Chu kỳ điều chỉnh xăng dầu 10 ngày: “Lệch pha” và “lỗi nhịp” với thế giới

Bài và ảnh: NGUYỄN VIỆT 17/10/2022 01:00

Với chu kỳ điều chỉnh dài như hiện nay vẫn có sự “lệch pha” giữa giá xăng dầu trong nước và giá xăng dầu thế giới.

>>Bất ổn thị trường xăng dầu: Cần khơi thông trách nhiệm!

Bởi giá xăng dầu trong nước vẫn tính giá bình quân của 10 ngày và khi tần suất điều chỉnh quá rộng sẽ tạo ra sự bất lợi do không cùng nhịp với giá thế giới.

PGS.TS Ngô Trí Long, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả (Bộ Tài chính). Ảnh: Nguyễn Việt

PGS.TS Ngô Trí Long, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả (Bộ Tài chính). Ảnh: Nguyễn Việt

PGS.TS Ngô Trí Long, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả (Bộ Tài chính) chia sẻ với Diễn đàn  Doanh nghiệp xung quanh câu chuyện đóng cửa, bán hạn chế của các cửa hàng xăng dầu thời gian qua.

-Theo ông, nguyên nhân giảm nguồn cung xăng dầu trong nước có phải do một số doanh nghiệp đầu mối giảm nhập khẩu xăng dầu?

Việt Nam không giống với các quốc gia khác như Mỹ hay Nhật Bản chỉ có 1 đến 2 đơn vị kinh doanh xăng dầu. Các đơn vị kinh doanh xăng dầu ở các quốc gia này sẽ chịu trách nhiệm từ sản xuất, chế biến, xuất nhập khẩu cho đến khâu bán lẻ.

Nếu so sánh theo mô hình này, tại Việt Nam hiện nay chỉ có 2 doanh nghiệp là Lọc hóa dầu Bình Sơn và Dung Quất có chức năng sản xuất, chế biến và xuất nhập khẩu xăng dầu, còn 36 doanh nghiệp đầu mối chỉ chịu trách nhiệm xuất nhập khẩu xăng dầu mà không có sản xuất chế biến.

Thực tế, Việt Nam có 36 doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu đầu mối, nhưng vừa qua cơ quan thanh tra của lực lượng QLTT đã phát hiện một số đầu mối vi phạm nên đã tạm đình chỉ có thời hạn. Do đó, theo tôi đây cũng là một nguyên nhân khiến nguồn cung giảm.

Tuy nhiên, chúng ta cũng cần phải hiểu thực trạng hiện nay, nguyên tắc trong hoạt động kinh doanh xăng dầu là các doanh nghiệp đầu mối muốn nhập khẩu phải xin Bộ Công Thương cấp phép. Vừa qua, Bộ Công Thương cũng chủ quan khi chỉ có hơn 10 doanh nghiệp đầu mối nhập khẩu xăng dầu.

Sở dĩ có việc này là do thực trạng của thị trường có nhiều bất ổn, biến động mạnh, dự báo không chính xác cũng như mất cân đối cung-cầu dẫn đến nhiều doanh nghiệp đầu mối lo ngại việc nhập khẩu xăng dầu.

-Để giảm chi phí trong kinh doanh xăng dầu, theo ông chúng ta có nên bỏ trung gian đầu mối phân phối xăng dầu hay không?

Yếu tố giảm chi phí trong kinh doanh xăng dầu bằng việc bỏ các đại lý bán lẻ mà giao thẳng cho các thương nhân kinh doanh xăng dầu đầu mối là ý tưởng tốt nhưng rất khó thực hiện. Bởi vì, với quy mô và khả năng của mình, các doanh nghiệp đầu mối khó kham nổi khối lượng công việc lớn như vậy.

-Có ý kiến đề xuất nên rút ngắn chu kỳ điều chỉnh xăng dầu. Quan điểm của ông về vấn đề này như thế nào?

Khi Việt Nam hội nhập, giá xăng dầu cũng phải hoà đồng với giá thế giới. Trong khi giá xăng dầu luôn biến động, thậm chí biến động từng giờ. Do đó, chu kỳ điều chỉnh giá xăng dầu nếu được rút xuống càng ngắn càng tốt. Trước khi quy định tại Nghị định 84 chu kỳ điều chỉnh 30 ngày, Nghị định 83 rút ngắn còn 15 ngày và Nghị định 95 hiện nay giảm còn 10 ngày.

Với chu kỳ điều chỉnh dài như hiện nay vẫn có sự “lệch pha” giữa giá xăng dầu trong nước và giá xăng dầu thế giới. Bởi giá xăng dầu trong nước vẫn tính giá bình quân của 10 ngày và khi tần xuất điều chỉnh quá rộng sẽ tạo ra sự bất lợi do không cùng nhịp với giá thế giới.

Cho nên, chu kỳ điều chỉnh càng rút ngắn càng tốt nhưng hiện nhà nước vẫn định giá bán lẻ xăng dầu. Vì theo quy luật cạnh tranh định chế quản lý giá trong nền kinh tế thị trường nếu trên thị trường sản phẩm là độc quyền hoặc có doanh nghiệp giữ vị trí thống lĩnh thị trường buộc nhà nước phải định giá nhất là với những doanh nghiệp độc quyền thì nhà nước phải quy định mức giá cụ thể. Đối với những doanh nghiệp giữ vị trí thống lĩnh về bán, nhà nước phải quy định giá trần. Những doanh nghiệp giữ vị trí thống lĩnh về mua thì nhà nước quy định giá sàn.

