Tiềm năng phát triển mới cho vùng đồng bằng sông Hồng

THY HẰNG 29/09/2022 00:00

Từ Đề án tổng kết thực hiện Nghị quyết số 54-NQ/TW sẽ mở ra cơ hội mới và tiềm năng phát triển mới cho vùng đồng bằng sông Hồng.

>>>Giải mã hiện tượng “dậy sóng” của bờ Đông sông Hồng

Tại Hội nghị Ban Chỉ đạo xây dựng Đề án “Tổng kết thực hiện Nghị quyết số 54-NQ/TW về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng đồng bằng sông Hồng đến năm 2010 và định hướng đến năm 2020; Kết luận số 13-KL/TW về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 54-NQ/TW”, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh nhấn mạnh, tuy thời gian rất gấp, trong hơn 5 tháng qua, thành viên Ban Chỉ đạo là đại diện lãnh đạo của các Bộ, ngành và  địa phương vùng đồng bằng sông Hồng đã rất tích cực, chủ động phối hợp với Ban Kinh tế Trung ương thực hiện nhiệm vụ tổng kết Nghị quyết số 54-NQ/TW và Kết luận số 13-KL/TW đáp ứng yêu cầu về tiến độ theo đúng Kế hoạch 84 của Ban Chỉ đạo ban hành.

Hội nghị

Toàn cảnh Hội nghị Ban Chỉ đạo xây dựng Đề án “Tổng kết thực hiện Nghị quyết số 54-NQ/TW về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng đồng bằng sông Hồng đến năm 2010 và định hướng đến năm 2020; Kết luận số 13-KL/TW về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 54-NQ/TW”.

Dù khối lượng công việc triển khai rất lớn nhưng cho đến nay về cơ bản đã đảm bảo tiến độ. Những nội dung tổng kết được tổ chức triển khai một cách có hệ thống, bài bản, toàn diện. Các địa phương vào cuộc quyết liệt. Các báo cáo Tổng kết được triển khai đúng tiến độ và đúng yêu cầu đã đề ra.

Trên cơ sở Báo cáo tổng kết của các bộ, ngành và 11 địa phương trong vùng đồng bằng sông Hồng; ý kiến của các chuyên gia, nhà khoa học tại 3 Hội thảo; ý kiến đóng góp của lãnh đạo các bộ, ngành, thường trực tỉnh ủy, thành ủy các địa phương trong vùng bằng văn bản và trực tiếp tại các Hội nghị tổng kết của các cơ quan, địa phương, Thường trực Ban Chỉ đạo, Tổ Biên tập đã xây dựng Báo cáo tổng kết.

Trưởng ban Kinh tế trung ương Trần Tuấn Anh.

Trưởng ban Kinh tế trung ương Trần Tuấn Anh phát biểu tại Hội nghị

Đặc biệt, ngày 14/9/2022, tại Hải Phòng, Ban Chỉ đạo đã tổ chức Hội nghị tổng kết 17 năm thực hiện Nghị quyết với sự tham gia của các bộ, ngành và tất cả các địa phương trong vùng với nhiều ý kiến đóng góp đã bổ sung thêm quan điểm, cách tiếp cận mới và nội dung mới. Sau Hội nghị tổng kết toàn vùng, Thường trực Ban Chỉ đạo và Tổ biên tập đã nghiên cứu, tiếp thu ý kiến của các cơ quan, địa phương phát biểu tại Hội nghị và hoàn thiện các dự thảo văn bản.

>>>Cơ chế đặc thù cho quy hoạch sông Hồng

>>>Chủ tịch VCCI: Tạo cực tăng trưởng trong Vùng đồng bằng sông Hồng

Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh nêu rõ, hội nghị hôm nay để Ban chỉ đạo cho ý kiến lần cuối đối với các dự thảo văn bản trước khi trình Bộ Chính trị. Do đó, đề nghị các thành viên Ban Chỉ đạo, Tổ Biên tập tập trung thảo luận, cho ý kiến trực tiếp về một số vấn đề như: bố cục, kết cấu, dung lượng, cách trình bày của các văn bản trình Bộ Chính trị; đánh giá, cho ý kiến về các nội dung về quá trình triển khai thực hiện Nghị quyết 54, đặc biệt trong bối cảnh và tình hình mới; định hướng phát triển của vùng đồng bằng sông Hồng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; đề xuất, kiến nghị cụ thể, nhất là về các vấn đề như vị thế của vùng, vấn đề thể chế liên kết vùng, việc phát triển các ngành, lĩnh vực có lợi thế và các trung tâm kinh tế, vùng động lực mới trong mối tương quan với các vùng kinh tế - xã hội trong cả nước và liên kết với quốc tế.

Hội nghị đã nghe báo cáo tổng hợp chung tình hình tổng kết và nội dung cơ bản của các dự thảo văn bản trình Bộ Chính trị do ông Nguyễn Duy Hưng, Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương, Phó Trưởng Ban chỉ đạo tổng kết Nghị quyết 54-NQ/TW trình bày. Xuất phát từ thực tiễn công tác, kinh nghiệm trong lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý, điều hành, các thành viên Ban Chỉ đạo có mặt là đại diện lãnh đạo các bộ, ngành và các địa phương vùng đồng bằng sông Hồng đã có nhiều ý kiến đóng góp cụ thể với từng dự thảo văn bản.

Các đại biểu

Các đại biểu phát biểu tại Hội nghị.

Các ý kiến tham gia tại Hội nghị tiếp tục đi thẳng vào những khó khăn, hạn chế, bất cập của các địa phương cũng như của cả vùng đồng bằng sông Hồng; gợi mở nhiều vấn đề mới, cần thiết bổ sung vào các văn bản trình Bộ Chính trị.

Kết luận Hội nghị, ông Trần Tuấn Anh đánh giá cao sự tham gia, đóng góp ý kiến nghiêm túc, thẳng thắn, tâm huyết, trách nhiệm của các đồng chí trong Ban Chỉ đạo. Tuy các ý kiến cơ bản thống nhất về các dự thảo văn bản sẽ trình Bộ Chính trị nhưng ông Trần Tuấn Anh vẫn yêu cầu Tổ Biên tập tiếp tục tiếp thu và hoàn thiện, đặc biệt là làm sâu sắc hơn các kết quả, hạn chế để thấy rõ tồn tại hạn chế, nguyên nhân chủ quan, khách quan trong quá trình thực hiện Nghị quyết 54, từ đó mở ra cơ hội mới và tiềm năng phát triển mới cho vùng, góp phần vào sự phát triển chung của đất nước theo tinh thần của Nghị quyết Đại hội XIII.

Ông Trần Tuấn Anh nêu rõ, Ban Chỉ đạo sẽ tiếp tục nghiên cứu, tiếp thu, tổng hợp các ý kiến tham gia tại Hội nghị hôm nay để hoàn thiện các văn bản trình Bộ Chính trị đảm bảo đúng thời gian, tiến độ.

Có thể bạn quan tâm

  • Giải mã hiện tượng “dậy sóng” của bờ Đông sông Hồng

    11:35, 15/09/2022

  • Cơ chế đặc thù cho quy hoạch sông Hồng

    00:05, 31/08/2022

  • Chủ tịch VCCI: Tạo cực tăng trưởng trong Vùng đồng bằng sông Hồng

    19:25, 28/07/2022

  • Long Biên và “cú hích” của đồ án đô thị sông Hồng

    13:30, 07/07/2022

THY HẰNG