“Trục xương sống” hạ tầng giao thông
Xây dựng hệ thống giao thông đồng bộ, hiện đại kết nối đường bộ, đường sắt với các cảng biển, cảng hàng không lớn...
Đây là một trong các nhiệm vụ trọng tâm của Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.
>>Tập trung đầu tư nâng cấp hạ tầng giao thông
Chia sẻ với DĐDN, GS.TSKH Lã Ngọc Khuê, nguyên Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải cho rằng, một hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông đồng bộ phải tận dụng được ưu thế của các chuyên ngành vận tải, đặc biệt là vai trò của đường sắt.
- Quy hoạch hạ tầng giao thông luôn là vấn đề nóng, đặc biệt trong Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, thưa ông?
Quy hoạch tổng thể quốc gia lần này nhằm cụ thể hóa đường lối và chủ trương phát triển kinh tế - xã hội mà Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII đã đề ra. Trong đó, không chỉ vấn đề phát triển vùng mà là toàn bộ không gian phát triển đất nước được định hình bởi hệ thống kết cấu hạ tầng quốc gia. Đặc biệt, kết cấu hạ tầng về giao thông là hàng đầu, cần phải tập trung và đẩy mạnh.
Hiện nay, Đảng và Nhà nước có ưu tiên rất lớn cho phát triển kết cấu hạ tầng giao thông. Đích thân Thủ tướng nhiều lần trực tiếp đi đôn đốc để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam. Đó là cơ hội ngàn năm có một, tôi tin chắc rằng với chỉ đạo sát sao của Thủ tướng và các Phó Thủ tướng, ngành giao thông vận tải thì đường cao tốc Bắc - Nam sẽ về đích đúng kế hoạch. Đến năm 2025, hy vọng chúng ta sẽ hoàn thành cao tốc Bắc - Nam và có thể có một số tuyến cao tốc trên các hành lang khác như từ Châu Đốc - Sóc Trăng, Nha Trang - Đắk Lắk. Như vậy sẽ làm cho bộ mặt đất nước thay đổi, phát triển lên một bước.
Tuy nhiên, đây mới chỉ bước thứ nhất của giai đoạn đến năm 2030. Nếu chỉ dựa vào hệ thống đường bộ cao tốc thì hệ thống kết cấu hạ tầng chưa thể đồng bộ được.
>>Long An: Hạ tầng giao thông đồng bộ
>>Hà Nam bứt phá các dự án hạ tầng giao thông trọng điểm
>>Cà Mau: Ưu tiên phát triển hạ tầng giao thông
>>Thái Bình đẩy mạnh hạ tầng giao thông kết nối vùng
- Vậy, theo ông thế nào là một hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông đồng bộ?
Một hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông đồng bộ là khi các chuyên ngành vận tải được sắp xếp, phân công theo đúng chức năng và vai trò của nó. Trong đó, tận dụng được ưu thế của các chuyên ngành vận tải, đặc biệt là đường sắt.
Tại phiên họp tổng kết 10 năm Kết luận số 27-KL/TW của Bộ Chính trị về chiến lược phát triển giao thông vận tải đường sắt Việt Nam, Thủ tướng Chính phủ đã nhấn mạnh tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam sẽ là trục xương sống cho toàn bộ hệ thống kết cấu hạ tầng đường sắt cũng như kết cấu hạ tầng nói chung. Đó là định hướng phát triển. Vì vậy, việc xác định cho rõ mục tiêu phát triển, đặc biệt là những mục tiêu định lượng đặt ra cho các giai đoạn phát triển theo quy hoạch là điều hết sức hệ trọng.
Đường sắt lâu nay khó khăn là bởi đặc tính của nó phải có sự đầu tư cao, do vậy trong những năm qua chúng ta chưa có điều kiện để đầu tư, nhưng đây là ngành tiêu tốn vật tư, kỹ thuật, năng lượng ít nhất và rất an toàn. Một tấn/km đi trên đường sắt thì tiêu tốn năng lượng chỉ bằng 1/10 một tấn/km đi trên đường bộ. Ngành vận tải đường sắt có thể đáp ứng được nhu cầu phát triển đất nước không chỉ trong giai đoạn trước mắt mà lâu dài về sau.
Vì thế, ngoài hệ thống đường bộ cao tốc, Quy hoạch tổng thể quốc gia đã đưa vào hệ thống đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam là một dự án, một công trình trọng điểm. Trong số hành lang phát triển có hành lang Bắc – Nam, hành lang này trước mắt dựa vào đường bộ cao tốc nhưng sau năm 2030, chúng ta phải khởi công và làm thế nào để đến năm 2040 đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam có thể hoàn thành. Lúc đó không gian phát triển Bắc- Nam chủ yếu dựa vào hành lang đường sắt tốc độ cao Bắc- Nam.
- Hạ tầng giao thông là động lực tăng trưởng nhưng cũng đang là rào cản phát triển tại các đô thị lớn, giải pháp nào để khắc phục thực trạng này trong tương lai, thưa ông?
Hiện nay, giao thông đô thị đang gặp nhiều vấn đề lớn. Với đặc điểm đất chật, người đông nên mức độ tích tụ phương tiện của nước ta căng thẳng hơn so với các nước trong khu vực. Nếu không giải quyết vấn đề giao thông đô thị thì Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh không thể phát huy được vai trò đầu tàu kinh tế để tạo nên động lực phát triển liên vùng. Muốn liên kết giữa các trung tâm lớn là TP. Hồ Chí Minh, Hà Nội với liên vùng thì dứt khoát phải phát triển hệ thống giao thông công cộng nhưng không phải chỉ bằng các tuyến đường xuyên tâm và các tuyến đường vành đai mà quan trọng là phải bằng hệ thống đường sắt đô thị kết nối với hệ thống đường sắt liên vùng.
Khi người dân ở nội đô hay ở liên vùng đều có thể sử dụng đường sắt đô thị thì lúc đó, chúng ta mới tính được bài toán hạn chế phương tiện cá nhân đi vào trung tâm thành phố, vào nội đô. Tỉ lệ sử dụng giao thông công cộng tối thiểu phải đạt được 50% các chuyến đi thì chúng ta mới khắc phục được những vấn đề hiện nay.
- Trân trọng cảm ơn ông!
Có thể bạn quan tâm
Tập trung đầu tư nâng cấp hạ tầng giao thông
08:09, 31/08/2022
Hà Nam bứt phá các dự án hạ tầng giao thông trọng điểm
07:26, 27/08/2022
Thái Bình đẩy mạnh hạ tầng giao thông kết nối vùng
13:53, 30/07/2022
Đắk Nông: Gỡ “nút thắt” hạ tầng giao thông
17:09, 08/07/2022
Cao Lộc (Lạng Sơn): Phát triển hạ tầng giao thông thu hút nhà đầu tư
16:52, 29/06/2022
Bến Tre: Đồng bộ hệ thống hạ tầng giao thông và logistics
15:35, 24/06/2022
Bất động sản Hồ Tràm “cất cánh” nhờ hạ tầng giao thông
18:45, 16/06/2022