mới.
Trả lời câu hỏi này, ông Đào Viết Ánh cho biết Phương Trang hoạt động trên 20 năm nay, nhưng nếu không cải tiến chất lượng dịch vụ, không đầu tư phương tiện mà cứ một cái xe cũ đời thấp đem phục vụ thì không ổn.
Đời sống người dân ngày càng cao. Đơn cử mùa hè là cao điểm du lịch, đã đi du lịch thì người dân không tính toán chi phí đã bỏ ra như thế nào, nhưng muốn mang lại cái gì khi bỏ số tiền đó ra.
“Do đó, Phương Trang đang phải cải thiện chất lượng dịch vụ hàng ngày thì mới tồn tại được 20 năm nay và khai thác trên 60 tuyến, trên 500-600 chi nhánh văn phòng đại diện. Chúng tôi luôn giữ chất lượng dịch vụ để phục vụ khách hàng một cách tốt nhất”, ông Đào Viết Ánh khẳng định.
Có thể bạn quan tâm
Vực dậy vận tải xe buýt
04:00, 02/08/2022
Tương lai nào cho xe buýt?
05:00, 01/08/2022
"Loay hoay" giải pháp "đóng - mở” trong quản lý xe buýt
00:00, 29/07/2022
Vì sao xe buýt khiến "thượng đế" phải bỏ đi?
17:29, 25/07/2022
Được trợ giá, xe buýt vẫn “chết yểu”: “Chiếc áo” cơ chế đã quá chật?
04:10, 21/07/2022