Có nhóm lợi ích chỉ mong chuỗi cung ứng… “dài ra”

Bài: NGUYỄN VIỆT thực hiện - Ảnh: QUỐC TUẤN 14/08/2022 09:00

Có ý kiến cho rằng, phải duy trì thương lái thì hàng hoá mới đến tay người tiêu dùng. Có nhóm lợi ích mong muốn duy trì chuỗi… “dài ra”.

>>Chuỗi cung ứng ngắn – “cây gậy thần” xoá bỏ trung gian phân phối

Chuyên gia kinh tế Vũ Vinh Phú chia sẻ với Diễn đàn Doanh nghiệp về cơ hội phát triển chuỗi cung ứng ngắn tại Việt Nam.

Chuyên gia kinh tế Vũ Vinh Phú. Ảnh: Nguyễn Việt

Chuyên gia kinh tế Vũ Vinh Phú. Ảnh: Nguyễn Việt

Ông đánh giá như thế nào về thực trạng chuỗi cung ứng ngắn ở Việt Nam hiện nay?

Thực tế, chuỗi cung ứng ngắn ở Việt Nam đã có khoảng 5-7 năm nay, nhưng chủ yếu là chuỗi sản xuất, phân phối, như chuỗi gạo, chuối, lúa… từ nơi sản xuất đến nơi tiêu thụ, nhưng không có chuỗi cung ứng ngắn. Điều quan trọng là vẫn còn thương lái, bán buôn, bán lẻ rồi sau cùng mới đến được khâu tiêu dùng. Do đó, bản chất của chuỗi này chưa rõ ràng, chủ yếu là liên kết chặt chẽ và ở dạng tự phát chưa chuyên nghiệp như các nước đã làm từ nhiều năm nay.

Chuỗi cung ứng ngắn mặc dù có nhưng còn lẻ tẻ, tự phát, không thực hiện theo quy định chung hay luật hoá chuỗi cung ứng. Chúng ta vẫn nói “mua tận gốc, bán tận ngọn” nhưng mới chỉ dưới dạng “sơ đẳng”, chưa hình thành một tổ chức chặt chẽ, bài bản và mang lại nhiều cái lợi cho xã hội.

Đặc biệt, chuỗi cung ứng ngắn chưa được pháp luật công nhận, nếu có thì chỉ hoạt động “manh nha”. Có thể hoạt động hiệu quả vì đã cắt bỏ được khâu trung gian, chỉ còn sản xuất và tiêu dùng, nhưng lợi ích trong chuỗi đó mang lại lợi nhuận và hiệu quả như thế nào cho người sản xuất và tiêu dùng cũng chưa rõ ràng, chưa có một lý luận, góc nhìn toàn diện và cụ thể về chuỗi cung ứng ngắn. Đây là thực trạng về chuỗi cung ứng ngắn ở Việt Nam hiện nay.

- Theo ông, rào cản nào khiến Việt Nam chưa hình thành được chuỗi cung ứng này?

khi chuỗi cung ứng ngắn đi vào hoạt động, mối quan hệ giữa người sản xuất và người tiêu dùng sẽ được trao đổi trực tiếp, cởi mở và thấu đáo hơn, từ đó nâng cao sự gắn bó giữa các thành viên quan trọng trong xã hội. Ảnh minh hoạ: Quốc Tuấn

Khi chuỗi cung ứng ngắn đi vào hoạt động, mối quan hệ giữa người sản xuất và người tiêu dùng sẽ được trao đổi trực tiếp, cởi mở và thấu đáo hơn, từ đó nâng cao sự gắn bó giữa các thành viên quan trọng trong xã hội. Ảnh minh hoạ: Quốc Tuấn

Thứ nhất, về mặt nhận thức. Hiện nay, việc buôn bán vẫn còn rất “hồn nhiên”. Vẫn còn những thương lái, bán buôn… chưa có một pháp lý chính thức nào về chuỗi cung ứng ngắn. Nhận thức còn mơ hồ và chưa nhìn thấy cái lợi của chuỗi cung ứng ngắn một cách rõ ràng.

Thứ hai, các cơ quan quản lý nhà nước chưa quan tâm sâu sát. Mặc dù vẫn biết, nếu làm sẽ mang lại hiệu quả cho xã hội, có lợi cho từng nhóm chủ thể tham gia sản xuất, kinh doanh, dịch vụ.

Thứ ba, nhóm lợi ích. Có ý kiến cho rằng phải duy trì thương lái, duy trì sự hoạt động của các cấp thì hàng hoá mới đến tay người tiêu dùng. Vẫn có những nhóm lợi ích mong muốn duy trì chuỗi “dài ra”.

Vẫn biết, ai cũng có cuộc sống, họ làm như vậy cũng chỉ để tìm kiếm lợi nhuận, nhưng lợi ích chung của xã hội thì không đạt được. Họ chỉ nhận thức rất đơn giản là lợi nhuận và thu nhập. Chính rào cản này khiến chuỗi cung ứng ngắn chưa hình thành và chưa phát triển.

Thứ tư, vấn đề hạ tầng như giao thông, chợ đầu mối, sàn giao dịch… còn thiếu và yếu đã làm hạn chế việc gom hàng, đưa thẳng hàng từ sản xuất, bán lẻ, quản lý chất lượng hàng hoá theo chuỗi cung ứng một cách ngắn nhất, hiệu quả nhất. Hạ tầng thương mại đã làm cho chuỗi cung ứng ngắn khó hình thành, hoặc hình thành một cách tự phát.