Trong bối cảnh thị trường xăng dầu hiện nay do còn có doanh nghiệp thống lĩnh thị trường, nên nhà nước phải quy định, nhưng cũng không đủ năng lực để thay đổi giá từng ngày, chỉ khi thị trường có sự cạnh tranh thực sự và giá do thị trường quyết định mới có giá diễn biến từng ngày, từng giờ. Tuy nhiên, năng lực của nhà nước có làm được hay không?

>>TIN NÓNG CHÍNH PHỦ: Xử lý nghiêm các hành vi đầu cơ găm hàng, buôn lậu xăng dầu

>>Thứ trưởng Bộ Công Thương: Nguồn cung xăng dầu đã cơ bản được đảm bảo

-Theo ông, để tránh tình trạng độc quyền thì chúng ta có nên cho đại lý nhập từ nhiều nguồn hay không?

Việc quy định doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu chỉ được phép nhập hàng từ một đầu mối cung cấp xăng dầu có lợi thế là kiểm soát được chất lượng và số lượng xăng dầu. Nếu doanh nghiệp kinh doanh có điều kiện vật chất xây dựng hệ thống kho phân chia nguồn hàng nhập từ nhiều đầu mối khác nhau sẽ gây tốn kém, khó doanh nghiệp nào có thể đáp ứng được.

Tuy nhiên, ở góc độ khác, quy định này chưa phát huy được lợi thế cạnh tranh. Trong khi, kinh tế thị trường là cạnh tranh nên khi quy định không tạo được thị trường cạnh tranh cũng gây ảnh hưởng không tốt. Do đó, vấn đề này cũng cần phải được xem xét.

-Ông có đề xuất giải pháp gì cho việc bình ổn thị trường xăng dầu thời gian tới?

An ninh năng lượng quan trọng với mỗi quốc gia, nếu không đảm bảo được sẽ ảnh hưởng đến toàn bộ nền kinh tế. Để bình ổn giá xăng dầu đỏi hỏi tất cả các phía, các đối tượng trong xã hội cần phải có ý thức tham gia. Đối với cơ quan điều hành, trong bối cảnh thị trường thế giới hiện nay cần tiếp tục theo dõi diễn biến một cách sát sao để chủ động điều hành một cách thận trọng, linh hoạt nhưng cũng hết sức mềm dẻo.

Trong đó, cần phải theo dõi, nắm sát được hoạt động của các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu thường xuyên, liên tục, không để khi xảy ra có vụ việc, sự cố mới tiến hành thanh kiểm tra hoặc có những chế tài mang tính nhất thời.

Cơ quan điều hành khi xử lý, kết luận một vấn đề cần hết sức khách quan căn cứ trên những chế tài đã được quy định để điều hành linh hoạt và kịp thời. Điều đặc biệt quan trọng là cơ quan điều hành phải dự báo được diễn biến của thị trường trong nước và thế giới, để có phương thức điều hành phù hợp, tính toán chi phí hợp lý cho các doanh nghiệp, đề xuất giảm những sắc thuế cần thiết đảm bảo cho bình ổn thị trường xăng dầu.

Đối với các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu cần tuân thủ đúng theo pháp luật quy định trên tinh thần thượng tôn pháp luật. Các doanh nghiệp muốn có lãi cần phải dựa vào yếu tố giá, nhưng nếu không dự báo được mức giá chính xác sẽ rất nguy hiểm.

Các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu phải sử dụng công cụ phòng ngừa rủi ro về giá một cách chuẩn xác để có phương án ứng phó. Hiện nay, nhiều nơi đang sử dụng công cụ hiện đại đó là bảo hiểm giá.

Mặc dù ở Việt Nam đã có những doanh nghiệp lớn sử dụng công cụ này, nhưng do khả năng phán đoán kém nên vẫn bị thua lỗ khi giá thế giới tăng cao thì lại nhập khẩu nhiều. Do đó, nhà nước cũng phải có những chế tài rõ ràng khi sử dụng công cụ này.

Đối với người tiêu dùng, cần thông cảm và chia sẻ lợi ích với nhà nước và các doanh nghiệp. Bởi trong những thời điểm giá xăng dầu thế giới giảm thấp, người tiêu dùng luôn được hưởng mức giá bán thấp. Vậy khi thời điểm giá thế giới tăng, người tiêu dùng cũng cần sẵn sàng chia sẻ cho các cơ quan nhà nước và doanh nghiệp.

-Trân trọng cảm ơn ông!

Có thể bạn quan tâm

  • Bất ổn thị trường xăng dầu: Cần khơi thông trách nhiệm!

    10:32, 15/10/2022

  • Rà soát, sửa đổi quy định về xăng dầu

    08:29, 15/10/2022

  • Bất ổn thị trường xăng dầu: Sớm gỡ “nút thắt” về… chi phí

    04:00, 15/10/2022

  • Bất ổn thị trường xăng dầu: Cần tính toán xây dựng lại bộ máy nhập khẩu, phân phối

    12:00, 14/10/2022

  • Bất ổn thị trường xăng dầu: Công tác điều hành liệu có vấn đề?

    04:00, 13/10/2022

  • TIN NÓNG CHÍNH PHỦ: Xử lý nghiêm các hành vi đầu cơ găm hàng, buôn lậu xăng dầu

    20:31, 12/10/2022

Bài và ảnh: NGUYỄN VIỆT