Vậy, theo ông cần nhận diện cơ hội như thế nào để triển khai chuỗi cung ứng ngắn tại Việt Nam?

cần quan tâm đến chuỗi cung ứng ngắn nông sản, thực phẩm. Đây là mặt hàng tiêu dùng nhiều nhất, nhưng gặp nhiều khó khăn nhất, đólaf câu chuyện “được mùa mất giá”. Ảnh minh hoạ: Quốc Tuấn

Cần quan tâm đến chuỗi cung ứng ngắn nông sản, thực phẩm. Đây là mặt hàng tiêu dùng nhiều nhất, nhưng gặp nhiều khó khăn nhất, đó là câu chuyện “được mùa mất giá”. Ảnh minh hoạ: Quốc Tuấn

Theo tôi, cơ hội đã có, việc bây giờ là phải biết “chớp thời cơ” vì một số lý do sau.

Một là, các nước đã làm và có hiệu quả, nhóm các nhà khoa học cũng đã có hội thảo về vấn đề này. Việc hiện nay là ra văn bản pháp lý để từng bước làm thí điểm, sau đó nhân rộng chuỗi cung ứng ngắn này.

Hai là, xu thế sản xuất, phân phối hàng hoá theo hướng hiện đại, có lợi cho xã hội thì ai cũng đã biết. Ví dụ, có lợi về hàng hoá đi thẳng, chất lượng hàng hoá, giảm chi phí hao hụt, hàng lậu, hàng giả không thể “chen chân” vào chuỗi cung ứng, giao thông đô thị, lợi nhuận của người sản xuất và người tiêu dùng… Như vậy, nếu được phổ biến rộng rãi xu thế này thì chuỗi cung ứng ngắn sẽ có rất nhiều cơ hội phát triển.

Ba là, xu thế thời đại hiện nay là sản xuất xanh, sạch, giá cả hợp lý… trong thời điểm địa kinh tế chính trị khó khăn, lạm phát cao đã đòi hỏi một giá cả hợp lý hơn. Đây là cơ hội cho chuỗi cung ứng ngắn phát triển.

Bốn là, thời đại công nghệ 4.0, việc áp dụng công nghệ thông tin, kinh tế số, kỹ thuật số vào trong chuỗi cung ứng ngắn này cũng rất quan trọng. Sử dụng dữ liệu data, trí tuệ nhân tạo, internet vạn vật để điều khiển và quản lý chuỗi cung ứng ngắn là rất thuận lợi.

Tóm lại, cơ hội cho chuỗi cung ứng ngắn rất sáng sủa, lợi ích rõ ràng. Điều quan trọng là chúng ta phải tiến hành bắt tay triển khai nhanh. Có thể không làm đại trà, trước tiên thí điểm tại một số địa phương lớn, vùng sản xuất, tiêu thụ lớn… sau đó rút kinh nghiệm để sau 5 đến 7 năm sau sẽ có thêm nhiều chuỗi cung ứng ngắn được phát triển.

Đặc biệt, trong đó cần quan tâm đến chuỗi cung ứng ngắn nông sản, thực phẩm. Đây là mặt hàng tiêu dùng nhiều nhất, nhưng gặp nhiều khó khăn nhất, đó là câu chuyện “được mùa mất giá”.

-Trân trọng cảm ơn ông!

Chuỗi cung ứng ngắn đang dần trở thành một phương thức thương mại phổ biến trên toàn cầu, dần thay thế cho các phương thức thương mại truyền thống, với những ưu điểm, như giảm tối đa các khâu trung gian, duy trì và truyền đạt tính xác thực và độc đáo của sản phẩm nông sản, mang lại lợi ích và tác động tích cực trên các góc độ kinh tế, xã hội và môi trường…

Ngoài ra, khi chuỗi cung ứng ngắn đi vào hoạt động, mối quan hệ giữa người sản xuất và người tiêu dùng sẽ được trao đổi trực tiếp, cởi mở và thấu đáo hơn, từ đó nâng cao sự gắn bó giữa các thành viên quan trọng trong xã hội.

Về mặt môi trường, khi chuỗi cung ứng ngắn đi vào hoat động, các chi phí về thu hoạch, bảo quản, vận chuyển và tiêu thụ cũng sẽ giảm bớt đáng kể, góp phần làm giảm thiểu ô nhiễm môi trường xã hội.

Có thể bạn quan tâm

  • Chuỗi cung ứng ngắn – “cây gậy thần” xoá bỏ trung gian phân phối

    05:00, 12/08/2022

  • Chuỗi cung ứng bán dẫn mới

    20:45, 11/08/2022

  • Nâng tầm thương hiệu xanh, tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu nhờ DAT Solar ESCO

    09:00, 04/07/2022

  • Số hoá chuỗi cung ứng

    02:11, 03/07/2022

  • DIỄN ĐÀN KINH TẾ VIỆT NAM: Tương lai khu vực hoá và đa dạng hoá chuỗi cung ứng

    11:48, 05/06/2022

  • DIỄN ĐÀN KINH TẾ VIỆT NAM: Phát triển chuỗi cung ứng lao động

    10:55, 05/06/2022

  • Gián đoạn chuỗi cung ứng kéo dài, thị trường nhà ở “gặp khó”

    16:52, 30/04/2022

Bài: NGUYỄN VIỆT thực hiện - Ảnh: QUỐC TUẤN